24/04/2006 02:23 GMT+7

Các món ăn - bài thuốc phòng chống cảm mạo

Theo Sức khỏe & đời sống
Theo Sức khỏe & đời sống

Cảm mạo, dân gian thường gọi là “thương phong”, là một trong những bệnh ngoại cảm hay gặp nhất, bốn mùa đều có, đặc biệt là mùa đông và xuân. Để phòng chống chứng bệnh này, ngoài các biện pháp dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt... y học cổ truyền còn sử dụng các món ăn - bài thuốc cho từng thể bệnh như sau:

UulFkGq2.jpgPhóng to
Hương nhu
Cảm mạo, dân gian thường gọi là “thương phong”, là một trong những bệnh ngoại cảm hay gặp nhất, bốn mùa đều có, đặc biệt là mùa đông và xuân. Để phòng chống chứng bệnh này, ngoài các biện pháp dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt... y học cổ truyền còn sử dụng các món ăn - bài thuốc cho từng thể bệnh như sau:

Với thể Phong hàn cảm mạo

Chứng trạng: Sốt nhẹ, sợ lạnh nhiều, không có mồ hôi, đau đầu, đau mình mẩy, đau nhức các cơ khớp, tắc mũi nặng, chảy nước mũi trong, ngứa họng, ho, khạc đờm trắng loãng, không khát nước hoặc khát nhưng thích uống nước ấm nóng, rêu lưỡi trắng ướt, mạch phù hoặc phù khẩn... Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Hành tăm cả rễ 20g (nếu không có thay bằng hành ăn), gừng tươi 10g, gạo nếp 50g (nếu không có dùng gạo tẻ thay thế). Nấu cháo ăn nóng, ăn xong trùm chăn nằm cho vã mồ hôi, khi mồ hôi ra đều thì bỏ chăn ra, lau khô thân mình, hết sức tránh gió.

Bài 2: Thương nhĩ tử 6g, trứng gà 1 quả. Thương nhĩ tử sao vàng, bỏ gai, tán mịn rồi đập trứng vào, quấy đều, tráng chín ăn nóng.

Bài 3: Gừng tươi 10g, đường đỏ 15g. Gừng rửa sạch, thái chỉ rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 10 phút thì dùng được, chế thêm đường đỏ, uống nóng, sau đó trùm chăn cho ra mồ hôi. Công dụng: sơ phong tán hàn, hòa vị kiện trung.

Bài 4: Rau mùi 15g, hành tươi 15 nhánh, gừng tươi 9g. Ba thứ rửa sạch, thái nhỏ sắc trong 10 phút, bỏ bã, uống nóng rồi đắp chăn cho ra mồ hôi. Công dụng: phát biểu tán hàn.

Bài 5: Gừng tươi 25g, cà rốt 50g. Gừng tươi thái chỉ, cà rốt cắt miếng, hai thứ đem sắc trong 15 phút, lấy nước, chế thêm đường đỏ, uống nóng. Công dụng: khu phong, tán hàn, giải biểu.

Với thể Phong nhiệt cảm mạo

Chứng trạng: Sốt cao, hơi sợ gió và lạnh, có mồ hôi, đau đầu, đau mình mẩy, ho, khạc đờm dính hoặc vàng, họng đau, mũi tắc, chảy nước mũi vàng hôi, miệng khát muốn uống, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch phù sác...

Bài 1: Quán chúng 10g, trứng gà 1 quả. Hai thứ rửa sạch cho vào nồi luộc chín với 300ml nước, sau đó bỏ bã thuốc, ăn trứng, uống nước. Công dụng: thanh nhiệt giải độc.

Bài 2: Bạc hà tươi 30g (nếu khô dùng 10g), gạo tẻ 60g, đường phèn vừa đủ. Đem bạc hà sắc trong 5 phút, bỏ bã lấy nước; cho gạo vào nồi ninh thành cháo, khi chín đổ nước sắc bạc hà vào đun một lát là được, chế thêm đường phèn, chia ăn 2 lần trong ngày, ăn nóng. Công dụng: sơ phong giải biểu, thanh lợi đầu mục.

Bài 3: Kim ngân hoa 30g, sơn tra 10g, mật ong 250g. Sắc kỹ kim ngân hoa và sơn tra 2 lần lấy nước bỏ bã, sau đó cho mật ong vào quấy đều, chia uống vài lần, tùy thích. Công dụng: tân lương giải biểu, thanh nhiệt giải độc.

Bài 4: Dưa hấu và cà chua lượng vừa đủ. Dưa hấu gọt bỏ vỏ, thái nhỏ, ép lấy nước; cà chua luộc qua, bóc bỏ vỏ, nghiền nát rồi đổ nước dưa hấu vào, quấy đều rồi chia uống vài lần. Công dụng: thanh nhiệt sinh tân.

Bài 5: Rau cải bẹ 3 cây, hành củ cả rễ 2 củ, lô căn 10g. Ba thứ rửa sạch, sắc trong 20 phút, lấy nước uống. Công dụng: tân tán giải biểu, thanh nhiệt trừ thấp.

Với thể Thử thấp cảm mạo

Chứng trạng: Phát sốt, hơi sợ gió và lạnh, mồ hôi ít, tay chân mình mẩy nặng nề đau nhức, đầu nặng đau, chảy nước mũi đục, tâm phiền, miệng khát, uống nước nhưng không uống nhiều, ngực bụng rộn rạo không yên, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi mỏng vàng và dính, mạch nhu sác...

Bài 1: Hương nhu 10g, hậu phác 5g, bạch biển đậu 5g, đường phèn vừa đủ. Ba vị thuốc tán vụn, đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 30 phút thì dùng được, chế thêm đường phèn, uống thay trà trong ngày. Công dụng: phát hãn giải biểu, hóa thấp hòa trung.

Bài 2: Trà diệp 6g, châu lan 3g, bạc hà 3g. Ba thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 5 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: lý khí hóa thấp, thanh lợi đầu mục.

Bài 3: Khổ qua 30g, lá sen 1 tàu, thịt lợn nạc 50g. Ba thứ rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nồi hầm thật nhừ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh thử giải độc, lợi thấp hòa trung.

Bài 4: Đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa đủ. Đem đậu xanh và gạo ninh thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải thử.

Với thể Thể hư cảm mạo

Chứng trạng: Phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, tự vã mồ hôi, ho khạc đờm trắng, khó thở, hồi hộp trống ngực, mệt nhiều, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch phù vô lực.

Bài 1: Hoàng kỳ 15g, đại táo 15g, gừng tươi 3 lát. Ba thứ thái vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: ích khí bổ hư, giải biểu tán hàn.

Bài 2: Kỷ tử và ngũ vị tử lượng bằng nhau, dùng nước sôi hãm trong 3 giờ, uống thay trà. Công dụng: thanh thử trừ nhiệt, bổ hư ích tinh.

Bài 3: Gạo nếp 30g, gừng tươi lát 10g, hành tươi 6g. Đem gạo và gừng ninh thành cháo, khi được cho hành vào, chế thêm 20ml dấm gạo, ăn nóng. Công dụng: ích khí, bổ hư, tán hàn giải biểu.

Bài 4: Gừng tươi bỏ vỏ 50g, trứng vịt 2 quả, rượu trắng 20ml. Gừng thái chỉ, đem đun sôi với 200ml nước, tiếp đó đập trứng vịt vào, quấy đều, đổ rượu và chế thêm gia vị vừa đủ, ăn óng. Công dụng: bổ hư giải biển tán hàn.

Theo Sức khỏe & đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên