Cá tầm được nuôi tại Lâm Đồng - Ảnh: M.V.
Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đình An vừa đại diện cộng đồng nuôi cá tầm Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng kẽ hở pháp luật để nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc.
Theo ông An, trong thời gian qua, cá tầm Trung Quốc nhập chính ngạch và nhập lậu ồ ạt, bán với giá thấp khiến người nuôi cá tầm trong nước điêu đứng.
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng ghi nhận sản lượng cá tầm ở Lâm Đồng năm 2020 đạt gần 3.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường miền Nam. Đến cuối năm 2020 có khoảng 500 tấn cá tầm không xuất bán được do sự cạnh tranh giá từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ.
Tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), với 240 trang trại, cơ sở và hộ nuôi, ước tính mỗi năm cung cấp ra thị trường ít nhất 500 tấn cá. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở, người dân nuôi cá tầm đang lo lắng khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm Trung Quốc.
Ông Đỗ Tiến Thắng - phó chủ tịch Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai - cho biết hội này cũng đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan về việc đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại địa phương.
TS Lê Thanh Lựu - Hiệp hội Nghề cá Việt Nam - cho biết sản lượng cá tầm năm 2019 của Việt Nam ước tính đạt 2.500 tấn, trong khi đó lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 4.500 tấn, chiếm khoảng 65% nhu cầu thị trường, nhưng số cá này nhập chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch.
"Giá cá tầm Trung Quốc trên thị trường tới người tiêu dùng chỉ 140.000 - 160.000 đồng/kg, trong lúc đó cá tầm nuôi tại Việt Nam giá xuất từ trang trại đã 150.000 - 170.000 đồng/kg và người tiêu dùng phải trả 200.000 - 240.000 đồng/kg. Cá tầm Trung Quốc có chất lượng thấp, giá chỉ bằng 60 - 70% cá tầm nuôi tại Việt Nam là một thách thức lớn, cạnh tranh khốc liệt đối với cá tầm nuôi tại Việt Nam" - ông Lựu cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận