TTO - Hậu trường chuyến thăm của Tổng thống Trump, làm đại sứ cho xoài và thanh long, đưa ngư dân bị bắt về nước... là những câu chuyện thú vị của ngoại giao Việt Nam năm Đinh Dậu.

Tuổi Trẻ Online trích đăng các bài viết và trả lời phỏng vấn của phó thủ tướng - bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và thứ trưởng Ngoại giao phụ trách ASEAN, về các hoạt động đối ngoại nổi bật của đất nước trong một năm vừa qua.

Các nhà ngoại giao Việt kể chuyện đối ngoại năm Đinh Dậu - Ảnh 1.

Phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Bài học "dĩ bất biến, ứng vạn biến" từ Năm APEC 2017

Với Năm APEC 2017 thành công, chúng ta đã thực sự triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng về "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" với tư cách là "thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", qua đó "nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương" .

Là chủ nhà, Việt Nam đã dẫn dắt APEC tiếp tục đi đúng hướng, duy trì đà hợp tác và khẳng định những giá trị cốt lõi của APEC về tự do hoá thương mại và đầu tư, phát huy thành tựu hợp tác APEC, xác lập những định hướng hợp tác của APEC trên các lĩnh vực thiết thực với người dân và doanh nghiệp.

Chúng ta cũng đã thành công trong việc điều hòa những khác biệt về lập trường của các nền kinh tế, đôi lúc hết sức gay gắt, để đi đến đồng thuận chung về nhiều vấn đề quan trọng của APEC và tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu.

Thành công của APEC 2017 để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Đó trước hết là bài học "độc lập, tự chủ" và "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong quá trình điều phối, điều hành APEC trong năm 2017, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đôi lúc tưởng chừng đổ vỡ. Tuy nhiên, chúng ta đã kiên định mục tiêu đề ra, đồng thời khéo léo, linh hoạt xử lý các khác biệt, qua đó đạt đồng thuận chung.

Đó còn là bài học về huy động sức dân. Năm APEC 2017 chứng kiến sự ủng hộ và tham gia mạnh mẽ chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân Việt Nam, với lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì hình ảnh đất nước, vì thành công chung của APEC 2017.

Đó còn là bài học "hội nhập để phát triển". Qua APEC 2017, các cơ quan, tổ chức, các địa phương, doanh nghiệp và người dân đã có sự cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chủ trương hội nhập quốc tế đối với sự phát triển của chính mình, qua đó chủ động hơn cho việc tham gia vào tiến trình đó trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Các nhà ngoại giao Việt kể chuyện đối ngoại năm Đinh Dậu - Ảnh 3.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh - Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh: Tổng thống Trump thăm Việt Nam - quan chức Mỹ cũng không dám tin

Sự chuẩn bị chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump là nỗ lực của cả hai bên. Từ cuộc điện đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống đắc cử Donald J. Trump vào tháng 12-2016, rồi hai chuyến thăm cấp cao và các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo hai bên trong 2017.

Riêng về chuyến thăm, điều lớn nhất có lẽ là có được sự nhất trí về việc Tổng thống Trump đi cả Hà Nội và Đà Nẵng để vừa thăm song phương vừa dự Cấp cao APEC, trong một chuyến đi 5 nước khu vực, dài ngày nhất trong lịch sử các chuyến thăm nước ngoài của Tổng thống Mỹ trong hơn 1/4 thế kỷ.

Ngay cả nhiều quan chức phía Mỹ cũng không dám tin là thực hiện được. Thực sự, đó là quá trình phải trao đổi thường xuyên, vận động trúng, kiên trì và nhấn mạnh được lợi ích của cả hai bên.

Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á thăm Mỹ, Tổng thống Trump cũng chọn Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thăm và là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Tổng thống Mỹ cũng chọn Việt Nam để công bố chiến lược mới với khu vực.

Tổng thống Trump cũng có ấn tượng rất tốt đẹp về chuyến đi Việt Nam tháng 11-2017 và đã trả lời phỏng vấn, đăng trên mạng Twitter của mình như sau: "Tôi đã có chuyến thăm tuyệt vời tới Việt Nam và có những ngày quan trọng đầy ắp sự kiện và các cuộc hội đàm cùng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam".

Đó là những kết quả thực sự ý nghĩa. Nhưng cũng phải thấy rằng, vẫn còn nhiều việc đang đặt ra và phải giải quyết, nhất là trong bối cảnh Chính quyền mới ở Mỹ đã và đang tiếp tục điều chỉnh các chính sách và quan hệ với các nước, theo hướng đặt lợi ích Mỹ lên trên hết, nhất là về kinh tế, thương mại, giành lại công ăn việc làm, xử lý thâm hụt thương mại.

Theo đó, cần bàn bạc, xử lý theo hướng công bằng, hai bên cùng có lợi, trên cơ sở thúc đẩy các lợi ích song trùng và với nỗ lực của cả hai phía.

Các nhà ngoại giao Việt kể chuyện đối ngoại năm Đinh Dậu - Ảnh 5.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường - Ảnh: BNG

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường: Đại sứ xoài và thanh long

Tôi biết là sau khi tôi đưa lên mạng xã hội những hình ảnh tay cầm trái xoài Cát Chu giới thiệu với khách hàng Nhật tại siêu thị Aeon hay việc dùng trái xoài ta làm tặng phẩm khi gặp các bạn Nhật đã khiến nhiều người vui đùa gọi tôi là "Đại sứ Xoài".

Nhiều người Nhật ưa chuộng xoài Cát Chu của Việt Nam vì thơm, ngọt dịu, cơm dày, hột nhỏ, không xơ. Tuy nhiên, mỗi năm ta mới chỉ xuất được vài chục tấn xoài Cát Chu sang Nhật, trong khi Thái Lan xuất 1.500 tấn, Philippines 500 tấn. Cơ hội thì có đấy, nhưng năng lực sản xuất xoài quy mô lớn ở Việt Nam theo tiêu chuẩn chất lượng cao của Nhật vẫn còn hạn chế quá, chắc cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Được làm "Đại sứ Xoài" hay "Đại sứ Thanh long"… cũng là điều đáng tự hào, đúng không?

Với quả thanh long lại là câu chuyện khác. Ta đã bắt đầu xuất thanh long ruột trắng sang Nhật từ năm 2009 và thanh long ruột đỏ từ đầu 2017. Và thanh long Việt Nam hiện đã chiếm vị trí số 1 trên thị trường Nhật với sản lượng mỗi năm khoảng 1.000 tấn, vượt xa "đối thủ" đứng thứ hai là Mỹ khoảng 400 tấn, và thứ ba là Philippines khoảng 60 tấn.

Nhật Bản là thị trường lớn với khoảng 130 triệu dân, mức sống cao nên các sản phẩm hoa quả nhiệt đới của ta còn có nhiều cơ hội nếu đáp ứng được các điều kiện khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm. Ta đang phấn đấu để có thể đưa các loại trái cây khác như vải, nhãn, trái bơ, chôm chôm sang thị trường này trong thời gian tới.

Các nhà ngoại giao Việt kể chuyện đối ngoại năm Đinh Dậu - Ảnh 7.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi - Ảnh: TT

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi: Quan điểm về Biển Đông luôn nhất quán

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2017 mang đậm dấu ấn ngoại giao cấp cao với việc lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước thường xuyên đi thăm, gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Năm 2017 là năm đầu tiên cả Tổng bí thư hai Đảng, Chủ tịch nước hai nước thăm lẫn nhau trong cùng một năm.

Những kết quả đáng khích lệ trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng như sự phát triển, ổn định của mỗi nước mang đến cho chúng ta kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2018.

Ngành ngoại giao sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy" như phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thực hiện nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, duy trì tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy giao lưu kinh nghiệm về quản lý Đảng điều hành đất nước; triển khai các thỏa thuận, trong đó có việc thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" và sáng kiến "Vành đai và con đường", làm sâu sắc hơn hợp tác trong lĩnh vực thương mại, tài chính, sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy xây dựng dự án trọng điểm; tăng cường hơn giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa để tình hữu nghị Việt - Trung không ngừng được kế thừa và phát triển.

Với trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, chúng ta vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa phải hết sức giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác để phát triển. Quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông luôn nhất quán, rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các nhà ngoại giao Việt kể chuyện đối ngoại năm Đinh Dậu - Ảnh 9.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: ASEAN mang lại cho Việt Nam sự trưởng thành

Nửa thế kỷ đồng hành đã thực sự đưa các nước thành viên ASEAN xích lại gần nhau hơn; những khác biệt, nghi kỵ ban đầu đã dần nhường chỗ cho đối thoại, hợp tác, thấu hiểu và sẻ chia với nhau nhiều hơn. 

Trong bối cảnh thế giới đa cực, đa trung tâm, nơi các cường quốc luôn có xu hướng cạnh tranh và kiềm chế nhau, thì sự tồn tại của một cơ chế hợp tác thân thiện, gần gũi, chân thành như ASEAN là một điểm sáng trong bức tranh chung. ASEAN như là một gia đình, một mái nhà chung nơi các thành viên đặt niềm tin và tìm về sau những bận rộn, lo toan bên ngoài.

ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể có tiềm lực cả về chính trị, kinh tế, đã và đang góp phần định hình các cấu trúc và cuộc chơi trong khu vực, các nước lớn đều quan tâm và đặt ASEAN ở vị trí quan trọng trong những tính toán chiến lược của mình.

Có cảm nhận rõ rằng ASEAN giờ đây đã trở thành chỗ dựa tinh thần rất quan trọng đối với 10 nước thành viên, hoặc nói như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: "ASEAN là phao cứu sinh của các nước Đông Nam Á".

Để giữ được vai trò trung tâm ấy, duy trì được sức hút ấy, ASEAN cần gắn kết, đoàn kết chặt chẽ. Sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần tương trợ đã giúp các nước thành viên đồng lòng nhất trí cùng nhau, đã tạo nên những thành tựu chung, và chính những thành tựu này lại như một sự đóng dấu chất lượng, giúp các thành viên tin tưởng hơn vào giá trị của ASEAN, để tiếp tục gắn bó và phấn đấu vì những mục tiêu chung.

Những lợi ích mà ASEAN mang lại cho Việt Nam, theo tôi, lớn nhất là sự trưởng thành. Việt Nam là một thành viên đến sau, với xuất phát điểm thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Tham gia ASEAN giúp ta rèn luyện, tự tin hơn, qua cọ xát nắm được "luật chơi", học hỏi được nhiều kinh nghiệm, từ đó hiểu và mở rộng thêm khả năng, giới hạn của mình.

Về cơ bản chúng ta có thể hài lòng với những gì đã cho đi và nhận lại trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với thế và lực của Việt Nam đang có, với những yêu cầu ở cấp độ hội nhập cao hơn, để tận dụng tốt hơn những cơ hội do ASEAN mang lại, Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa để phát huy vai trò của mình, dẫn dắt được nhiều lĩnh vực hơn nữa, cả về kinh tế và văn hóa-xã hội, đi đều trong cả ba trụ cột xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trợ lý bộ trưởng về công tác bảo hộ công dân Nguyễn Minh Vũ: Đưa 2.000 ngư dân về nước

Trong năm 2017, 126 vụ/245 tàu/1.977 ngư dân đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bảo hộ; đề nghị phía nước ngoài trao trả và đưa về nước an toàn gần 2.000 ngư dân, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Có những vụ việc chưa từng có tiền lệ như việc các tàu biển của ta bị cướp biển tấn công và thuyền viên bị giữ làm con tin, việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và bị xét xử tại Malaysia...

QUỲNH TRUNG lược trích

*Tít chính và tít phụ do Tuổi Trẻ Online đặt

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên