31/12/2006 04:07 GMT+7

Buôn bè trên sông Mã

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TT - Nghề buôn bè luồng (cây luồng, như cây tre) trên sông Mã ở Thanh Hóa có từ lâu đời. Nhiều người ở xã Thiệu Khánh (huyện Thiệu Hóa) đã gắn bó với nghề buôn bè luồng như một nghiệp chính.

KJic3zte.jpgPhóng to
Đi bè trên sông Mã.

Những người đi bè luồng được coi là những người phiêu lưu do thác ghềnh sông Mã không làm hài lòng những người yếu bóng vía... Và cũng một lần khăn gói đi buôn bè.

Ngược dòng sông Mã

Sau nhiều lần thuyết phục, tôi được anh Hoàng Đình Bích, một người buôn bè luồng có tiếng ở bến Thiệu Khánh, cho đi cùng bè. Bích có hơn chục năm lăn lộn trên dòng sông này. Trước khi đi Bích nhìn tôi thăm dò: “Sông dữ, sóng ngầm nhiều, nguy hiểm đấy...”.

Chúng tôi đi đường bộ đến bến đò Co Lương (thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), rồi từ đây mới ngược sông Mã bằng thuyền máy. Chiếc thuyền máy công suất 15 mã lực của anh Bích vèo vèo lướt ngược dòng, nhằm hướng huyện vùng cao Quan Hóa, nơi có vựa luồng lớn nhất tỉnh lao tới.

Những lúc gồng mình vượt qua các ghềnh thác, chiếc thuyền lại chao đảo như chực lật nhào. Bích dặn: “Cứ nhắm mắt ngồi im. Mười năm nay tôi lái thuyền trên con sông này rồi, không lật đâu. Mà nếu lật thuyền thì có mấy khúc luồng trên khoang thuyền đấy, cứ bám vào là sống”.

Tôi nhìn ba khúc luồng, mỗi khúc dài khoảng 4m, vứt chỏng chơ trên khoang thuyền và... ớn lạnh nghĩ tới điều xấu nhất xảy ra. Ngồi trên bè vượt thác, tôi nghĩ mãi hai câu mà những người lái bè thường nghêu ngao: Gập ghềnh nước chảy qua đèo. Ngựa xô xuống bến, thuyền trèo lên non.

Kết bè luồng nơi thượng nguồn

Xế chiều, chúng tôi đến bến đò Chiềng, xã Trung Thành, nơi gặp nhau giữa dòng suối Quýt và sông Mã. Dọc bến đò Chiềng thấy hơn chục đống luồng kết thành từng bè một đã được tập kết ra mép sông.

Tờ mờ sáng hôm sau, Bích dậy rất sớm, giục anh em cùng đi bè ăn sáng, rồi vội vã ra bến đò để kết bè. Năm người đàn ông lực lưỡng, lưng trần ào xuống nước khi màn sương sớm còn dày đặc trên mặt sông, kết từng bè luồng nhỏ đã chuẩn bị trước đó thành một bè luồng lớn. Anh Bích, anh Trung, anh Nam... dùng các sợi thừng to, quấn thoăn thoắt những đầu mối của bè luồng, tạo thành mối liên kết giữa bè nọ với bè kia.

Lạnh thấu xương nhưng dầm mình dưới nước, đánh vật với bè luồng một hồi người tôi đã nóng ran. Trung, một kẻ “buôn bè” như tôi, vừa làm vừa... truyền nghề: “Để có một vạn cây luồng cho đủ chuyến phải chuẩn bị một tuần. Thông thường phải có khoảng ba người ở trên này để nhận hàng của đồng bào từ các xã Phú Lệ, Phú Thanh, Thành Sơn, Trung Thành, Trung Sơn... mang ra bán. Năm nay luồng được giá, thời điểm hiện nay luồng loại một đang có giá khoảng 13.000 đồng/cây, lượng hàng khá dồi dào”.

Theo Trung, những năm trước giá luồng thấp, luồng loại một chỉ 6.000 đồng/cây nên không ai bán, mặc cho luồng già, chết khô hàng loạt trên đồi mà không ai muốn chặt vì tiền bán không lại tiền công.

Bè luồng vượt thác

DW92AkiX.jpgPhóng to
Tôi đi... buôn bè
Khoảng 11g trưa, chiếc bè luồng lớn với hơn 10.000 cây của anh Bích đã được kết xong. Năm anh em cùng “dô ta, dô huầy” kéo hai phần ba chiếc thuyền máy đặt lên phía sau của bè luồng, để mình chiếc chân vịt của thuyền máy chìm dưới nước, rồi lấy dây thừng cột chặt thuyền vào bè. Xong việc, mọi người lua vội mấy bát cơm. Bích miệng còn ngậm tăm nhưng tay đã cầm máy nổ của thuyền bước xuống đuôi bè, kêu lớn: “Lên đường thôi anh em!”.

Chiếc thuyền máy nổ rền vang, nhả khói đen ngòm xuống mặt sông. Bè luồng cựa mình rồi từ từ rời bến. Vài phút sau, chiếc bè đã ra giữa sông, thong thả xuôi dòng. Anh Bích gào vào tai tôi: “Chuẩn bị thật vững tim để qua mấy con thác trước mặt nhé”.

Bè êm đềm trôi. Tôi đang mải ngắm cảnh dọc hai bờ sông thì thấy bè rung lên bần bật suýt chúi nhủi, muốn văng khỏi bè. Những cây luồng được kết chặt như nêm, lúc này muốn vỡ ra. Bè đang qua thác Cánh Kép, con thác khét tiếng trên sông Mã với vô số ghềnh đá hiểm trở. Nước sông đoạn qua thác réo ầm ầm, tung bọt trắng xóa.

Dòng sông lúc này như rộng hơn, hung dữ như con ngựa bất kham. Bích cầm vững lái, miệng liên tục gào to... Phía trước bè, mấy anh em chúng tôi gồng mình, gắng hết sức đẩy chiếc bè khi dịch sang trái, khi sang phải theo lệnh của Bích. Trong chốc lát, chiếc bè luồng tưởng cột chặt như nêm đã bị xô lệch như muốn vỡ tan. Khuôn mặt ai nấy căng thẳng tột độ.

Chợt Trung, Nam tay cầm những sợi dây thừng to, một đầu đã được cột chặt vào bè luồng rồi nhảy ùm xuống dòng thác dữ, bơi nhoang nhoáng vào bờ và ra sức kéo đầu bè về phía đó. Sau hơn mười phút vật lộn với thác Cánh Kép, Trung buông một câu: “Thoát hiểm rồi!”. Ai nấy thở phào.

Xoa đôi tay rơm rớm máu, giọng Trung run run vì lạnh: “Nhiều chuyến vượt qua con thác hung dữ và nguy hiểm nhất này, cả bè luồng vỡ tan, không vớt vát được cây nào. Nhìn những cây luồng vỡ từ bè trôi vuột đi tứ phương, anh em chỉ còn nuốt nước mắt, cố bơi vào bờ thoát thân”.

Nhiều người đi buôn bè bị trắng tay vì con thác này, đành phá sản, phải bỏ nghề. Hơn mười năm làm nghề buôn bè luồng trên sông Mã, nhưng mỗi lần qua con thác này anh em Bích vẫn cầu trời khấn Phật.

Vượt qua thác Cánh Kép, bè lần lượt qua thác Cánh Tạng, Cánh Mớ... Bè trôi trên sông lần lượt đi qua thị trấn Quan Hóa, Cành Nàng (Bá Thước), Cửa Hà (Cẩm Thủy), rồi huyện Vĩnh Lộc, Yên Định... bỏ lại sau lưng những bản làng xinh đẹp, những bãi ngô non, bãi dâu xanh ngắt một màu dọc hai bờ sông và cập bến Thiệu Khánh vào một ngày đẹp trời. Từ đây, mỗi năm hàng chục triệu cây luồng mang thương hiệu “xứ Thanh” tỏa đi Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng...

“Mỗi chuyến đi bè mình lời được bao nhiêu?” - tôi hỏi. Bích cười hiền lành: “Có ai đi buôn bè luồng mà giàu có đâu. Quê mình ít ruộng, buổi nông nhàn anh em rủ nhau hùn vốn đi buôn bè luồng kiếm đồng ra đồng vào. Cố lắm thì mỗi người cũng được vài trăm nghìn đồng giúp vợ nuôi con ăn học. Như anh Trung đây, nhờ bè mà nuôi hai con học đại học, cao đẳng đấy...”.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên