TTO - Năm 2011 đã đi qua được một tháng. Đón mùa bóng mới 2011 với những kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới trên sân cỏ trong và ngoài nước, Tuổi Trẻ Online nhìn lại những buồn vui của bóng đá Việt Nam trong năm Canh Dần...
Những dấu ấn kém vui
- Trong chương trình điểm tin thể thao cuối cùng của năm 2010 (tối 31-12) trên VTV1, hình ảnh đốt pháo sáng trên khán đài B sân Lạch Tray được chọn là một trong những sự kiện buồn của bóng đá Việt Nam trong năm 2010.
Theo thống kê, kể từ khi bóng đá Hải Phòng xuất hiện ở V-League tới nay, họ đã bị BTC giải phạt tới 13 lần vì không ngăn chặn được cảnh khán giả mang pháo vào đốt bên trong sân! Đúng là một kỷ lục mà các sân khác không thể phá vỡ, và không loại trừ kỷ lục ấy còn được kéo dài hơn trong mùa bóng 2011.
- Hình ảnh quỳ xuống sân cỏ vái lạy như tế sống trọng tài Vũ Bảo Linh trên sân Cao Lãnh của tiền đạo Lê Công Vinh (T&T) được giới hâm một gọi là hành vi phản cảm nhất trong mùa thi đấu vừa qua.
Khi bị BTC giải treo giò 6 trận và phạt 10 triệu đồng, cầu thủ này còn mạnh miệng tuyên bố rằng :”Nếu không giảm án, tôi sẽ giải nghệ”! Không lâu sau lời tuyên bố thiếu kiềm chế này, Công Vinh đã bị cộng đồng trên mạng xã hội Facebook phản ứng bằng cách thành lập “Hội ủng hộ Công Vinh giải nghệ”.
- Phát biểu sau cái chết của tiền đạo Molina (Argentina, đá cho Bình Dương) do sử dụng ma túy quá liều, tiền đạo Ishamala (Congo, đang khoác áo Đồng Tâm Long An) cho rằng :”Ở V-League có nhiều cầu thủ ngoại sử dụng ma túy lắm…”. Nghe mà giật mình, tiếc rằng phát biểu công khai trên báo chí của cầu thủ ngoại này, lại không được BTC giải hay VFF có chính kiến hoặc biện pháp gì để ngăn ngừa mối nguy hiểm ấy.
Vẫn còn đó điểm sáng thú vị
- Không bảo vệ được ngôi vô địch Đông Nam Á, có thể coi là một thất bại của bóng đá Việt Nam trong năm qua. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều là 2010 được xem là năm thi đấu thành công của bóng đá trẻ Việt Nam. Đó là việc lọt vào vòng 1/16 ở Asiad 16 của Olympic Việt Nam.
Trước đó, bốn đội trẻ như U-16, U-19 (nam), U-16, U-19 (nữ) cùng nhau vượt qua vòng đấu loại để có mặt ở vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Á. Trong đó, đội tuyển U-16 nam có tới hai lần (cách nhau một tuần) đá bại Trung Quốc ở giải Đông Nam Á mở rộng tổ chức ở Indonesia.
Mỗi đội tuyển trẻ Việt Nam đi thi đấu vòng chung kết châu Á, VFF phải mất hơn 4 tỉ đồng (Nhà nước không bao cấp cho bóng đá trẻ nên VFF phải tự lo), bốn đội dự giải mất hơn chục tỉ, nhưng VFF vẫn vui bởi đó là một bước tiến rõ nét sau nhiều năm gầy dựng lại công tác đào tạo trẻ. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tới 4 đội trẻ lọt vào vòng chung kết.
Với “kỷ lục” nói trên của bóng đá trẻ trong mùa thi đấu 2010, VFF được AFC tín nhiệm trao quyền đăng cai tổ chức vòng chung kết giải bóng đá nữ U-19 châu Á (diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10-2011).
- Theo quy định do AFC ban hành, từ năm 2015 trở đi, HLV các CLB chuyên nghiệp trong châu lục phải có bằng A HLV do AFC tổ chức. Hiện tại ở Việt Nam, trừ các HLV lão làng ra thì các nhà cầm quân trẻ- đa phần là cụu tuyển thủ quốc gia- đã hoặc sắp có bằng A nói trên. Cá biệt, có nhiều người vượt qua bằng A loại giỏi, được chọn đi học lớp HLV chuyên nghiệp để trở thành giảng viên bằng C của AFC trong tương lai. Đó là Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hồng Phẩm, Hoàng Anh Tuấn, Lư Đình Tuấn của vài năm trước, trong năm qua, đến lượt Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng.
- Sau kỷ lục- 3 năm thăng ba hạng, Hà Nội T&T vừa nêu một kỷ lục thú vị khác. Đó là CLB duy nhất trong mùa bóng vùa qua, cung cấp đến 15 thành viên cho đội tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia!
- Sau mười năm làm bóng đá chuyên nghiệp, V-League nhận được rất nhiều nguồn tài trợ. Tuy nhiên, ở tuổi lên 10, V-League bất ngờ có được nhà tài trợ rất sộp. Đó là Eximbank với 90 tỉ đồng để trở thành nhà tài trợ chính cho V-League trong ba năm liên tiếp (2011, 2012 và 2013).
Chưa hết, từ năm 2011 trở đi cho đến năm 2030, bản quyền truyền hình của đội tuyển Việt Nam (nam- nữ), Olympic Việt Nam, V-League lẫn cúp quốc gia, đã được VFF bán dài hạn cho tập đoàn truyền thông AVG! Khoản tiền cụ thể không được công bố, nhưng mỗi năm VFF thu về từ AVG không ít hơn chục tỉ đồng.
- Bóng đá Hà Nội được mùa lớn. Hà Nội T&T vô địch V-League trong năm thứ nhì dự giải chuyên nghiệp này; Hà Nội ACB vô địch giải bóng đá hạng nhất và giành quyền trở lại hạng chuyên nghiệp. Cuối năm, đến lượt bóng đá nữ thủ đô đoạt HCV Đại hội TDTT toàn quốc, rồi tiếp đó là chiến thắng trước SLNA bằng loạt sút phạt 11m luân lưu mang về cho T&T danh hiệu vô địch siêu cúp bóng đá Việt Nam đầu tiên.
Một sự kiện thú vị trong dịp kỷ niệm chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
SĨ HUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận