![]() |
Minh họa: Duy Nguyên |
Thế là tiếng cười đầy ám ảnh đó theo tôi luôn vào những giấc ngủ trưa, nhiều lúc tôi mơ hồ nghe được tiếng cười ấy vang lên trong cơn mơ và tôi cất tiếng gọi lớn: “Phố… Phố… Tới đây với anh, bé ơi!”. Nhưng khi giật mình tỉnh dậy trong căn gác nóng như một cái lò lửa tôi mới biết mình vừa nằm mơ. Giấc mơ đẹp ấy diễn ra trong căn gác ngổn ngang những chồng sách vở, mùng mền, chiếu gối, mấy cái gạt tàn thuốc lá đầy ắp và một khoảng không gian hôi hám, tệ hại.
Lúc đó mấy tên bạn ở chung căn phòng trọ đã đi đâu mất, chỉ còn một mình Tịnh đang ngồi soạn bài cho hai giờ dạy kèm một đứa học trò lớp 11 buổi tối. Tịnh hành nghề “gia sư” và học trò của nó là một đứa con gái nhà giàu rất đẹp tên là Tưởng Phố, nguyên nhân những giấc mơ trưa của tôi trong căn gác nóng như cái lò luyện linh đan của Thái thượng Lão quân.
Thấy Tịnh ngồi soạn bài chăm chú, tôi hỏi gấp rút:
- Hình như tao nghe được tiếng cười, bộ con nhỏ học trò mày mới tới cười hả?
Tịnh nhìn gương mặt ngơ ngác của tôi rồi cười:
- Tiếng cười của ma thì có, mày ngủ mơ rồi.
- Tao nghe có tiếng cười rõ ràng nên mới thức dậy.
- Mày bị con nhỏ học trò của tao hút mất hồn rồi nên nằm mơ giữa trưa đấy.
Tôi không thể cãi lại được Tịnh nên đành nhận nụ cười trêu chọc của nó vừa ném vào gương mặt sật sừ, ngái ngủ chưa ra khỏi giấc mơ của mình.
Tưởng Phố không thường xuyên tới căn phòng trọ này, chỉ thỉnh thoảng đôi lần tới báo cho Tịnh biết nàng bận đi đâu đó đột xuất với ba mẹ nên tối đó Tịnh không phải đến nhà dạy. Tưởng Phố luôn luôn đứng bên cạnh chiếc xe đạp mini xinh xắn và bóp lên vài tiếng chuông gọi Tịnh, nhưng tôi luôn là người nghe ám hiệu này trước tiên nên vội chạy ra ban công đứng nhìn xuống, vẫy tay và cười với Tưởng Phố rồi mới gọi Tịnh.
Bao giờ Tưởng Phố cũng cười lại, nụ cười mới dễ thương làm sao, nó vô tư, hồn nhiên không mang ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa “xã giao” nhưng cũng làm tôi ngây ngất suốt buổi. Và trong lúc Tịnh và Phố nói chuyện qua khoảng cách từ lan can lầu ba xuống tới khoảng sân của ngôi nhà, tôi cố ý đứng chầu rìa bên cạnh Tịnh để ngắm Tưởng Phố và chờ cho đến khi nàng về chắc chắn sẽ phải cười một cái để chào tôi sau khi đã chào Tịnh.
Nụ cười “tạm biệt” đó chắc chắn sẽ theo luôn vào giấc ngủ của tôi và hóa thành cơn mơ như tôi đã từng mơ thấy Tưởng Phố.
Nhưng thật quái quỷ, tôi lại ít có cơ hội nói chuyện với Tưởng Phố vì Tịnh luôn là con kỳ đà cản mũi. Nó là một thằng bạn kém thông minh hay quá thừa thông minh để chẳng chịu giúp ích gì cho tôi cả. Đã vậy, một vài lần nó đi dạy kèm Tưởng Phố về còn lên giọng huênh hoang khoe:
- Ê, hôm nay tao nổi sùng khẻ vào tay của đứa học trò mấy thước…sướng thật.
Tôi đang lơ mơ cũng bật dậy ngay:
- Nó có khóc không?
- Tất nhiên là phải khóc rồi.
- Tại sao mày… vũ phu thế?
Tịnh nhe răng cười:
- Tại nó dốt toán, dạy hoài không nhớ làm tao nổi sùng.
- Con gái đẹp thường dốt toán, đó là quy luật của tạo hóa, mày không biết vậy à?
- Nhưng dạy không xong thì làm sao tới tháng tao lãnh lương của ba mẹ nó? Tao là một ông thầy có lương tâm nghề nghiệp.
Tôi nóng mũi:
- Dóc tổ. Tao biết mày… mê nó, nhưng nó không chú ý tới mày ngoài việc xem mày là một “gia sư”. Thế là mày tìm cách đánh nó để trả thù. Hay là để… gỡ gạc bằng cách là khi thấy nó khóc mày nắm tay dỗ dành. Mày là đứa… dê cụ.
Tịnh cũng cáu sườn:
- Chứ không phải mày mê nó đến ngủ cũng mơ thấy tiếng cười. Mày… ghen nó với tao.
Suýt chút nữa tôi và Tịnh nhảy bổ vào nhau để “phải quấy” vì chuyện của giấc mơ nếu không có mấy thằng bạn chung phòng trọ can ra. Và chỉ có lần đó tôi và Tịnh giận nhau hết một tuần lễ. Tôi cuốn gói bỏ đi đến nhà thằng bạn khác, nhưng rồi Tịnh tới tìm chở tôi về và hai đứa giảng hòa với nhau bằng một chầu nhậu lẩu cá kèo, để xác định rằng từ bây giờ Tưởng Phố là người… của riêng tôi.
Căn phòng trọ có năm đứa, mướn của vợ chồng một cán bộ nghỉ hưu. Họ ở phía dưới còn trên lầu cho thuê. Năm đứa ở nhưng chỉ có bốn đứa góp tiền lại đóng tiền phòng hằng tháng, tiền cơm. Tôi được miễn vì hoàn cảnh khó khăn hơn mấy đứa kia, ngoài việc học ra tôi chưa làm gì để kiếm được tiền, nhưng lại thích uống cà phê và có bao nhiêu tiền là mua sách hết, mang về chất đống trong phòng trọ để đọc dần.
Nói đúng hơn, thỉnh thoảng tôi cũng kiếm được chút tiền từ nhuận bút của mấy bài viết được đăng báo nhưng đó là khoản “thu nhập không thường xuyên”. Thế là tôi được đám bạn miễn cho việc “góp phí sinh hoạt”. Nhưng ngược lại tôi được đám bạn giao nhiệm vụ “ôsin”. Công việc của tôi là dọn dẹp phòng, lau sàn, đổ gạt tàn thuốc lá, cuốn mùng, mắc mùng.
Ngoài những công việc đó thời gian còn lại là hoàn toàn của riêng tôi, nhưng phải nhớ ngày hai buổi trưa và chiều về nhà ăn cơm tháng đúng giờ, trễ mười phút thì chịu khó ra xe bánh mì đầu ngõ mua một ổ về gặm qua cơn đói.
Một lần tình cờ Tưởng Phố tới nhà tìm Tịnh để báo tin nàng phải về quê ăn đám giỗ bà ngoại, để Tịnh biết buổi tối không tới nhà dạy kèm. Đó là một buổi chiều mưa thật nhẹ nhàng, thật đẹp. Cơn mưa như đồng lõa với tôi để giữ chân Tưởng Phố lại trong căn phòng chỉ có mình tôi và nàng. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi cứ ngồi im lặng như thóc, chữ nghĩa trong đầu bay mất hết, mãi một lúc sau tôi mới hỏi Tưởng Phố một câu thật vô duyên:
- Bé về quê ăn đám giỗ với ai?
- Đi với ba mẹ chứ với ai? - Tưởng Phố ngạc nhiên hỏi lại.
- Tưởng bé đi một mình chứ.
Tưởng Phố nhoẻn miệng cười:
- Về quê xa lắm chứ bộ anh tưởng gần lắm sao mà em dám đi một mình. Nhưng sao anh lại hỏi thế?
- Để anh… theo bé cho đỡ buồn - Tôi lấy hết can đảm nói.
Không hiểu sao Tưởng Phố lại ngồi im lặng, không có phản ứng gì sau câu nói của tôi. Nàng cứ nhìn qua cửa sổ, ngắm những giọt mưa bay ngoài ấy. Tôi cũng không biết nói gì nữa nên cũng ngồi im nhìn mưa. Và khi cơn mưa tạnh, có một chút nắng vắt qua khung cửa sổ làm cho màu áo trắng của Tưởng Phố nổi bật lên trong căn phòng bề bộn, chật chội và đầy hơi mưa. Bỗng dưng Tưởng Phố quay lại nhìn tôi trách:
- Người ta sắp tốt nghiệp lớp 11 lên lớp 12 rồi mà anh cứ gọi bé hoài.
Tôi cập rập thú nhận:
- Ừ nhỉ, anh cứ quên.
- Chiều nay anh không đi đâu chơi sao?
- Không, anh dại gì đi khi biết chiều nay bé đến chơi.
- Xạo.
Tôi chưa kịp giải thích thì Tưởng Phố đứng lên nói:
- Thôi em về đây.
- Trời còn mưa mà. Ở chơi chút… Tịnh sẽ về.
- Thôi, em nhờ anh nhắn lại được rồi, em phải về vì ba má đang chờ cơm ở nhà, đi lâu quá không được đâu.
Đúng là cơn mưa quái quỷ đã tạnh hẳn, chỉ còn những giọt mưa rớt nhẹ trên cây lá và tôi không có cách gì hợp lý để giữ Tưởng Phố ở lại, đành phải để nàng ra về. Nhưng tôi đã thật sự hốt hoảng khi nàng đứng lên để lại chiếc ghế trống và điều này làm cho căn phòng bình thường chật hẹp mà bây giờ trở nên rộng thênh thang. Tôi đưa Tưởng Phố xuống nhà và tần ngần đứng ngay cửa.
Tưởng Phố kêu lên:
- Anh cản đường không cho em về hả?
- Ba má không la bé đâu, thấy bé không về thì biết bị mưa rồi.
- Sao anh biết không bị la?
- Biết chứ, vì không ai nỡ la bé cả, trừ một người… ngu ngốc nhất trên đời và có thể là trên cả thế giới này.
Tưởng Phố nheo mắt cười:
- Ai vậy anh?
- Tịnh, thầy Tịnh của bé.
- Bộ anh ghét thầy Tịnh lắm hả?
- Ghét thậm tệ, nó chỉ có tài ăn hiếp học trò thôi.
Tưởng Phố cười khúc khích. Nàng định lách người bước qua nhưng tôi lại đứng chắn ngang cửa. Tưởng Phố nhăn mặt hỏi:
- Anh làm gì vậy?
- Anh quyết không cho bé về. Nếu bé về anh cũng sẽ đóng cửa phòng đi luôn không dám ngồi nhìn chiếc ghế trống bé bỏ lại nữa.
- Không dám ở trong phòng thì anh ra phố. Anh là vua lang thang ngoài phố mà.
- Nhưng hôm nay anh không thích lang thang.
- Thôi để em về mà anh.
Tưởng Phố nói như van lơn, đôi mắt nàng nhìn tôi như sắp khóc. Tôi đành phải nhường bước. Lúc Tưởng Phố ngồi lên xe định đạp đi tôi mới sực nhớ và hỏi lớn:
- Bao giờ bé tới nữa?
- Khi đám giỗ bà ngoại xong em trở lên sẽ tới, nhưng nếu mưa thì em ở nhà.
- Sao vậy?
- Vì trời mưa anh sẽ có cớ không cho em về. Em thích đi dưới mưa lắm đó.
Tưởng Phố nhìn tôi rồi cười như trêu chọc và nàng đạp xe ra khỏi khoảng sân ướt đẫm nước mưa. Tôi đứng lặng nhìn theo hai vệt bánh xe của nàng bỏ lại và màu áo lụa trắng mất hút trong dòng xe nối đuôi nhau chật kín con đường.
Áo Trắngsố 37(số 92 bộ mới) ra ngày 15/04/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận