Phóng to |
Nguyễn Thạch Lam |
“Hồi nhỏ tôi xài bút lá tre, đi học cứ kè kè lọ mực, lâu lâu lại bị dây mực vô áo. Lên cấp II, tôi xài bút máy. So với bút lá tre, bút máy không phải chấm mực nhiều lần, đi học chỉ cần bơm một lần đầy ống mực. Chỉ ngại lúc mực hết nửa chừng, bạn bè nhiệt tình chi viện nhưng mực của các bạn ấy lúc đậm lúc nhạt hơn mực của mình nên trang viết xấu đi”.
Vậy mà mãi đến tuổi... 30, Nguyễn Thạch Lam - Trưởng phòng hạ tầng chi nhánh TP.HCM Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng - CDC (Bộ Xây dựng) - mới nghĩ ra cách chế tạo một cây bút có thể khắc phục được nhược điểm của hai loại bút kia và anh gọi sản phẩm của mình là “bút phong cách”.
“Bút phong cách” của Lam gồm ba đoạn thân bút được nối ren (vặn rãnh xoắn ốc). Đoạn một có gắn ngòi bút và nắp bút. Đoạn hai là một ống chứa mực khô dạng viên (trạng thái rắn, có thể mua dễ dàng ở chợ Kim Biên, quận 5 hoặc các cửa hàng hóa chất). Đoạn trên cùng là một ống rỗng để nạp nước, cuối đoạn có gắn van một chiều (màng lọc bán thấm).
Khi người sử dụng nạp nước vào đoạn trên cùng, nước được thẩm thấu qua van một chiều vào ngăn chứa mực khô làm mực khô tan ra đến trạng thái bão hòa thành... mực viết dạng lỏng. Mực hòa tan tiếp tục thẩm thấu qua màng lọc thứ hai để theo ống dẫn mực đi lên ngòi bút. Màng lọc thứ hai này có chức năng giữ lại các hạt mực chưa tan hết để tiếp tục hòa tan trong những lần nạp nước sau.
Theo Lam, hai chiếc van một chiều nói trên là ứng dụng một dạng giải pháp được áp dụng phổ biến trong ngành cấp nước, ngành học mà anh đeo đuổi - vào một sản phẩm tiêu dùng cụ thể là chiếc bút. Ở “bút phong cách”, các đoạn thân bút được nối ren nên cũng đóng vai trò là vỏ bút, và do được làm bằng nhựa trong suốt nên người sử dụng có thể dễ dàng theo dõi lượng mực, lượng nước để không bị hết mực giữa chừng.
“Bạn có thể nạp mực bất cứ nơi nào có... nước - Lam hào hứng - van một chiều không cho nước thẩm thấu theo chiều ngược lại nên không dây bẩn mực ra ngoài. Thay vì làm động tác bơm để nạp mực từ bình mực như các loại bút máy, người sử dụng chỉ tiếp xúc và nạp nước, mức độ vệ sinh gần như tuyệt đối. Dung tích ngăn chứa mực khô khoảng 1cm3 có thể hòa tan thành 30ml mực viết dạng lỏng qua nhiều lần nạp nước nên có thể sử dụng một thời gian lâu mới phải nạp lại mực”.
Vậy tại sao lại gọi là “bút phong cách”? Chàng kỹ sư ham sáng tạo cười thích thú: “Mình biết còn nhiều người rất khoái xài bút máy vì nét viết nhỏ mịn và có thể thay đổi độ đậm nhạt theo ý muốn để có được nhiều kiểu chữ sáng tạo hoặc một kiểu chữ độc đáo riêng. Hơn nữa, với những cải tiến nho nhỏ nói trên, người sử dụng loại bút này còn có thể tự pha chế một màu mực “chẳng giống ai” cho riêng mình bằng hóa chất và không bị hết mực nửa chừng”.
Giải pháp bút máy dùng mực ở trạng thái rắn của kỹ sư Nguyễn Thạch Lam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & công nghệ) chấp nhận đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào ngày 17-12-2003. Theo đó, anh là người nộp đơn đầu tiên đối với giải pháp hữu ích này vào ngày 30-10-2003.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận