Để thu được lợi nhuận cao, hút người tiêu dùng bằng giá thấp với “chất lượng không đổi”, một số cơ sở tư nhân, nhà sản xuất cà phê đã trộn thêm không ít hóa chất và tạp chất vào sản phẩm.
Tạo mùi và vị cà phê bằng hóa chất
Ông Bùi Quang Quý, đại diện Công ty cổ phần quốc tế Bách Hợp, cho biết nhiều loại cà phê đang lưu thông trên thị trường (đặc biệt là cà phê dành cho pha phin) trộn lẫn hóa chất, tạp chất như bơ, bắp, đậu xanh, đậu nành rang cháy xay nhuyễn, hạt cau rang (tăng đắng), caramel, chất ký ninh, xanthangum (tạo độ sánh sệt), dung dịch hương nhân tạo: chất cầm hương gelatin, muối, đường, rượu, nước mắm nhĩ (tăng mùi)…
Những loại hóa chất này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chất cầm hương gelatin được sản xuất từ da và xương trâu, bò; thứ này không dùng được cho thực phẩm vì nó chứa rất nhiều chất bảo quản. Ký ninh từ lâu đã được dùng để gây đắng trong thực phẩm, lượng ký ninh được sử dụng phổ biến trong cà phê ở mức 0,06 - 0,08g/kg thành phẩm (0,0015 - 0,002g cho mỗi phin hay tách). Ở mức này, việc uống cà phê lâu dài sẽ dẫn tới triệu chứng cinchonism (tức ngộ độc ký ninh): dị ứng trên da, ù tai, chóng mặt, giảm sức nghe và nhiều triệu chứng phụ kèm khác.
Ngoài ra, khi pha cà phê có hóa chất, người dùng sẽ ngửi thấy rõ các mùi vị của hóa chất và uống vào sẽ có cảm giác nôn nao, tim đập mạnh. Đây là ngộ độc ký ninh chứ không phải là do tác dụng kích thích trí não của cà phê như người tiêu dùng vẫn nghĩ. Đa số các tạp chất, hóa chất có nguồn gốc Trung Quốc, bán rất nhiều tại chợ Kim Biên và các khu chợ khác ở Việt Nam.
Ngửi mùi ly cà phê, cách đơn giản để nhận biết cà phê sạch
Theo ông Quý, cà phê rang để nguyên hạt có màu nâu cánh gián, khô, còn mùi thơm nguyên thủy, tự nhiên của cà phê; cà phê xay sạch thì bột cà phê có mùi thơm tự nhiên của cà phê, không ngửi thấy mùi bơ và các hóa chất khác, bột màu nâu và khô. Đối với cà phê lẫn tạp chất, hóa chất thì đều có màu đen, dính dính, kẹo kẹo, ướt, ngửi thấy rõ mùi bơ, mùi hóa chất.
Người uống cà phê tẩm hóa chất lâu ngày sẽ rất khó phân biệt mùi cà phê nguyên chất với mùi cà phê tẩm hóa chất do não bộ đã ghi nhớ mùi cà phê tẩm hóa chất và “khẳng định” với người uống rằng đó là “mùi cà phê”. Nói cách khác, “mùi cà phê” ngon theo định nghĩa của những người quen uống cà phê tẩm hóa chất là “mùi thơm của cà phê”, mùi ngậy của bơ, mùi hương vani hoặc loại hương khác.
Thực tế, nhà sản xuất có thể dùng những hạt cà phê kém chất lượng nhất để làm cà phê phin (vẫn còn tốt hơn nhiều so với những loại hạt không phải là cà phê) vì họ đã có “mùi cà phê” nhân tạo. Vậy phân biệt bằng cách nào? Cách đơn giản là bạn pha ly cà phê và so sánh mùi khi vừa pha xong với mùi của chính ly cà phê đó sau khoảng 10 phút. Nếu mùi ít thay đổi thì đó là cà phê tẩm hóa chất, vì hóa chất có tính bền mùi cao hơn rất nhiều so với hương tự nhiên (bị oxy hóa và thay đổi cấu trúc phân tử nhanh trong điều kiện thường); còn nếu mùi thay đổi khá nhiều (ít thơm như lúc đầu) thì đó là cà phê sạch. Hương thơm tự nhiên của cà phê sạch không ngào ngạt mà phảng phất.
Ngoài ra, để bảo đảm cho sức khỏe và thưởng thức cà phê đích thực thì người tiêu dùng nên mua cà phê hạt đã rang nguyên chất (khô, không dính sệt, có màu nâu cánh gián) và lựa chọn loại có thương hiệu tốt được nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách sạn lớn tin dùng.
Chúng ta có thể xay tại chỗ hoặc trang bị cho mình một máy xay rồi tự xay mỗi lần uống để vừa chắc chắn mình được sử dụng cà phê nguyên chất và cà phê tươi, thơm ngon. Nước dùng để pha cà phê cũng là thành phần quan trọng để có ly cà phê ngon, nước cần có độ PH từ 6-7, không có mùi của chất khử trùng (có trong nước máy), được lọc qua các bộ lọc tốt để loại bớt các khoáng chất nhằm giảm độ cứng. Các thiết bị dùng để pha cà phê cần phải được vệ sinh đúng cách nếu không muốn ly cà phê có mùi lạ.
Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do các thiết bị pha (từ phin pha cho đến máy pha) đều chịu ảnh hưởng của quá trình oxy hóa tự nhiên của kim loại. Thường xuyên vệ sinh và bảo quản các thiết bị này theo hướng dẫn của nhà sản xuất là cần thiết. Bảo quản cà phê là khâu nhiều người tiêu dùng không coi trọng trong khi việc này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng ly cà phê. Bao đựng cà phê chuẩn là loại màng ghép có van 1 chiều nhằm chống ánh sáng, độ ẩm không khí để tránh oxy hóa cà phê, đặc biệt là cà phê đã xay.
Bạn nên sử dụng hết cà phê trong vòng 4 ngày sau khi đã mở bao, sau mỗi lần mở ra, bao phải được gấp mép nhiều lần, ép hết không khí ra và cột chặt lại bằng dây thun, bảo quản nơi khô mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tuyệt đối không bảo quản cà phê trong tủ lạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận