13/06/2008 01:00 GMT+7

Cả cơ quan đều viêm gan!

LAN ANH
LAN ANH

TT - Toàn bộ phụ nữ cơ quan đều thiếu máu não. Cả cơ quan viêm gan siêu vi B. Và nhiều kết luận sai khi đi khám sức khỏe định kỳ... có hoa hồng. Tại Hà Nội, phòng khám, phòng xét nghiệm cũng tham gia khám sức khỏe định kỳ, trái với qui định của Bộ Y tế, với tiền hoa hồng cho mỗi hợp đồng tập thể là 12-30%!

Yb65O7rN.jpgPhóng to
Chờ khám sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Tràng An - một trong những bệnh viện được phép khám sức khỏe toàn diện tại Hà Nội - Ảnh: Lan Anh
TT - Toàn bộ phụ nữ cơ quan đều thiếu máu não. Cả cơ quan viêm gan siêu vi B. Và nhiều kết luận sai khi đi khám sức khỏe định kỳ... có hoa hồng. Tại Hà Nội, phòng khám, phòng xét nghiệm cũng tham gia khám sức khỏe định kỳ, trái với qui định của Bộ Y tế, với tiền hoa hồng cho mỗi hợp đồng tập thể là 12-30%!

Chiều 10-6, tại một phòng khám đa khoa trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, cô nhân viên trực tỏ ra rất vui khi chúng tôi hỏi dịch vụ khám sức khỏe định kỳ. Theo bảng giá của phòng khám, một gói gần 20 loại dịch vụ, nhưng chủ yếu là dịch vụ xét nghiệm, chụp chiếu: công thức máu, men gan, siêu âm màu, chụp X quang... - hoàn toàn không có những dịch vụ thông thường của gói khám sức khỏe toàn diện như khám da liễu - có giá 2,5 triệu đồng. "Chúng tôi sẽ trích cho chị 20% hoa hồng. Nếu chị muốn 30%, phòng khám sẽ nâng giá dịch vụ để trích cho chị” - cô nhân viên hứa hẹn.

Giám đốc điều hành một bệnh viện tư lớn ở Hà Nội chìa cho chúng tôi xem mẩu tin nhắn: "Nếu chị trích 15% hoa hồng, công ty tôi sẽ khám sức khỏe ở chỗ chị”! Theo vị giám đốc này, bệnh viện dự định trích 12% cho người tổ chức đợt khám sức khỏe toàn diện cho nhân viên công ty kể trên. Khám sức khỏe toàn diện là dịch vụ rất béo bở, chi phí rất thấp nhưng thu - nhất là những hợp đồng khám sức khỏe cho hàng ngàn người - lại rất lớn, nên "hiện giờ nhiều bệnh viện, phòng khám cạnh tranh nhau, hoa hồng ngày càng lớn, chúng tôi không chịu nổi"!

Mượn người, mượn máy

Hầu hết phòng khám đa khoa tư nhân ở Hà Nội đều nhận khám sức khỏe định kỳ cho tập thể, thậm chí có phòng xét nghiệm cũng nhận... khám định kỳ. Thủ thuật của các đơn vị này là hợp đồng với một bệnh viện, trung tâm y tế có tư cách pháp nhân, mượn con dấu rồi... khám.

Chính vì chỉ là phòng khám, không có đủ chuyên khoa, máy móc, nên đã có hiện tượng tất cả phụ nữ ở một cơ quan trên phố Tây Sơn bị thiếu máu não khi khám sức khỏe định kỳ. Còn có nơi cả một cơ quan khám thì bị viêm gan siêu vi B. Có nơi 17 phụ nữ đến khám, 16 chị có thai! Lý do là nhân viên phòng khám đã lấy nhầm test thử dẫn đến kết quả sai.

Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết tại Hà Nội, chỉ các trung tâm y tế, bệnh viện hạng 1, 2 là được tham gia khám sức khỏe định kỳ. Nhưng thực tế phòng khám chỉ có 2-3 chuyên khoa cũng tham gia dịch vụ này. Tuy nhiên khi đi kiểm tra, các phòng khám đều hợp đồng với đơn vị chức năng để "mượn" bác sĩ, mượn máy móc cho đủ chuyên khoa. Sở Y tế Hà Nội cấm hoạt động hợp tác kiểu này nhưng trường hợp hai bên dấm dúi hợp tác, thậm chí phòng khám tự tổ chức khám sức khỏe toàn diện thì thanh tra cũng đành chịu!

Chất lượng thấp

Bà Lương Thị Trâm, Bệnh viện đa khoa tư nhân Tràng An, nói thị trường hiện có nhiều loại test, hóa chất phục vụ xét nghiệm với mức giá và chất lượng rất khác nhau. Cùng loại test thử, có loại chỉ 8.000đ/test nhưng có loại tới 26.000đ với chất lượng khác hẳn. Ông Nguyễn Minh Sơn (Công ty Radom, đơn vị đầu tư Phòng khám đa khoa Việt Sing) thừa nhận còn nhiều phòng khám sử dụng máy X quang, siêu âm rất cũ, chỉ vài chục triệu đồng. "Chụp vẫn ra phim nhưng tác dụng để chẩn đoán kém" - ông Sơn nói.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lý Ngọc Kính cũng cho biết đã có hiện tượng một bác sĩ kết luận từ A-Z trên phiếu khám sức khỏe. Dẫn đến hiện tượng trên phiếu khám sức khỏe kết luận sức khỏe tốt nhưng đến khi đi học, đi làm mới... lòi ra bệnh nọ bệnh kia. Trường hợp số người lao động VN tử vong tại Malaysia rất cao cũng là một ví dụ của hiện tượng này.

Vị giám đốc điều hành bệnh viện kể trên tiết lộ: "Các phòng khám thường ghi khống ngày thực hiện khám sức khỏe cho người lao động, nhằm tránh phải khám lại khi ngày bay bị hoãn. Trong khi sức khỏe con người không phải lúc nào cũng ở trạng thái tốt 100%, không bệnh tật, đủ sức khỏe lên máy bay ra nước ngoài lao động ở cường độ rất cao! Kết quả là một số người lao động đã gặp rủi ro".

Bộ cấm "mượn con dấu"

Theo ông Lý Ngọc Kính, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới cho hoạt động khám sức khỏe toàn diện, trong đó yêu cầu có bác sĩ từng chuyên khoa kết luận. Bộ Y tế nghiêm cấm hiện tượng các phòng khám không được cấp phép, không đủ chuyên khoa cũng tổ chức khám sức khỏe toàn diện; cấm hiện tượng "ký hợp đồng" mượn con dấu, mượn bác sĩ để khám sức khỏe, khiến hoạt động này trở nên lãng phí tiền của mà ý nghĩa dự phòng, phát hiện sớm bệnh tật cũng khó được thực hiện.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên