Chính quyền tỉnh đang tìm mọi cách ngăn chặn sự hoành hành của loài cá này trong hệ thống sông, hồ và kênh rạch trọng yếu.
Bộ Động vật hoang dã tỉnh Quebec cho biết Saint Lawrence là con sông lớn chảy từ phía Tây Nam lên Đông Bắc ở miền Đông của Bắc Mỹ, thông Ngũ Đại Hồ (5 hồ lớn nhất nước Mỹ) với Đại Tây Dương.
Sông này có một phần chảy qua các tỉnh Ontario và Quebec của Canada. Việc cá chép châu Á xuất hiện ở sông này dẫn tới nguy cơ cao phát tán rộng trong hệ thống sông ngòi ở Canada.
Trước đó, Bộ Động vật hoang dã tỉnh Quebec đã tiến hành khảo sát 110 địa điểm trên Saint Lawrence trong năm 2015-2016 và tìm thấy cá chép châu Á trong ít nhất 16 địa điểm.
Chính quyền tỉnh cảnh báo cuộc “xâm lược” của cá chép châu Á có thể gây thiệt hại trị giá hàng triệu dollar Canada (CAD) cho nền kinh tế tỉnh này.
Hiện giới chức Quebec chưa tìm được giải pháp nào khả thi nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của cá chép châu Á.
Trước mắt, tháng 1 vừa qua, chính quyền tỉnh đã đưa ra lệnh cấm sử dụng cá mồi sống để câu cá trong mùa hè này. Lệnh cấm sẽ được nghiên cứu mở rộng vào các mùa khác.
Bộ Động vật hoang dã tỉnh Quebec cũng có kế hoạch lấy ý kiến các nhà khoa học và người dân về làm thế nào để hạn chế sự xâm lấn của cá chép châu Á đến các vùng nước nội địa của tỉnh.
Cá chép châu Á được biết đến là một loài cá thích nghi rất tốt với môi trường mới. Ngoài việc bơi khỏe và tránh lưới rất tốt, chúng còn là loài ăn tạp, có thể ăn lượng thức ăn lên đến 40% trọng lượng cơ thể.
Với chiều dài thường từ 50-90 cm, có thể nặng hơn 50 kg, cá chép châu Á tiêu tốn lượng thức ăn lớn bao gồm cả các loài thủy sinh khác.
Chúng đã tiêu diệt nhiều giống cá địa phương trên đường di chuyển, phá hủy hệ sinh thái nơi nó sống.
Mỗi con cá chép châu Á có thể đẻ đến 2 triệu trứng cho một lần sinh sản, nên loài cá này phát triển rất nhanh, thành những đàn lớn hàng trăm con.
Không chỉ ở Canada, nạn xâm lấn của cá chép châu Á vẫn đang làm đau đầu chính quyền nhiều bang nước Mỹ.
Người Mỹ đưa cá chép châu Á vào những ao, đầm ở miền Nam nước này trong những năm 70 của thế kỷ trước.
Họ dùng cá chép để làm sạch ao nuôi cá tra, giúp chúng khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, sáng kiến “xanh” này trở nên phản tác dụng khi cá chép thoát ra sông Mississippi và sinh sản, rồi tiến vào Ngũ Đại Hồ, đe dọa cuộc sống của các sinh vật thủy sinh địa phương.
Theo các nhà nghiên cứu, cá chép châu Á ngốn tới 1/5 lượng sinh vật phù du trong Ngũ Đại Hồ, đe dọa ngành công nghiệp đánh cá và du lịch trị giá 4 tỷ USD/năm ở 5 hồ này.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của loài cá này, người Mỹ đã dựng rào cản nhằm tách sông Mississippi và Ngũ Đại Hồ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận