![]() |
Xe bồn đang tiếp xăng dầu tại trạm xăng dầu Nhật Linh 1 (ấp 1, Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng, Long An). Mặc dù vậy cây xăng này vẫn đóng cửa, không bán lẻ cho người tiêu dùng - Ảnh: H.K. |
Dân buôn lậu lấy hàng từ đâu?
Theo điều tra của chúng tôi, nguồn xăng dầu mà đầu nậu bán qua biên giới được lấy từ các cây xăng lớn ở khu vực biên giới ba huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng.
Tại Mộc Hóa, hệ thống cung cấp xăng dầu lớn nhất cho thị trấn và các xã biên giới chính là trạm xăng dầu Khánh Dương. Hệ thống này có ba cây xăng bề thế, gồm một cây xăng chính ở trung tâm thị trấn (đối diện bến xe), một chi nhánh nằm cách cửa khẩu Mộc Hóa 80m (xã Bình Hiệp, thị trấn Mộc Hóa) và một sà lan xăng dầu nằm trên bờ sông Vàm Cỏ Tây (ngã ba đi Campuchia).
Tuấn(*), một cửu vạn ở Mộc Hóa, nói: “Trước đây em chở xăng cho “trùm” Hai Hạ, hằng ngày lấy hàng từ chi nhánh cây xăng Khánh Dương ở Bình Hiệp. Cách đây hai tuần, em chuyển qua chạy cho một mối khác. Địa điểm lấy hàng cũng là cây xăng Khánh Dương nằm trong thị trấn”.
Đêm 20-4, chúng tôi bám theo chiếc xe ba gác của C. “râu” (một đầu nậu xăng dầu) từ thị trấn Mộc Hóa về hướng bến đò ấp Tầm Đuông, gần cửa khẩu Bình Hiệp. C. “râu” cho biết: “Từ sáng tới giờ gom được 15 can (450 lít) từ các cây xăng Khánh Dương, chở qua Campuchia bán kiếm được trên 2 triệu đồng”.
Đối với một số đầu nậu “mối ruột”, các cây xăng ưu tiên hết cỡ. H., một đầu nậu xăng dầu ở khu vực cửa khẩu, nói: “Ai lấy không có nhưng với tui lấy lúc nào cũng có. Trước khi “đánh” hàng, tôi “alô” cho chủ cây xăng rồi sai lính đem can tới lấy”. H. chính là khách hàng ruột của một cây xăng lớn ở thị trấn Mộc Hóa.
Tại Vĩnh Hưng, theo điều tra của chúng tôi, nguồn xăng dầu cung cấp cho các đầu nậu chính là hệ thống xăng dầu Nhật Linh với 6-7 chi nhánh đặt rải rác từ trung tâm huyện lỵ đến các xã vùng biên giới.
Theo một đầu nậu xăng dầu ở Vĩnh Hưng, sở dĩ anh ta có được nguồn hàng dồi dào là nhờ “làm ăn lâu dài” với các cây xăng Nhật Linh. Vào thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” như hiện nay, trong khi các cây xăng khác, kể cả của Nhà nước, không còn một giọt nhưng các cây xăng Nhật Linh, Hoàng Minh (cùng một chủ) vẫn cung cấp đều đặn cho khách hàng, kể cả mua với số lượng lớn.
V. “sầu”, một đầu nậu ở thị trấn Vĩnh Hưng, cũng nói rằng anh ta thường xuyên gom hàng từ các cây xăng của Nhật Linh, sau đó thuê cửu vạn “bắn” sang Campuchia bán kiếm lời.
Tiếp xúc với một số đầu nậu khác, chúng tôi được biết họ đều lấy hàng từ các chi nhánh Nhật Linh. T., một đầu nậu, quả quyết: “Cả huyện này chỉ trông chờ vào các cây xăng Nhật Linh. Dân cửu vạn, đầu nậu xăng dầu cũng sống nhờ đó.
Nếu Nhật Linh hết hàng thì không chỗ nào còn”. Không chỉ có đầu nậu, ngay cả các cây xăng nhà nước và tư nhân khác cũng là khách hàng thường xuyên của “tổng đại lý Nhật Linh”. Điều này cho thấy qui mô làm ăn của Nhật Linh rất lớn, chi phối toàn bộ hệ thống cung cấp xăng dầu ở Vĩnh Hưng và các huyện lân cận.
Thấy gì ở các cây xăng?
Để kiểm chứng nguồn thông tin nói trên, chúng tôi chia nhau “canh me” tại các cây xăng “có tên tuổi” ở hai huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng.
Chiều 20-4, chúng tôi ghé vào cây xăng Khánh Dương (số 55 QL62, thị trấn Mộc Hóa), yêu cầu đổ đầy bình nhưng nhân viên chỉ đổ đúng 10.000 đồng. Thấy chúng tôi chìa ra chiếc can 20 lít để mua dầu về chạy máy bơm, anh nhân viên nói: “Một giọt cũng không có”.
Không riêng gì chúng tôi, nhiều người đến mua về chạy ghe, máy cày cũng đành thất thểu đi về. Khi chúng tôi định quay đi thì thấy một chiếc xe ba gác chở khoảng trên chục can nhựa rỗng tấp vào cây xăng. Một nhân viên mở nắp can để bơm dầu vào.
Sáng 22-4, chúng tôi ngồi “phục kích” bên này bờ sông Vàm Cỏ Tây, đối diện sà lan xăng dầu Khánh Dương (KP2, Vàm Bà Kén - sông Vàm Cỏ Tây).
Mặc dù hai trụ bơm đã được trùm kín bằng bao nilông (thay cho bảng thông báo hết hàng) nhưng chúng tôi thấy thỉnh thoảng ghe, tàu và cả sà lan vẫn tấp vào lấy hàng. 9g30, chúng tôi thấy nhân viên cây xăng chuyển bốn can nhựa xuống một chiếc ghe. 9g46, một chiếc ghe khác lại tấp vào chở ba can xăng rồi chở thẳng qua biên giới.
Tại chi nhánh xăng dầu Khánh Dương (ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị trấn Mộc Hóa), mặc dù đóng cửa nhiều ngày trước nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều chiếc xe ba gác chở đầy can nhựa chạy từ cây xăng ra đường lộ rồi đi về hướng biên giới.
Tương tự, một số cây xăng tư nhân và liên doanh nằm dọc các xã biên giới của huyện Mộc Hóa đều nói rằng không còn hàng để bán mấy ngày nay. Thế nhưng, tại cây xăng Hai Đấu, thấy chúng tôi mua xăng, một nhân viên hất hàm hỏi: “Mua xăng làm gì?”.
Chúng tôi trả lời mua để dành chạy xe. Anh nhân viên này liền nói: “Tưởng mua để “bắn” qua Công-Phôn-Rồ chứ (một huyện biên giới của Campuchia). Mua xài thì... không bán”.
Quả thật, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết người dân tới mua xăng dầu để sử dụng thì không được bán, trong khi có những đầu nậu mang 10-15 can đến thì được đáp ứng nhanh chóng.
Ở cây xăng Nhật Linh 2 (xã Vĩnh Trị, Vĩnh Hưng), chúng tôi thấy rất đông người dân kéo đến mua dầu nhưng nhân viên ở đây cho biết đã hết mấy ngày nay. Trong khi đó họ lại sẵn lòng bán cho đầu nậu xăng dầu để tuồn qua biên giới.
Cách cây xăng này không xa là chiếc tàu chở dầu loại trung tải đang nằm bên mé kênh K28. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc tàu này chỉ cung cấp cho những mối hàng lớn chứ không bán lẻ.
Ngày 23-4, tại đại lý xăng dầu Nhật Linh (số 1, đường 831, KP1, thị trấn Vĩnh Hưng), chúng tôi yêu cầu đổ đầy bình xăng (khoảng
2 lít), anh nhân viên trù trừ một hồi cuối cùng chỉ đổ đúng 10.000 đồng. Bà con nông dân xếp hàng chờ đợi cả buổi đành thất vọng quay về. Tuy nhiên, ngay sau đó không lâu thì họ lại bán cho một xe máy chở đầy can nhựa tấp vào.
Sáng 24-4, tại cây xăng Nhật Linh ở xã Vĩnh Trị (Vĩnh Hưng) cũng không bán cho dân, mặc dù trước đó vào ngày 21-4 Đội QLTT số 2, thuộc Chi cục QLTT tỉnh Long An đã lập biên bản vi phạm cây xăng này, phát hiện còn 3.500 lít xăng và 4.000 lít dầu đang nằm im trong kho để chờ “giải quyết đúng đối tượng”.
Các cây xăng Nhật Linh 3 (Hưng Điền A, Vĩnh Hưng), Hoàng Minh (cũng thuộc hệ thống xăng dầu Nhật Linh) ở xã biên giới Thái Bình Trung (Vĩnh Hưng)... cũng đều không bán lẻ cho người tiêu dùng.
Tại cây xăng của Chi nhánh thương mại XNK Vĩnh Hưng (đường 831, thị trấn Vĩnh Hưng), một nhân viên tuyên bố: “Lệnh ở trên, dầu chỉ bán cho mỗi người 50.000 đồng, xăng thì đổ đầy bình, không bán thêm”. Trong khi đó, một nhân viên khác liên tục bơm vào can của đầu nậu. Theo điều tra của chúng tôi, nguồn xăng dầu của cây xăng này đều được lấy từ “tổng đại lý Nhật Linh”.
(*) Vì lý do tế nhị, tên của một số đầu nậu, cửu vạn đã được thay đổi.
Bài 3: Xin tự thua ngay trên sân nhà!
Tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết dù đang vào thời điểm xuống giống rộ vụ lúa hè thu nhưng đến nay các huyện vùng Đồng Tháp Mười (giáp biên giới Campuchia) chỉ mới xuống giống được gần 25.000ha (giảm 50% so với cùng kỳ năm trước), nguyên nhân là do thiếu xăng dầu để bơm nước, làm đồng. Ông Trần Văn Bửu (61 tuổi), ngụ ấp Xóm Mới, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, cho biết nếu tình trạng khan hiếm xăng dầu kéo dài, nhiều khả năng vụ hè thu năm nay sẽ bị thiệt hại rất lớn do thời gian thu hoạch lúa trễ, không kịp “chạy” trước khi lũ về. Là một nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, ông Bửu có tổng cộng 34ha ruộng nằm cặp kênh K28, lẽ ra hằng năm vào thời điểm này gia đình ông đã xuống giống gần hết diện tích nhưng do không mua được xăng dầu nên ba chiếc máy cày và bốn chiếc máy bơm nước phải... nằm bờ. Chưa hết, trong căn nhà lá cặp bờ kênh, trên 200 tấn lúa của gia đình ông cũng không bán được do thương lái không có xăng dầu để chạy ghe vào mua, hoặc thương lái ghìm giá mua lúa vì viện lý do xăng dầu đắt đỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận