31/03/2010 08:07 GMT+7

Các "góa phụ áo đen" trả thù?

HẢI MINH
HẢI MINH

TT - Không khí tang tóc và nỗi sợ hãi vẫn còn bao trùm trên những người đi tàu điện ngầm ở Matxcơva (Nga) sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 29-3. Số người thiệt mạng đã lên tới 39, 71 người khác vẫn ở bệnh viện, trong đó năm người đang trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 30-3, cả thành phố treo cờ rủ, các chương trình giải trí trên radio và truyền hình ngừng phát sóng, người dân đặt hoa và đốt nến ở những nhà ga nơi đã xảy ra các vụ tấn công. An ninh được siết chặt ở các thành phố lớn từ St. Petersburg đến tận Novosibirsk tại Siberia xa xôi.

7NhtyPg2.jpgPhóng to
Một phụ nữ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân tại nhà ga Lubyanka, Matxcơva - Ảnh: Reuters

Al Qaeda có liên quan vụ tấn công ở Nga?Nga: hai vụ đánh bom tàu điện ngầm, 37 người chết

Ở nhà ga trung tâm Pushkinskaya, không khí lo lắng vẫn bao trùm trên những người đi làm. “Tất nhiên là rất đáng sợ khi đi bằng tàu điện ngầm, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác, tôi sống cách đây quá xa” - Oxana Orshan, một sinh viên, nói với Reuters. Để trấn an dư luận, cả Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ là sẽ “hủy diệt” những kẻ nào đứng sau âm mưu đánh bom này.

Moscow Times cho biết vụ tấn công có thể là hành động trả thù cho một lãnh đạo Hồi giáo cực đoan bị Cục An ninh liên bang Nga (FSB) sát hại hồi đầu tháng này. “Tôi cho rằng các vụ tấn công khủng bố tàu điện ngầm ở Matxcơva là hành động trả đũa những nỗ lực tiêu diệt các lãnh đạo quân nổi dậy ở Bắc Kavkaz như Said Buryatsky” - phó phát ngôn viên của Hội đồng liên bang kiêm chủ tịch Hội đồng quốc gia về Bắc Kavkaz Alexander Torshin nói với Hãng tin Interfax.

Lính đặc nhiệm của FSB đã tiêu diệt Buryatsky trong một chiến dịch đặc biệt tại Ingushetia ngày 2-3 và ở thời điểm đó vẫn còn khoảng 30 tay đánh bom liều chết do tên này huấn luyện chưa bị bắt. Ông Torshin cũng cho rằng quyết định nhắm vào nhà ga tàu điện ngầm Lubyanka, ngay dưới trụ sở của FSB, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy động cơ của vụ tấn công.

“Không phải ngẫu nhiên mà Lubyanka được lựa chọn, nhiều nhân viên FSB đang trên đường đến sở làm vào thời điểm đó” - Torshin nói.

Moscow Times cho biết kể từ vụ đánh bom liều chết đầu tiên của một phụ nữ vào năm 2001, những “góa phụ áo đen” này đã tham gia hai phần ba trong gần 40 vụ tấn công khủng bố cướp đi sinh mạng của khoảng 900 người trên khắp nước Nga. Các chuyên gia về chống khủng bố nhận định: những nhóm Hồi giáo cực đoan khác trên thế giới cũng sử dụng phụ nữ đánh bom liều chết, nhưng tỉ lệ này ở các nhóm nổi dậy Bắc Kavkaz đặc biệt cao.

Nhà báo Yulia Yuzik, trong cuốn sách Những cô dâu của Allah xuất bản năm 2003, đã cố gắng tiếp cận gia đình của những phụ nữ đánh bom liều chết và phát hiện rằng cuộc sống thấp kém và tình trạng góa bụa của những bà vợ có chồng chết trong chiến tranh ở Chechnya đã khiến họ dễ dàng trở thành kẻ tình nguyện cho các thế lực Hồi giáo cực đoan.

Theo Pravda, hiện có tới 500 nhóm khủng bố hoạt động ở vùng Bắc Kavkaz và rất khó có thể xác định tất cả các nhóm này.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên