Tính đa dạng của đời sống
![]() |
Tuy nhiên, khi thừa nhận rằng có bao nhiêu hoàn cảnh xã hội, giai cấp, mức sống khác nhau thì có lẽ cũng có bấy nhiêu mục đích sống khác nhau, làm sao chúng ta có thể vạch ra những mục tiêu phổ quát cho mọi người?
Một cách giải quyết hữu hiệu là quan sát những cách sống khác nhau từ xưa đến nay, Đông cũng như Tây, càng sát với thực tiễn hàng ngày càng tốt, rồi tổng hợp lại thành những qui tắc chung về cách ứng xử của con người. Những qui tắc này phải được kiểm nghiệm bằng cách đem đối chiếu với cuộc sống của chúng ta và của những người khác, và nếu chúng thực sự phổ quát, chúng sẽ có giá trị đối với mọi người.
Áp dụng những qui trình khoa học để quan sát và xếp loại các cách sống trong thế giới con người sẽ cho thấy một trật tự hữu đích và phổ quát. Cũng như ta có thể xác định các qui luật và chuyện kỳ vốn chi phối toàn bộ thế giới tự nhiên. Ta lại cũng có thể xuyên qua những mớ chi tiết hỗn độn và cái quá trình diễn biến đầy biến cố gần như ngẫu nhiên và võ đoán của lịch sử nhân loại mà nhận ra một số mô hình lặp đi lặp lại một cách có tính qui luật để có thể ứng dụng một cách có hiệu quả đáng tin cậy làm cơ sở cho các quan hệ liên nhân, cho cách quản lý nhân sự và cho các kế hoạch xã hội đa dạng của con người.
Ta có thể phân biệt cái gì là cốt yếu của bản chất con người với những đặc tính riêng biệt và không cơ bản, và điều đó cho phép ta xác lập những khái niệm qui luật làm cơ sở cho cuộc sống.
Như vậy, từ những cách sống, những kinh nghiệm, sống khác nhau của chúng ta, ta có thể rút ra được những loại hình, những phương thức chung, và những điều đã rút ra được có thể trở thành những công cụ khái niệm hữu ích giúp cho việc xác định mục đích trong giáo dục.
Những cách sống xét như là những giai đoạn trong sự phát triển của con người
Mỗi cá nhân, trong khi hoạt động như một thành viên của xã hội, đều lĩnh lấy một phần trong những chức năng hỗ trợ cuộc sống của những người khác và của cái tổng thể, và ngược lại, mỗi cá nhân đều có quyền được nhận một hình thức hỗ trợ từ những thành viên khác.
Ta hãy cứ tưởng tượng một người sống trên một hoang đảo xa xôi, một thung lũng hẻo lánh nào đó, hoàn toàn cách ly với mọi sự cần thiết phải dính líu tới những người khác. Người ấy buộc lòng phải tự tay làm lấy mọi thứ việc khác nhau để có thể sinh tồn. Cái ưu thế tuyệt đối của lối sống cộng đồng là ở chỗ chúng ta được bảo đảm về tất cả các công việc, và hơn nữa chúng ta chắc chắn được chia sẻ công việc. Việc phân loại các lối sống ở đây là nhằm soi sáng khía cạnh hợp tác đó của đời sống con người.
Nét khu biệt đầu tiên và rõ rệt nhất cần phải vạch ra giữa các lối sống là có hai loại hoạt động: không có ý thức và có ý thức. Không ai có thể bảo đảm là mình có ý thức từng phút từng giây về mọi việc mình làm trong cuộc đời. Nếu phải chú ý đến từng cử chỉ động tác của mình, người ta không thể nào vươn lên tới tầm cao hơn của ý thức được.
Những thao tác giản đơn như vậy đều được điều khiển bằng phản xạ tự động có sự tác động vào các trung khu thần kinh cao cấp của vỏ não, tuy những thao tác đó chiếm phần lớn trong những sinh hoạt hàng ngày của con người. Sự kiện khá hiển nhiên này mang một ý nghĩa quan trọng hơn nhiều khi được xét trong quá trình trưởng thành của con người.
Nếu quan sát kỹ các quá trình phát triển của đời người, ta sẽ thấy rằng người ta không phải đã bắt đầu có các phản xạ này từ bẩm sinh. Quan sát một đứa trẻ mới tập đi đang thận trọng tập trung hết sức sự chú ý vào từng bước đi, người lớn mới thấy rằng những hoạt động vô thức và lặp đi lặp lại hàng ngày đã mở đầu bằng những cuộc thực tập cần cù tiệm tiến và có ý thức như vậy.
Nhờ có khả năng đẩy lùi các hoạt động ấy vào vô thức, người ta mới có thể để dành năng lực của những cấp độ cao hơn và phức tạp hơn của hoạt động tâm linh hữu thức. Rõ ràng ở đây có một sự tiết kiệm năng lực cho hoạt động tinh thần.
Khi đem lược đồ phân biệt này chuyển thêm một bước để tiến gần hơn những ứng dụng trong ngành giáo dục và trong phương pháp sư phạm, chúng ta có thể so sánh những giai đoạn tiến tới ý thức của một người với hai cực của một tổ chức chính quyền: cấp trung ương (đời sống hữu thức của một quốc gia) và cấp địa phương (đời sống vô thức của một quốc gia).
Trong một chính thể chuyên chế, nhúng tay vào mọi quyết định lớn nhỏ của Nhà nước. Sự bao biện này nhiều khi đưa tới chỗ xao lãng nhiều bổn phận quan trọng của chính phủ, gây tác hại cho toàn thể quốc gia. Cũng giống như trong tiến trình trưởng thành của cá nhân, thoạt tiên rất cần có sự điều hành từ trung ương, nhưng sau đó, tất nhiên phải để cho chính quyền địa phương có quyền độc lập tự quản nhất định và phải san sẻ quyền cai trị cho họ.
Trong thực tế cuộc sống hàng ngày, không thể phân biệt dứt khoát hai phạm trù vô thức và hữu thức, trong khi giữa hai cực có nhiều mức độ bán-hữu-thức, từ thấp nâng dần lên cao. Bằng cách phân chia chính xác hơn ta có thể nhận ra một số những đặc tính khu biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận