19/10/2017 18:47 GMT+7

Cả bố và mẹ mắc bệnh vảy nến, tỉ lệ lây sang trẻ là 41%

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bệnh vảy nến là bệnh da mãn tính. Bệnh vảy nến tuy không gây chết người nhưng là một bệnh gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người bệnh và chất lượng cuộc sống của họ.

Cả bố và mẹ mắc bệnh vảy nến, tỉ lệ lây sang trẻ là 41% - Ảnh 1.

Bệnh lý có một số biểu hiện lâm sàng rất đặc biệt. Biểu hiện thường gặp nhất là vảy nến thể thông thường (Psoriasis vulgaris). Đây là bệnh mãn tính, tái phát, có mảng và sẩn màu đỏ có vảy trắng bạc.

Các thương tổn da có thể rải rác vài tổn thương cho đến lan tỏa toàn thân. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tỉ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, yếu tố miễn dịch và môi trường. Theo đó, yếu tố di truyền là nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh; nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Miễn dịch liên quan đến các tế bào miễn dịch lympho T ở da.

Các yếu tố môi trường là nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn. Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà xát mạnh; các stress tâm lý; rượu...

Các chuyên gia da liễu cho biết người bệnh vảy nến có thể tự biết về bệnh của mình; đó là các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc.

Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Các sẩn hoặc đám thương tổn nhỏ tụ lại thành mảng lớn.

Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng một số vị trí rất hay gặp là: đầu, ngón tay, bàn tay -bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông và cẳng chân.

Một đặc điểm quan trọng của bệnh là thường đối xứng hai bên cơ thể, mặt ít khi bị tổn thương. Bệnh có thể ổn định trong thời gian dài, nhẹ đi hoặc khỏi rồi lại tái phát và thường sẽ tồn tại với người bệnh cả cuộc đời.

Theo các bác sĩ da liễu, điều trị bệnh vảy nến cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và những loại thuốc đã sử dụng.

Người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định bệnh, cho chỉ định điều trị ban đầu. Trường hợp thương tổn da chỉ chiếm dưới 5% diện tích da cơ thể thì người bệnh có thể điều trị tại y tế cơ sở theo chỉ định ban đầu của bác sĩ chuyên khoa. Các trường hợp khác cần được các bác sĩ chuyên khoa điều trị và theo dõi lâu dài.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: để phòng bệnh vảy nến, người dân cần tránh căng thẳng thần kinh, sinh hoạt điều độ, hạn chế chất kích thích (rượu, cà phê...).

Hằng ngày, mọi người cần vệ sinh thân thể, tắm sạch sẽ giúp loại bỏ các vảy và da viêm; không nên dùng nước nóng và xà phòng có chất tẩy mạnh vì có thể làm tăng các triệu chứng.

Mọi người nên sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ hoặc có thể dùng dầu tắm riêng biệt; sau khi tắm, thấm khô da sau đó dùng kem dưỡng ẩm.

Người bệnh vảy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng, nhất là những đồ ăn chứa nhiều protein và tanh (như: tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp xưởng, xúc xích, thịt gà, đồ hộp, trứng...); đồ uống có chất kích thích (như: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt...); đồ ăn có chứa nhiều chất béo (như: đường, sữa, mỡ, bơ, đồ ngọt tổng hợp...).

Ngoài ra, người bệnh vảy nến phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất (như: xà phòng, dầu gội, sữa tắm...); thận trọng khi sử dụng nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc...

Người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm chứa các loại axit béo có lợi như omega - 3 và các loại rau quả giàu vitamin B12, chất khoáng như kẽm… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Người bệnh cũng có thể tham khảo các thầy thuốc chuyên khoa để bổ sung một số loại thảo dược giảm ngứa và tránh tổn thương lan rộng.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên