14/01/2007 22:32 GMT+7

Các cam kết WTO có hiệu lực: Hiểu đúng về "mở cửa" văn hóa

Theo Nguyễn Mỹ - Thể thao & Văn hóa
Theo Nguyễn Mỹ - Thể thao & Văn hóa

Từ ngày 11-1, VN đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của WTO. Trước đó, Thứ trưởng Bộ VH-TT Trần Chiến Thắng đã ký công văn số 5265/ BVHTT-KHTC thông báo nội dung cam kết gia nhập WTO liên quan đến ngành VH-TT gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở địa phương.

mAbftQzi.jpgPhóng to

Quận Gò Vấp tiêu hủy văn hóa phẩm độc hại - Nguồn: website quận Gò Vấp

Công văn cùng tập tài liệu dày gần 100 trang này chính là những hướng dẫn và những trích lục cần thiết để các đơn vị cấp dưới tự đọc và hiểu về WTO - những thay đổi liên quan đến nhiệm vụ quản lý Nhà nước nói riêng và các hoạt động khác trong lĩnh vực VH-TT nói chung.

Phải sửa đổi, bổ sung luật rất ít

Nếu “soi” vào từng cam kết trong lĩnh vực VH-TT mà VN phải áp dụng trực tiếp thì có thể thấy rằng về cơ bản chỉ có hai cam kết liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Điện ảnh. Phải sửa hoặc bổ sung ở chỗ nào?

Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, khi trên bàn đàm phán, một thành viên WTO đã lưu ý với Ban công tác của chúng ta là điều 26 và 33 của Luật này có quy định rằng các tổ chức phát sóng có thể sử dụng “các tác phẩm đã được công bố” và “những quyền liên quan” mà không cần phải xin phép chủ sở hữu nhưng phải trả tiền nhuận bút hoặc thù lao.

Thành viên này hỏi VN sẽ đảm bảo như thế nào để trả thù lao tương xứng theo công ước Berne. Đại diện phía VN đã ghi nhận rằng điều khoản liên quan đến vấn đề này của công ước Berne sẽ được thi hành với khoản nhuận bút, thù lao TƯƠNG XỨNG, (và), các hiệp hội quản lý tập thể sẽ thực hiện các hoạt động thay mặt chủ sở hữu thực hiện việc thu nhuận bút, thù lao theo ủy quyền.

Như vậy, có thể hiểu rằng đây chỉ thay đổi về mức thù lao. Và việc thực thi cam kết này sẽ chỉ tác động đến mức trả tác quyền cho một số tác phẩm nước ngoài.

Còn với Luật Điện ảnh, điều 30 của Luật này quy định: Các doanh nghiệp sản xuất phim, các đài phát thanh truyền hình… được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim (nhưng) “mỗi năm số lượng phim nhập khẩu không được vượt quá hai lần số lượng phim do mình sản xuất”.

Quy định trên nhằm hạn chế số lượng phim nhập khẩu để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu ồ ạt mà không chịu đầu tư vào sản xuất phim nội. Tuy nhiên, sự hạn chế này không phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và do đó sẽ bị bãi bỏ. Cụ thể là sẽ không hạn chế số lượng phim được nhập khẩu.

Mở từ từ…

Như chúng ta đã biết, và người ta cũng đã nói rất nhiều về việc ra “biển lớn” WTO, về sự hội nhập toàn diện. Song đối chiếu với những cam kết cụ thể về việc mở cửa các dịch vụ VH-TT thì có thể thấy rằng sự tác động sẽ không quá mạnh mẽ và đột ngột.

8 dịch vụ được mở cửa thị trường liên quan đến lĩnh vực VH-TT gồm: Quảng cáo, sản xuất phim, phát hành phim, chiếu phim, ghi âm, giải trí, kinh doanh trò chơi điện tử và dịch vụ phân phối.

Theo thống kê, ngành VH-TT sẽ mở cửa thị trường đối với tám dịch vụ mà hầu hết liên quan đến mảng giải trí, nghe nhìn. Nói thế không có nghĩa là tám dịch vụ trên sẽ “mở tung” để doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên đều có thể nhảy vào mà sẽ theo đúng lộ trình với các điều kiện khác đã ghi rõ trong cam kết.

Ví dụ, đối với dịch vụ quảng cáo, kể từ khi gia nhập thì các nhà cung cấp dịch vụ này ở nước ngoài được phép vào nhưng với hình thức tham gia hợp đồng hoặc liên doanh với các đối tác VN đã được phép kinh doanh dịch vụ này, trong đó phần vốn của phía nước ngoài không được vượt quá 51%. Đến 1-1-2009 mới không hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài (lúc đó mới là “mở tung”).

Đối với các dịch vụ sản xuất, phát hành, chiếu phim cũng vậy, phía nước ngoài cũng phải vào dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác VN với tỷ lệ góp vốn không được vượt quá 51%. Và hợp tác sản xuất phim, chiếu phim… cũng không có nghĩa là muốn làm, muốn chiếu phim gì cũng được, mà tất cả các phim đều phải được cơ quan có thẩm quyền của VN kiểm duyệt nội dung.

Đối với các dịch vụ giải trí, bao gồm nhà hát, nhạc sống và xiếc cũng vậy. Không phải là ngay từ bây giờ các đơn vị nước ngoài đã có thể thoải mái xây nhà hát mà phải sau năm năm nữa mới được thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49%.

Đối với dịch vụ phân phối, VN cam kết mở cửa dịch vụ này với các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành VH-TT, tuy nhiên các mặt hàng “trọng yếu” là sách, báo, tạp chí và vật phẩm đã ghi hình thì đã được loại trừ ra khỏi cam kết này.

Như vậy, có thể thấy rằng tốc độ “mở cửa” của ngành VH-TT là từ từ và có lộ trình chắc chắn sẽ không thể dẫn đến nguy cơ “bóp chết” các dịch vụ về VH-TT trong nước. Trái lại, nó sẽ trở thành “ngoại lực” cho các dịch vụ này phát triển.

Còn đối với đông đảo người dân - những đối tượng hưởng thụ văn hóa - thì có thể thấy rằng sẽ không thể có một cú sốc nào đó đối với họ. Bộ mặt của đời sống văn hoá thời hội nhập không hề “Tây hoá” một cách đáng lo ngại như nhiều người nghĩ. Bởi các lĩnh vực trọng yếu về văn hoá như văn hoá - tư tưởng, truyền thông, và các văn hoá phẩm thuộc diện “nhạy cảm” vẫn được kiểm soát tốt. Các sản phẩm mê tín dị đoan, đồi trụy, phản động, các loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khoẻ hoặc an ninh trật tự an toàn xã hội… sẽ không được phép nhập khẩu vào VN.

Và chương trình hành động về văn hóa

“Cần tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ đối với các sản phẩm văn hoá trong nước phù hợp lộ trình cam kết quốc tế. Trong lĩnh vực điện ảnh, cần xác định tỷ lệ cần thiết truyền hình phát sóng phim trong nước, nhất là vào các “giờ vàng” và nâng dần tỷ lệ này trong các năm sau”.

(Trích bài viết của Bộ trưởng Bộ VH-TT Lê Doãn Hợp về “Văn hoá - những cơ hội và thách thức khi VN gia nhập WTO” trên mạng CINET).

Nguyên tắc của WTO là bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên. Trong các quan hệ về VH-TT cũng vậy.

Tuy nhiên, trong các cam kết của VN với WTO còn có Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc (MFN). Dịch vụ nghe nhìn đã được đưa vào danh mục này. Hiểu một cách vắn tắt thì với việc này, VN có thể dành quyền phân biệt đối xử giữa các thành viên WTO trong các hoạt động sản xuất, phát hành, chiếu các chương trình truyền hình, phim truyện… (thực hiện theo nội dung bảo lưu trong danh mục).

Biện pháp này cũng nhằm giúp VN dành những ưu đãi nhất định cho các nước trong WTO đã ký với nước ta các hiệp định về hợp tác văn hoá. Nghĩa là ngành VH-TT có thể chủ động trong việc tăng cường hợp tác dịch vụ nghe nhìn với các đối tác phù hợp với nền văn hoá chúng ta.

Trên đây là những ghi nhận bước đầu của chúng tôi về tác động từ những cam kết của VN với WTO trong lĩnh vực VH-TT. Để hiểu được một cách đầy đủ các mặt ý nghĩa và xây dựng được các biện pháp thực hiện là cả một vấn đề lớn, cần có những hướng dẫn, giải thích cụ thể của Bộ VH-TT.

Hiện Bộ VH-TT đang xây dựng chương trình hành động của Bộ để triển khai các cam kết của VN trong lĩnh vực VH-TT và hội nhập quốc tế. Đây sẽ là văn bản pháp lý quan trọng để các đơn vị trong ngành có cơ sở tập trung triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế của VN về mở cửa thị trường đối với lĩnh vực của mình. Ngay sau khi chương trình hành động được phê duyệt, Bộ sẽ gửi tới các đơn vị để thực hiện.

Theo Nguyễn Mỹ - Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên