02/01/2006 10:25 GMT+7

Búp bê lo lắng

PHẠM THỊ BỀN - Khoa GD Đặc biệt - ĐHSP Hà Nội
PHẠM THỊ BỀN - Khoa GD Đặc biệt - ĐHSP Hà Nội

TTO - Cậu học trò ngước mắt nhìn lên đầy vẻ sợ sệt và lo lắng. Đã biết bao lần cô bắt gặp ánh mắt ấy khi nhìn xuống lớp, nhìn vào ánh mắt học trò.

hKdZpx0D.jpgPhóng to
TTO - Cậu học trò ngước mắt nhìn lên đầy vẻ sợ sệt và lo lắng. Đã biết bao lần cô bắt gặp ánh mắt ấy khi nhìn xuống lớp, nhìn vào ánh mắt học trò.

Giao tiếp mắt - mắt, cách mà cô luôn nghĩ là ưu thế để thu hút sự chú ý, cảm nhận được phản hồi từ phía học trò và hiểu được học trò. Ánh mắt của cậu bé thật buồn và ưu tư so với cái tuổi chưa biết đến buồn phiền.

Nó không giống với ánh mắt của các học trò khác luôn mở to như “nuốt” lấy từng lời giảng; tràn ngập vui sướng và tự hào khi bất ngờ khám phá ra những điều lý thú hay hoàn thành xong bài tập nhanh chân mang vở lên cho cô chấm; những ánh mắt tinh nghịch trêu đùa… Có lẽ cũng vì những ánh mắt trẻ thơ trong veo ấy mà cô yêu trẻ con, yêu nghề giáo.

Ánh mắt sợ sệt và lo lắng của cậu học trò ngày nào cũng ám ảnh cô. Cô đã tìm hiểu gia cảnh. Cô thương. Cô dành sự quan tâm nhiều đến cậu bé. Các bạn trong lớp không ai hay biết về sự “chăm sóc đặc biệt” ấy của cô dành người bạn có ánh mắt sợ sệt và lo lắng ấy vì chính các em cũng quá ngây thơ để nhận ra ánh mắt của bạn mình. Sự vô tình ngây thơ ấy của các học trò, cô không buồn, cô càng hiểu mình có tầm quan trọng như thế nào với cậu bé.

Trước khi nghỉ Tết, học sinh nào cũng nhận được một món quà nhỏ “mừng tuổi” của cô. Cậu bé cũng nhận được món quà giống như bao bạn khác. Tan học, cánh cửa lớp như hẹp lại vì học trò nào cũng tranh nhau chen lấn được về nhà nhanh nhanh khi không khí Tết lan toả ngay ngoài cửa lớp. Cậu bé bao giờ cũng là người chậm chân, ra khỏi lớp sau cùng. Cô biết được điều này nên chọn lúc cô tặng cậu bé món quà thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mình.

Món quà đặc biệt năm mới của cô dành cho cậu là một cái hộp nhỏ như bao diêm. Cậu bé rụt rè đưa tay nhận, rụt rè ngước nhìn cô giáo, và run run mở hộp ra khi nghe cô bảo: “Đây là hộp búp bê lo lắng! Con mở ra đếm xem?”. Chiếc hộp được nhè nhẹ mở ra, có 7 con búp bê nhỏ xíu như que diêm được tết lại bằng 7 loại chỉ mầu, nhưng cũng có đủ cả tay chân mắt mũi. Cô nói nhỏ như chỉ cho một mình cậu bé nghe mặc dù trong lớp chỉ còn hai cô trò: “Con hãy để hộp này dưới gối, khi nào có bất cứ lo lắng hay nỗi buồn nào hay nguyện ước gì con hãy nói với từng búp bê… Búp bê sẽ mang nỗi buồn của con đi và mang điều ước đến!”.

…Giải thưởng phần mềm sáng tạo với cái tên là lạ: “Búp bê lo lắng”, nhiều người gạn hỏi nhưng đều nhận được câu trả lời là sự im lặng từ phía tác giả là cậu sinh viên năm nhất - cậu bé của cô ngày nào. Có lẽ, chỉ có cô là người duy nhất biết được bí mật đó và cậu bé chính là giải thưởng dành cho cuộc đời làm nghề giáo của cô.

Búp bê lo lắng đã lắng nghe, đã mang đi biết bao nỗi buồn, nỗi lo lắng của cậu trong suốt thời niên thiếu. Duy chỉ một nguyện ước không bao giờ được thực hiện khi bố mẹ của cậu ra đi vì căn bệnh thế kỷ nhưng búp bê lo lắng đã mang đến biết bao hy vọng cho cuộc sống của cậu…

Cậu bé vẫn luôn mang theo mình hộp búp bê lo lắng ngày nào như một túi bùa hộ mệnh… của tình yêu thương và của niềm tin.

PHẠM THỊ BỀN - Khoa GD Đặc biệt - ĐHSP Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên