04/07/2007 06:04 GMT+7

"Các quân bài đã được chia"

DUY VĂN
DUY VĂN

TT - Tổng thống Mỹ George Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc các cuộc hội đàm không chính thức vào ngày 2-7 tại nhà nghỉ ở Kennebunkport, bang Maine (Mỹ).

qrt30Lac.jpgPhóng to

Tổng thống Bush (phải) bắt tay Tổng thống Nga Putin khi kết thúc họp báo Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Putin thông báo Nga đã đưa đề xuất mới về vấn đề Hệ thống phòng thủ tên lửa (MDS), đề nghị Mỹ mở rộng phạm vi tham vấn ý kiến về MDS sang các nước châu Âu nhưng trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO.

Tổng thống Putin cũng đề nghị thành lập tại Matxcơva một trung tâm trao đổi thông tin về vấn đề trên, hoặc có thể đặt ở một nước châu Âu nào đó, thí dụ Brussels (Bỉ). Ông nhắc lại đề nghị từng đưa ra trước đây về việc cùng Mỹ sử dụng trạm rađa phát hiện sớm việc phóng tên lửa Gabala ở Azerbaijan, khẳng định Nga sẵn sàng nâng cấp trạm này, cũng như có thể đưa vào hệ thống này thêm một trạm rađa cảnh báo sớm việc phóng tên lửa khác đang được xây ở miền nam nước Nga. Tổng thống Bush đánh giá sáng kiến của Nga là “mới, táo bạo và thú vị”, nhưng vẫn nhấn mạnh Cộng hòa Czech và Ba Lan là một phần của MDS mới của Mỹ.

Theo cố vấn Steven Hadley, sau cuộc gặp này, Mỹ và Nga dự kiến ký thỏa thuận về sáng kiến trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời hai bên chuẩn bị “đặt nền tảng cho cuộc thảo luận về các lực lượng vũ trang chiến lược” sau khi Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (START) hết hạn vào năm 2009.

Bình luận kết quả cuộc gặp, theo RIA Novosti, Tổng thống Bush cho rằng quan hệ Mỹ - Nga không còn như thời Mỹ - Liên Xô trước đây mà đã tiến “gần tới quan hệ chiến lược”. Tổng thống Putin khẳng định: “Về thực chất, các quân bài đã được chia, các bên đã có thể bắt đầu chơi”.

Phân tích đề nghị của Tổng thống Putin, một thành viên Nga tham gia nhóm hội đàm không chính thức cho hãng tin Newsru biết: Các sáng kiến của Nga khiến “việc triển khai tên lửa ở vùng Kaliningrad và những vùng khác gần các phần lãnh thổ châu Âu của Nga là không cần thiết nếu Mỹ không triển khai các chi tiết lá chắn tên lửa của mình ở Cộng hòa Czech và Ba Lan”. Nguồn tin cũng phân tích thêm: các sáng kiến của Nga có thể thực hiện trong trường hợp Mỹ từ bỏ kế hoạch thành lập vùng thứ ba của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ.

Theo ông này, việc xác định hiểm họa chung sẽ cho phép việc chống lại hiểm họa hiệu quả hơn. Cách tiếp cận chung tất nhiên sẽ dẫn tới những công nghệ chung, và nhờ đó sẽ thay đổi cấu trúc quan hệ quốc tế, mà sự chọn lựa đang nằm trong tay đối tác Mỹ. Các nhà chính trị Nga gọi sáng kiến của Putin là “lịch sử” nhằm làm “mềm hóa” vấn đề.

Trong khi đó, về phía Mỹ, cố vấn tổng thống về an ninh quốc gia Steven Hadley đã bình luận: Tổng thống Putin rất quả quyết trong việc khẳng định sự sẵn sàng của Nga hợp tác với Mỹ trong hệ thống phòng thủ tên lửa. Ông cho biết Nga và Mỹ đang ở “phần đầu của tiến trình” và các nhóm làm việc, trong đó có các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước tham gia, sẽ báo cáo các kết quả lên hai tổng thống.

Bình luận kết quả cuộc gặp, Hãng tin BBC cho rằng Tổng thống Nga Putin đã “vượt lên trên” với đề nghị mới và đặt cuộc tranh cãi Nga - Mỹ về việc bố trí lá chắn ở Đông Âu vào một bối cảnh rộng hơn. Tuy nhiên, hãng này cho rằng ngoài tình bạn của hai tổng thống, những nụ cười và bữa tiệc tôm hùm, cuộc gặp vẫn chưa giải quyết được những tồn đọng lớn trong quan hệ hai nước.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên