Mã trường: TCTĐịa chỉ: Đường 3-2, Quận Ninh Kiều, TP Cần ThơĐiện thoại: (071) 831156; Fax: (84.71) 838474Website: http://www.ctu.edu.vn/
![]() |
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin trong giờ học |
Trong đó, trường đào tạo 15 ngành thuộc khối Sư phạm gồm Toán, Vật lý, Toán - Tin học, Vật lý - Tin học, Hóa, Sinh, Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Anh văn, Pháp văn, Giáo dục công dân, Thể dục thể thao, Tiểu học.
Các ngành Sư phạm đào tạo giáo viên giảng dạy bậc trung học (THPT, THCN...); có kiến thức chuyên ngành rộng, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm. Sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy ở các các trường THPT, Trung học Bổ túc, giáo dục thường xuyên, các trường THCN và dạy nghề; các cơ sở giáo dục, đào tạo có nhu cầu giảng dạy trình độ THPT hoặc tương đương.
Còn lại là 41 ngành thuộc các khối Công nghệ; khối Công nghệ Thông tin, Điện tử; khối Nông nghiệp và Thủy sản; khối Kinh tế - Quản trị kinh doanh; khối Luật và các ngành khác; trong số này Trường ĐH Cần Thơ mở thêm 4 ngành học mới trong kỳ tuyển sinh ĐH 2006.
1. Ngành Cơ khí chế tạo máy
Cơ khí chế tạo máy là chuyên ngành cơ khí phục vụ trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các chi tiết máy và các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau như chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp hóa chất, phân bón...
Mục tiêu đào tạo: nắm vững kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành chế tạo máy để có thể thiết kế và chế tạo các sản phẩm và thiết bị máy móc đáp ứng nhu cầu cơ khí hóa và tự động hóa; có khả năng nghiên cứu, khai thác các loại máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất và tự động hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng của máy móc thiết bị...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Công nghiệp, Giao thông, Khoa học - Công nghệ, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo kỹ thuật, công ty tư vấn kỹ thuật, khu công nghiệp, xí nghiệp cơ khí; các trường Công nhân kỹ thuật, các trung học nghề, Trung tâm dạy nghề...
2. Ngành Cơ khí chế biến
Các khu chế xuất, khu công nghiệp ngày càng nhiều ở các địa phương. Số lượng các nhà máy chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến thủy hải sản, rượu bia, nước giải khát, thức ăn gia súc, mía đường, dầu ăn… của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng gia tăng. Ngành cơ khí chế biến ra đời nhằm đào tạo nguồn nhân lực (kỹ sư) có đủ trình độ chuyên môn đáp ứng cho yêu cầu đó.
Mục tiêu đào tạo: có kiến thức và khả năng chuyên môn về các lĩnh vực: Công nghệ sau thu hoạch, máy và thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm và thủy hải sản; công nghệ và kỹ thuật sấy - bảo quản nông sản thực phẩm; các quy trình công nghệ trong chế biến lương thực - thực phẩm (chế biến lúa, gạo, đậu nành, đường mía, thủy hải sản, rượu bia, nước giải khát…)...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Công nghiệp, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học - Công nghệ, xí nghiệp Cơ khí, công ty (xí nghiệp) Chế biến lương thực - thực phẩm, nhà máy chế biến thủy hải sản, xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, công ty chế biến rượu bia, công ty chế biến nước giải khát. Các công ty, doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Các viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ, trường công nhân kỹ thuật, các trường trung học nghề, trung tâm dạy nghề.
3. Ngành Thủy công đồng bằng
Kỹ sư Thủy công có khả năng chuyên môn về thiết kế, thi công và quản lý các công trình thủy lợi như: cầu, cống, đập, trạm bơm, kè, cấp nước và thóat nước... Ngoài ra kỹ sư thủy công còn có khả năng quy hoạch và quản lý các hệ thống tưới, tiêu, chống lũ, ngăn mặn...
Có kiến thức chuyên ngành rộng, cơ bản, và cập nhật để có thể tự học, tự nghiên cứu mà còn được trang bị các kỹ năng làm việc theo nhóm để sau này ra trường dễ hòa nhập với môi trường công tác.
Đặc biệt, trong quá trình học các môn chuyên ngành và làm đề tài tốt nghiệp, sinh viên thủy công sẽ được trang bị các kỹ năng sử dụng phần mềm tin học phục vụ cho việc thiết kế công trình như AutoCAD, SAP, DuToan2000... các phần mềm trợ giúp việc quản lý và quy hoạch như phần mềm MapInfo, ArcView...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Sở Xây dựng, Giao thông, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư... Các phòng, ban chuyên môn trong quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên.
Công ty tư vấn, thiết kế xây dựng dân dụng và thủy lợi, công ty khai thác các công trình thủy; các trạm quản lý và khai thác các công trình thủy; các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, các Ban quản lý công trình; các chương trình dự án xây dựng, đầu tư và phát triển trong nước và quốc tế; các viện nghiên cứu, trường ĐH có ngành này...
4. Ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp
Đào tạo kỹ sư có khả năng chuyên môn về thiết kế, thẩm định, thi công và quản lý các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, các công trình nhà nhiều tầng, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị; nắm vững kiến thức cơ bản của chuyên ngành, có khả năng tiếp cận với công nghệ xây dựng mới; quản lý kỹ thuật ở các đơn vị thuộc ngành xây dựng công trình; có khả năng tự học, tự nghiên cứu, sẵn sàng phục vụ đất nước, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Xây dựng, Giao thông, Tài nguyên - Môi trường, Kế họach - Đầu tư... Các phòng chuyên môn quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên; công ty tư vấn, thiết kế xây dựng dân dụng và thủy lợi, các ban Quản lý công trình; các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng; các chương trình dự án xây dựng, đầu tư và phát triển; các viện nghiên cứu, trường ĐH có chuyên ngành này…
5. Ngành Kỹ thuật môi trường
Thiết kế các quy trình công nghệ xử lý các tác nhân gây ô nhiễm môi trường như xử lý ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, chất thải... trong điều kiện phát triển đô thị loại vừa và nhỏ và nông thôn; thiết kế các quy trình xử lý nước cho các công trình cấp nước đô thị và nông thôn.
Ðánh giá các tác động môi trường cho các dự án phát triển ở các đô thị loại vừa, nhỏ và nông thôn. Ðề xuất các giải pháp và các công nghệ thích hợp trong trường hợp dự án có khả năng gây nên những tác động xấu đến môi trường.
Đo đạc và theo dõi các nguồn có khả năng gây ô nhiễm; tham gia cùng với một số ngành chuyên môn khác trong việc quy hoạch đô thị; nghiên cứu khoa học trong những lĩnh vực có liên quan đến kỹ thuật môi trường.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Khoa học - Công nghệ; Tài nguyên - Môi trường; Xây dựng; các khu chế xuất, khu công nghiệp; các nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn; các công ty tư vấn xây dựng; các Chương trình dự án xây dựng, đầu tư và phát triển; các viện nghiên cứu, trường đại học có ngành này...
6. Ngành Kỹ thuật điện
Ngành Kỹ thuật điện đào tạo kỹ sư có khả năng vận dụng các kiến thức điện từ để phục vụ sinh hoạt và sản xuất một cách an toàn và hiệu quả nhất. Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện có khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp và thiết kế các hệ thống điện trong dân dụng và công nghiệp.
Đào tạo kỹ sư chuyên về kỹ thuật ứng dụng các hiện tượng điện từ vào việc sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng điện hiệu quả và an toàn; đào tạo người kỹ sư có khả năng nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì và sửa chữa các khí cụ điện, thiết bị điện, máy điện, mạng lưới điện và hệ thống điện; đào tạo người kỹ sư có đạo đức nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp, có kiến thức ngành rộng, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, có lòng yêu nghề và sẵn sàng phục vụ đất nước.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng... Các công ty tư vấn, thiết kế và lắp đặt điện.; các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ẩm thực...; các Sở Công nghiệp, Khoa học - Công nghệ; các công ty điện lực, nhà máy điện, trạm truyền tải điện; các khu chế xuất, khu công nghiệp; các viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ, THCN và công nhân kỹ thuật...
7. Ngành Cơ điện tử
Mục tiêu của là đào tạo Kỹ sư Cơ điện tử có hiểu biết rộng, nắm vững những kiến thức cơ bản về toán, khoa học máy tính, vật kiệu, kiến thức cơ sở về cơ khí, điện và điện tử.
Đồng thời sinh viên cũng được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên môn về điều khiển tự động hóa, truyền động, cảm biến, vi điện tử, sản xuất tự động (CIM), các phương pháp mô hình hóa và mô phỏng hiện đại để rút ngắn và giảm chi phí cho quá trình thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ điên tử, cũng như những kiến thức cần thiết về ngoại ngữ và quản lý sản xuất nhằm tạo cho sinh viên có khả năng tư duy liên ngành để có thể nắm bắt được các công nghệ và sản phẩm mới của lĩnh vực cơ điện tử.
Nhờ đó, kỹ sư cơ điện tử có khả năng thực hiện các nhiệm vụ của kỹ sư công nghệ cao trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao (vận hành, giám sát, thay thế, sửa chữa, cải tiến, tích hợp các hệ thống tự động…).
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo... trong các nhà máy có sử dụng máy tính để sản xuất và quản lý thuộc mọi lĩnh vực: công nghệ hóa chất, công nghệ chế biến, công nghệ vật liệu, chế tạo, lắp ráp...
8. Ngành Quản lý công nghiệp
Ngành Quản lý công nghiệp đào tạo kỹ sư có khả năng phối hợp các yếu tố con người, máy móc, vật tư, năng lượng, thông tin để phục vụ quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm và dịch vụ một cách hiệu quả nhất.
Kỹ sư tốt nghiệp ngành Quản lý công nghiệp có khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp và thiết kế các hệ thống công nghiệp theo cách tiếp cận hệ thống. Phát hiện, phân tích, mô hình hóa, tìm giải pháp và đề xuất các thay đổi cần thiết để cải thiện hệ thống công nghiệp theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành, rút ngắn thời gian, nâng cao sức cạnh tranh và hỗ trợ ra quyết định cho các cấp quản lý.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, Sở Công nghiệp, Khoa học - Công nghệ, các công ty thương mại, dệt may xuất khẩu, lắp ráp thiết bị điện tử, lắp ráp ô tô, xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng.
9. Ngành Công nghệ hóa học
Công nghệ Hóa học là một ngành khoa học và kỹ thuật mang tính ứng dụng. Ngành này liên quan đến thiết kế và bảo dưỡng các quy trình công nghệ hóa học cho các hệ thống sản xuất. Những quy trình công nghệ này bao gồm quá trình phản ứng hóa học, quá trình trao đổi chất, trao đổi nhiệt, truyền vận...
Đào tạo kỹ sư có khả năng thiết kế, tổ chức thi công, vận hành và sửa chữa các quy trình và thiết bị công nghệ hóa học trong các nhà máy liên quan; các quy trình này bao gồm các quá trình truyền nhiệt, trao đổi chất, truyền vận, kỹ thuật phản ứng và điều khiển quá trình.
Có kiến thức nền tảng và khả năng triển khai ứng dụng trong các lĩnh vực như vật liệu polymer và composite; công nghệ trích ly, chiết tách chất; hóa hương liệu mỹ phẩm; kỹ thuật nhuộm in; chất kích thích và bảo vệ thực vật; kỹ thuật gốm sứ và vật liệu ceramic; công nghệ điện hóa và chống ăn mòn kim loại…
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp có các công nghệ, thiết bị ngành hóa chất và các ngành liên quan, như: vật liệu nhựa, cao su, composite, gốm sứ, xi măng, bột giấy, keo dán, thuốc sát trùng, phân bón, hóa chất, hương liệu, mỹ phẩm, in nhuộm, chế biến thực phẩm, xà phòng…; các viện nghiên cứu công nghệ hóa học; trung tâm phân tích và đo lường chất lượng, trung tâm phân tích về môi trường...
10. Ngành Công nghệ thông tin
Nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn về hệ thống thông tin, kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, hệ thống mạng máy tính và truyền thông; có khả năng xây dựng hệ thống thông tin cho việc quản lý kinh tế, hành chính và dịch vụ; có khả năng xây dựng và quản trị các hệ thống mạng máy tính và truyền thông; có khả năng đảm nhận các chức năng tham mưu, tư vấn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường ĐH, CĐ; giảng viên Công nghệ thông tin ở các các trường ĐH, CĐ, THCN, THPT và dạy nghề; lập trình viên, trưởng nhóm lập trình tại các công ty phát triển phần mềm; cán bộ quản lý và triển khai các dự án Công nghệ thông tin ở các cơ quan, công ty, xí nghiệp, trường học.
* Ngoài tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin bậc ĐH, trường còn tuyển sinh đào tạo bậc CĐ (hệ chính quy), thời gian đào tạo 3 năm. Bậc đào tạo CĐ không thi tuyển, mà lấy kết quả thi ĐH của thí sinh hộ khẩu khu vực ĐBSCL dự thi khối A để xét tuyển (thí sinh có điểm thi từ bằng điểm sàn cao đẳng trở lên có thể nộp đơn xét tuyển).
11. Ngành Điện tử
Đào tạo kỹ sư Điện tử - Viễn thông và kỹ sư Điện tử - Điều khiển tự động có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có đạo đức nghề nghiệp; nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn về điện tử dân dụng, điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, có năng lực tự học và nghiên cứu về chuyên ngành;
Có khả năng thiết kế, cài đặt, giám định, khai thác, bảo trì các thiết bị điện tử, hệ thống viễn thông (mạng, điện thoại, phát thanh, truyền hình...), hệ thống tự động (cảnh báo, dây chuyền sản xuất, các thiết bị điện tử thông minh...).
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường ĐH, CĐ; giảng viên Công nghệ thông tin ở các các trường ĐH, CĐ, THCN, THPT và dạy nghề; lập trình viên, trưởng nhóm lập trình tại các công ty phát triển phần mềm; cán bộ quản lý và triển khai các dự án Công nghệ thông tin ở các cơ quan, công ty, xí nghiệp, trường học.
12. Ngành Trồng trọt
Đào tạo kỹ sư nông nghiệp có kiến thức chuyên sâu về ngành Trồng trọt (khoa học cây trồng), đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có kỹ năng nghiệp vụ giải quyết các vấn đề sản xuất trong ngành trồng trọt (kỹ thuật canh tác, giống, sâu bệnh…)...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông, chi cục Bảo vệ thực vật; các viện nghiên cứu: Viện Lúa, Viện Cây ăn quả, các trường đai học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; các công ty sản xuất kinh doanh nông dược, phân bón, giống cây trồng.
13. Ngành Chăn nuôi - Thú y
Đào tạo kỹ sư có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực chăn nuôi (bao gồm kỹ thuật chăn nuôi, dinh dưỡng và thức ăn gia súc, di truyền giống vật nuôi) và kiến thức chuyên môn về thú y; quản lý quy trình sản xuất chăn nuôi, thú y; có kiến thức chuyên ngành rộng và cơ bản về khoa học nông nghiệp, có kỹ năng nghiệp vụ...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông, chi cục Thú y; các viện nghiên cứu giống vật nuôi, các trường ĐH, THCN, dạy nghề; các công ty sản xuất kinh doanh về chăn nuôi, thức ăn gia súc, thuốc thú y và vắcxin, công ty giống vật nuôi, các trang trại sản xuất nông sản; ngân hàng phát triển nông nghiệp, tín dụng; các chương trình, dự án trong và ngoài nước về chăn nuôi...
14. Ngành Thú y
Đào tạo kỹ sư có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực thú y, phòng và điều trị bệnh gia súc, gia cầm; có kiến thức chuyên ngành rộng và cơ bản về khoa học thú y...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông, chi cục Thú y; kiểm dịch động vật; các viện nghiên cứu, các trường ĐH, THCN, dạy nghề; các công ty sản xuất kinh doanh về chăn nuôi, thuốc thú y và vắcxin, công ty giống vật nuôi; các bệnh xá thú y hoặc hành nghề bác sĩ thú y độc lập.
15. Ngành Nông học
Đào tạo kỹ sư có kiến thức tổng quát về khoa học nông nghiệp gồm các lĩnh vực khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, khoa học đất, chăn nuôi, thú y, thủy sản; có kiến thức chuyên ngành cơ bản, có kỹ năng nghiệp vụ.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông, chi cục bảo vệ thực vật, chi cục Thú y; các viện nghiên cứu, các trường ĐH, THCN, dạy nghề.
16. Ngành Hoa viên - Cây cảnh
Đào tạo kỹ sư có trình độ chuyên môn về lĩnh vực Hoa viên - Cây cảnh, có năng lực thực hành về sản xuất, thiết kế, thi công và bảo dưỡng cảnh quan đô thị cũng như các hoa viên, sinh vật cảnh; nghiên cứu và phát triển phong trào nuôi trồng sinh vật cảnh; ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại hoa, cỏ và sinh vật cảnh, đáp ứng ngày càng cao cho mỹ quan và cảnh quan đô thị, duy trì cảnh quan môi trường.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các công ty Công viên cây xanh và công trình đô thị; các cơ sở nuôi trồng sinh vật cảnh, sản xuất hoa, cây kiểng.
17. Ngành Bảo vệ thực vật
Đào tạo kỹ sư nông nghiệp có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực bảo vệ thực vật, biết phương pháp quản lý dịch hại trên cây trồng đạt hiệu quả cao và an toàn môi trường; có kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khả năng giải quyết các vấn đề về bảo vệ thực vật tốt.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông, chi cục Bảo vệ thực vật, các công ty, nông trường và trại sản xuất giống cây trồng, kiểm dịch thực vật, các hoạt động trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật...; các viện nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ, THCN.
18. Ngành Khoa học môi trường
Đào tạo cán bộ có trình độ ĐH chuyên về lĩnh vực bảo vệ môi trường, giữ gìn và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững, bảo tồn sự đa dạng sinh học; có khả năng nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, tư vấn về môi trường cho các dự án...
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường; các xí nghiệp, các cơ quan kiểm định đánh giá môi trường, các dự án đầu tư; các viện nghiên cứu, trường ĐH có đào tạo, nghiên cứu về khoa học môi trường.
19. Ngành Khoa học đất
Đào tạo những kỹ sư có trình độ chuyên môn về ngành Khoa học đất, đồng thời có kiến thức cơ bản và thực tế nhất định về khoa học cây trồng để có thể phục vụ cho việc quản lý đất nông nghiệp tối ưu và bền vững, bảo vệ tài nguyên đất và nước, hạn chế ô nhiễm môi trường, phục vụ một cách có hiệu quả việc phát triển bền vững các mô hình nông - lâm - thủy sản vùng ĐBSCL.
Các mục tiêu cụ thể của ngành là nhằm trang bị các kiến thức chuyên môn và kỹ năng chuyên môn về các lĩnh vực sau:
- Khảo sát, phân loại và vẽ bản đồ đất, có khả năng thực hiện công tác khảo sát đất, mô tả và phân loại đất phục việc cho việc thực hiện bản đồ đất ở cấp độ vùng, tỉnh, huyện;
- Phân tích và đánh giá các đặc tính lý học, hóa học và các đặc tính về độ phì nhiêu của các chất dinh dưỡng; có khả năng phân tích trong phòng thí nghiệm các đặc tính lý hóa học đất, và có khả năng đánh giá các chỉ tiêu này phục vụ cho việc giải thích, nghiên cứu các mối liên hệ giữa đất và cây trồng, ảnh hưởng của đất đến sự phát triển bền vững các mô hình nông - lâm - thủy sản;
- Các kiến thức về cơ bản về cây trồng, phân bón cho các loại cây trồng; các kiến thức về các hệ sinh thái đất ở vùng ĐBSCL phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển nông nghiệp bền vững; các kiến thức về công tác quy hoạch sử dụng đất ở các cấp vùng, tỉnh, huyện;
- Các kiến thức về viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh, hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý các cơ sở dữ liệu theo không gian, cảng báo tác động môi trường, dịch hại cây trồng...
Với các kiến thức chuyên ngành chính về Khoa học đất và kiến thức các chuyên ngành phụ về cây trồng, quy hoạch, viễn thám, GIS, các kỹ sư ngành Khoa học đất có thể phục vụ ở các vị trí tương đương với các kỹ sư ngành trồng trọt, quản lý đất đai với ưu thế về khả năng khảo sát đất, lập bản đồ đất, phân tích đất trong phòng thí nghiệm, sử dụng- phân bón cho các loại cây trồng, quy hoạch sử dụng đất, GIS...
Do đó các kỹ sư ngành Khoa học đất có thể xin việc ở các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ, các công ty phân bón, các viện nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ...
20. Ngành Quản lý đất đai
Đào tạo kỹ sư ngành Quản lý đất đai, có kiến thức đủ rộng, có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL; có năng lực trong công tác quản lý đất đai; thực hiện các quy trình trong quản lý, quy hoạch sử dụng đất đai, đặc biệt trong lĩnh vực địa chính: quy hoạch sử dụng đất, đo đạc, bản đồ địa chính, hệ thống thông tin địa lý, viễn thám, pháp luật và thanh tra đất đai.
Có khả năng nghiên cứu, vận dụng các kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với các kiến thức cơ bản và chuyên ngành, vận dụng các kỹ năng và sự phát triển của công nghệ thông tin phân tích nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực nghiên cứu địa chính, môi trường, quy hoạch và sử dụng đất một cách có hiệu quả nhất vào sự phát triển của ĐBSCL.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Tài nguyên - Môi trường; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; các trung tâm khuyến nông, các cơ quan quản lý nhà đất, đô thị, xây dựng; ngoài ra có thể làm việc tại các cơ quan Tư vấn về pháp luật hoặc UBND tỉnh, thành phố, quận, huyện.
21. Ngành Công nghệ thực phẩm
Đào tạo kỹ sư có kiến thức chuyên môn vững vàng và kỹ năng thực hành tốt; có khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề phát sinh trong chuyên ngành; có khả năng quản lý các dây chuyền chế biến lương thực - thực phẩm từ quy mô nhỏ đến quy mô công nghiệp; kiểm tra, phân tích và đánh giá chất lượng của các sản phẩm thực phẩm; có khả năng tự nghiên cứu để cải tiến quy trình hoặc đề xuất một quy trình chế biến sản phẩm thực phẩm mới.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và thủy sản; các cơ quan kiểm định chất lượng thực phẩm; các trường ĐH, CĐ và viện nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ thực phẩm; các cơ quan quản lý Nhà nước về công nghệ thực phẩm như Sở Khoa học - Công nghệ, Công nghiệp...
![]() |
Hội trường Rùa ĐH Cần Thơ - nơi diễn ra các hội nghị lớn, các hoạt động văn nghệ, các sân chơi... |
Đào tạo kỹ sư, có kiến thức cơ bản và kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ chế biến thủy sản; có hiểu biết cơ bản về nuôi trồng và khai thác thủy sản; có khả năng giải quyết các vấn đề về lý thuyết và thực tiễn, làm việc độc lập tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu, đào tạo và các cơ sở có liên quan đến chế biến thủy sản.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Thủy sản; các xí nghiệp, công ty Chế biến thủy hải sản; các cơ quan, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực thủy sản như: quản lý chất lượng sản phẩm chế biến từ thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, kiểm phẩm...
23. Ngành Nuôi trồng thủy sản
Đào tạo kỹ sư có chuyên môn sâu về lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng, quản lý và tổ chức sản xuất có hiệu quả ở một cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại Viện nghiên cứu, trường ĐH có nhu cầu về nghiện cứu và giảng dạy Thủy sản; các Sở Thủy sản; trung tâm khuyến ngư, chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các Công ty sản sản xuất giống thủy sản, công ty sản xuất thức ăn nuôi thủy sản.
24. Ngành Bệnh học thủy sản
Đào tạo kỹ sư có chuyên môn về Bệnh học thủy sản, có kiến thức và khả năng chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý dịch bệnh thủy sản và ngư y; có khả năng làm việc độc lập tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các cơ sở sản xuất thủy sản.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại Viện nghiên cứu, trường đại học có nhu cầu về nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành Bệnh học thủy sản; các Sở Thủy sản; trung tâm khuyến ngư, chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các công ty sản sản xuất giống thủy sản, công ty sản xuất thức ăn nuôi thủy sản; cơ sở tư vấn và điều trị bệnh cá, tôm...
25. Ngành Quản lý nghề cá
Đào tạo Kỹ sư ngành Quản lý nghề cá, có kiến thức đủ rộng, có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL; có khả năng quy hoạch, quản lý nghề cá, đồng thời phát triển nuôi trồng, khai thác và sử dụng nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả nhất vào sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Thủy sản, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến ngư ở các tỉnh, thành phố, quận, huyện; các công ty sản xuất kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành thủy sản ở mọi thành phần kinh tế; chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và các cơ quan quản lý nghề cá.
26. Ngành Kế toán tổng hợp
Đào tạo cử nhân kinh tế chuyên ngành Kế toán có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL; có khả năng phán đoán, nắm bắt được diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, có khả năng phán đoán, đề xuất, hoàn chỉnh chính sách, hạch toán kế toán - tài chính trong các ngành và các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán có khả năng làm việc tại các bộ phận quản lý về mặt kế toán, tài vụ, thống kê cho các cơ quan hành chánh sự nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế.
27. Ngành Tài chính
Đào tạo cử nhân kinh tế chuyên ngành Tài chính có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL; có năng lực quản lý trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp... có năng lực phán đoán, xây dựng chiến lược kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính có khả năng làm việc ở tất cả các cơ quan, tổ chức, bộ phận có liên quan đến tài chính, kinh doanh tiền tệ, nghiệp vụ kế toán, tài vụ, thống kê trong hoạt động ngân hàng thuộc mọi thành phần kinh tế.
28. Ngành Quản trị kinh doanh
Đào tạo cử nhân kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh có khả năng nghiên cứu; có năng lực quản lý kinh doanh, có khả năng thực hiện và tổ chức thực hiện các nghiệp vụ về dịch vụ và du lịch, xây dựng chiến lược kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, nền công nghiệp “không khói” (du lịch); xây dựng chiến lược marketing nhằm quảng bá, quảng cáo và mở rộng mạng lưới kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh có khả năng làm việc ở tất cả các cơ quan, các bộ phận tổ chức, điều hành kinh doanh, nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược hoạt động ngân hàng, hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và du lịch; có khả năng làm việc ở tất cả các bộ phận trong tổ chức và điều hành chiến lược marketing trong hoạt động kinh doanh, nghiên cứu thị trường, hoạt động ngân hàng thuộc mọi thành phần kinh tế quốc dân.
29. Ngành Kinh tế nông nghiệp
Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức đủ rộng, có khả năng nghiên cứu; có khả năng phán đoán được tình hình phát triển nông nghiệp để thực hiện kinh doanh khối nông - lâm - ngư nghiệp; phát triển tài nguyên - môi trường để thực hiện khai thác, kinh doanh nguồn tài nguyên có hiệu quả; phát triển nguồn lợi thủy sản để thực hiện kinh doanh ngành ngư nghiệp...
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp có khả năng làm việc ở các bộ phận tổ chức điều hành kinh doanh, nghiên cứu thị trường, điều hành sản xuất trong các cơ sở sản xuất; các cơ quan thuộc lĩnh vực kinh doanh, khai tác nguồn tài nguyên - môi trường; các cơ quan thuộc lĩnh vực thủy sản, ở các bộ phận tổ chức điều hành kinh doanh, nghiên cứu thị trường...
30. Ngành Ngoại thương
Đào tạo cử nhân kinh tế ngành Ngoại thương có khả năng phán đoán, nắm bắt được diễn biến tình hình kinh tế và các nghiệp vụ sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước để thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh đạt hiệu quả cao trên thương trường quốc tế.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngoại thương có khả năng làm việc tại các bộ phận kinh doanh, bộ phận quản lý xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, ngân hàng; các cơ quan hàng hải thuộc mọi thành phần kinh tế.
31. Ngành Luật
Trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý và những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến lĩnh vực pháp luật; bước đầu có định hướng chuyên sâu và rèn luyện kỹ năng thực hành, có thể giải quyết được những vấn đề thông thường trong lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực hành pháp; kinh doanh và thương mại; tư pháp.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các cơ quan nhà nước nói chung, UBND, các sở, phòng, ban, cơ quan công an; cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, làm việc ở các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn có cơ quan Tòa án (Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự), Viện kiểm sát (Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự); Sở Tư pháp, phòng Tư pháp, cơ quan thi hành án, phòng Công chứng; hoặc gia nhập đoàn Luật sư ở các tỉnh để mở văn phòng luật sư; đồng thời có thể làm việc tại các cơ quan thông tin đại chúng, hoặc ở các doanh nghiệp.
32. Ngành Công nghệ sinh học
Đào tạo Cử nhân khoa học ngành Công nghệ sinh học, được trang bị kiến thức cơ sở về hóa sinh học, vi sinh vật học, sinh học tế bào, sinh học phân tử, thiết bị công nghệ sinh học... và được thực tập cũng như rèn luyện kỹ năng chuyên ngành về: công nghệ sinh học thực phẩm, công nghệ sinh học nông nghiệp hoặc công nghệ sinh học môi trường.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể xin việc tại các Sở Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, các trung tâm, viện nghiên cứu, các cơ quan, xí nghiệp chế biến và bảo quản nông - thủy sản, sản xuất thực phẩm và dược phẩm, giống cây trồng và vật nuôi.
33. Ngành Hóa học
Đào tạo cán bộ khoa học có trình độ ĐH có kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực hóa học, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học về hóa học; có kiến thức cơ sở về hóa lý, hóa hữu cơ, hóa vô cơ, hóa phân tích, các phương pháp phân tích hóa học; các kiến thức chuyên ngành liên quan đến hóa môi trường, hóa thực phẩm, tinh dầu, polyme, hóa học áp dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, viện nghiên cứu, trường ĐH; các xí nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, sát trùng, hương liệu; các phòng thí nghiệm phân tích hóa học.
34. Ngành Ngữ văn
Đào tạo cử nhân có trình độ ĐH ngành Ngữ văn, có khả năng chuyên môn lĩnh vực ngôn ngữ và văn học.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các cơ quan, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực văn hóa như: Sở Văn hóa và thông tin, thư viện, báo chí, phát thanh, truyền hình, bảo tàng...; có khả năng giảng dạy môn văn bậc trung học ở các trường THPT (nếu có các chứng chỉ sư phạm bổ sung), làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục như Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT.
35. Ngành Anh văn
Đào tạo cử nhân khoa học có trình độ ĐH ngành Anh văn.
Sau khi tốt nghiệp có thể phiên dịch, biên dịch đến thư ký, trợ lý, công tác văn phòng... tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, các chương trình phát triển của khu vực ĐBSCL và cả nước; tham gia giảng dạy tiếng Anh bậc trung học ở các trường, các trung tâm Anh ngữ (nếu bổ sung thêm một số tín chỉ chuyên môn sư phạm).
36. Ngành Du lịch (Hướng dẫn viên du lịch)
Đào tạo Hướng dẫn viên Du lịch có trình độ ĐH, có kỹ năng chuyên môn hoạt động trên lĩnh vực du lịch.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở, các tổ chức, các Công ty du lịch thuộc mọi thành phần kinh tế.
37. Ngành Thông tin - Thư viện
Đào tạo cử nhân ngành Thông tin - Thư viện:
Sinh viên có trình độ chuyên môn cao về khoa học thông tin và thư viện, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật tự động hóa trong công tác thông tin, thư viện: thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp thông tin, bảo đảm cung cấp các loại hình thông tin phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và hỗ trợ các quá trình quyết định, lập kế hoạch ở các cấp các ngành; có khả năng tạo lập, khai thác, tổ chức và quản trị các nguồn lực thông tin dưới dạng cơ sở dữ liệu tích hợp và đặc thù; có khả năng tổ chức, điều hành và quản lý các cơ quan thông tin - thư viện.
Sau khi tốt nghiệp có thể nghiên cứu, giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ; các trung tâm thông tin tư liệu; hoạt động chuyên môn ở các cơ quan có thiết chế hợp nhất giữa thông tin và thư viện, thư viện truyền thống, thư viện hiện đại (Thư viện điện tử), các trung tâm học liệu, các trung tâm thông tin tư liệu của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường ĐH.
38. Ngành Xây dựng cầu đường (*)
Đào tạo kỹ sư chuyên ngành xây dựng cầu và đường, có khả năng thiết kế, thẩm định, thi công và quản lý thi công các công trình giao thông như: cầu, đường, cống qua đường...; quy hoạch và quản lý mạng giao thông ở vùng ĐBSCL.
Có khả năng tiếp cận với công nghệ xây dựng mới, các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, thi công và nghiệm thu của nhiều quốc gia khác đang được sử dụng tại các công trình ở Việt Nam; có kiến thức chuyên ngành rộng, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, sẵn sàng phục vụ đất nước, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau khi tốt nghiệp làm việc tại các Sở Giao thông, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư... Các phòng, ban chuyên môn trong quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên; các công ty công trình giao thông, công ty tư vấn và thiết kế giao thông, các ban Quản lý công trình; các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng; các chương trình dự án xây dựng, đầu tư và phát triển; các viện nghiên cứu, trường ĐH có ngành này...
39. Ngành Phát triển nông thôn (*)
Đào tạo kỹ sư chuyên ngành Phát triển nông thôn, có kiến thức đủ rộng, có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL; có khả năng nghiên cứu, hoạch định chính sách, phán đoán được tình hình PTNT để thực hiện các hoạt động kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phát triển nông thôn có khả năng làm việc ở các sở, ban, ngành các tỉnh; các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư, nghiên cứu thị trường, điều hành sản xuất trong các cơ sở sản xuất có liên quan đến nông thôn thuộc mọi thành phần kinh tế. Sinh viên có thể tham gia vào các nghiệp vụ kinh tế mà mình yêu thích phù hợp với ngành nghề mình sẽ tham gia công tác sau này.
40. Ngành Kinh tế học (*)
Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức quản lý kinh tế tổng hợp, có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL; có khả năng phán đoán, nắm bắt được diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, các nghiệp vụ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao trên thương trường trong nước và quốc tế.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học có khả năng làm việc tại các cơ quan, các tổ chức, các dự án, các bộ phận quản lý về kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
41. Ngành Toán thống kê (*)
Đào tạo cử nhân Toán học có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt để có thể làm việc tốt trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh... cần đến các kiến thức về toán và toán ứng dụng.
Chương trình đào tạo trang bị cho người học hệ thống kiến thức cơ bản về toán, cơ sở toán cho các ngành toán ứng dụng và tin học ở trình độ ĐH. Đồng thời chương trình chú trọng đến các kỹ năng thực hành cần thiết nhằm giúp cho sinh viên xây dựng và phát triển khả năng giải quyết các vấn đề trong thực tế.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm công tác giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, THCN, dạy nghề và THPT, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức toán học ứng dụng.
(*) Ngành Xây dựng cầu đường, Phát triển nông thôn, Kinh tế học, Toán thống kê là 4 ngành học mới sẽ tuyển sinh năm 2006.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận