23/05/2007 10:26 GMT+7

Các địa phương tự bố trí thời gian nghỉ hè, tết cho học sinh tiểu học

Theo VIỆT LAN, Sài Gòn Giải Phóng
Theo VIỆT LAN, Sài Gòn Giải Phóng

Chủ trương giảm kỳ nghỉ hè, tăng nghỉ tết đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đóng góp của các địa phương trên toàn quốc. Điểm nổi bật nhất của chủ trương giảm kỳ nghỉ hè là biên chế năm học sẽ được giao cho các Sở GD-ĐT xây dựng dựa trên khung thời gian gợi ý của bộ, chứ không quy định “cứng” như trước nữa.

TS Trịnh Quốc Thái, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã nhấn mạnh như vậy.

* Vì sao Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi biên chế năm học, vốn đã được quy định “cứng” từ nhiều năm nay và giảm thời gian nghỉ hè, tăng nghỉ tết đối với học sinh tiểu học, thưa ông?

- TS TRỊNH QUỐC THÁI: Trước tiên, chủ trương giảm thời gian nghỉ hè, tăng nghỉ tết được xây dựng cho phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Vì vậy, biên chế năm học phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh tiểu học và đặc điểm.

Thời gian học liên tục trong 35 tuần sẽ tạo áp lực căng thẳng đối với lứa tuổi từ 6 – 11. Mặt khác, kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng sẽ dẫn tới tình trạng quên kiến thức của học sinh, nhất là với đối tượng học sinh nông thôn không có điều kiện học thêm trong dịp hè, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh những lớp đầu cấp học.

Ở đây, chúng tôi cũng căn cứ vào đặc điểm điều kiện tự nhiên, xã hội và tập quán văn hóa của mỗi vùng, miền trên toàn quốc có những điểm không giống nhau. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất giao cho các Sở GD-ĐT xây dựng biên chế năm học dựa trên đặc điểm cụ thể của từng địa phương.

* Như vậy, từ năm học 2007 – 2008, các địa phương sẽ tự xây dựng biên chế năm học và bố trí thời gian nghỉ hè của học sinh?

- Theo phương án chúng tôi đang trình lãnh đạo bộ và lấy ý kiến các địa phương, từ năm học 2007 - 2008, Giám đốc Sở GD-ĐT được giao quyền chủ động xây dựng biên chế năm học bậc tiểu học căn cứ vào đặc điểm đối tượng học sinh, giáo viên, đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tập quán văn hóa của từng vùng, miền; không làm theo hướng rập khuôn, máy móc. Bên cạnh đó, bộ cũng tăng quyền chủ động cho cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học, thực hiện nội dung chương trình giáo dục dưới sự hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá của bộ.

* Ông có thể cho biết chi tiết chủ trương giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết sẽ được cụ thể hóa trong biên chế năm học 2007 - 2008 như thế nào?

- Theo dự kiến, ngày khai giảng năm học mới vẫn là ngày 5-9 nhưng ngày bắt đầu năm học mới có thể do Giám đốc Sở GD-ĐT quy định, có thể bắt đầu trước ngày khai giảng và ngày hoàn thành chương trình giảng dạy chậm nhất là 30-6.

Thời lượng học kỳ I sẽ còn 18 tuần thực học, 1 tuần dành cho các hoạt động tập thể, tham quan; 1-2 tuần học sinh được nghỉ giữa học kỳ I (trong thời gian này, nhà trường bố trí tổ chức bồi dưỡng giáo viên sinh hoạt chuyên môn); 1 - 2 tuần nghỉ cuối học kỳ I kết hợp với kỳ nghỉ tết theo quy định cũ. Học kỳ II sẽ có ít nhất 17 tuần thực học, 1 tuần dành cho các hoạt động tập thể, tham quan và 1 - 2 tuần học sinh nghỉ giữa học kỳ II. Như vậy, dự định kỳ nghỉ hè sẽ rút từ 3 tháng xuống còn 6 – 8 tuần.

* Xin cám ơn ông!

Theo VIỆT LAN, Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên