![]() |
Từ trái sang: Ông Ngữ (trái) đang ngồi nghe hai con Nguyễn Hữu Nhâm, Nguyễn Hữu Ất "đọc sách" bằng chữ nổi |
Nỗi đau xé lòng của người dân công mù
Màn đêm buông xuống, cả xóm 6, xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã lên đèn nhưng căn nhà bé tẹo của ông Nguyễn Hữu Ngữ vẫn tối đen như mực. Cả nhà này có ai thấy ánh sáng đâu mà mở đèn.
Ông Ngữ tần ngần kể lại câu chuyện đời mình: “Tôi cũng từng thấy ánh sáng như anh đấy, vậy mà lên 13 tuổi thì mắt cứ mờ dần và bị mù hẳn khi vừa bước sang tuổi 15. Ban đầu thì hãi hùng lắm, chỉ muốn chết cho xong, nhưng dần dần tôi nghĩ còn chân còn tay thì còn phải giúp ích cho đời...”.
Đó là những năm 1970, không quân Mỹ đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt, khắp làng quê Quỳnh Lưu đâu đâu cũng có người bị thương, người chết, nhà cháy, nhà sập. Trai tráng đều ra trận, phụ nữ, người già cũng xung vào dân công.
“Mình là con trai làm sao ngồi yên được. Người sáng làm nhiều, mình mù thì cũng ráng làm bằng nửa người ta cũng được” - ông Ngữ kể. Ông nhờ người dẫn lên huyện đội và ngồi lì cả tuần để xin bằng được vào đội dân công.
Khi khuân vác đồ đạc, khi cõng thương binh... Ban đêm khi cả đội dân công nghỉ thì ông Ngữ hì hục đào hầm, đắp lũy chống bom cho người dân. Ông đã từng được tuyên dương trên chiến lũy vì với sức người mù mà ông lao động còn hơn cả người sáng mắt...
Chiến tranh kết thúc, ông Ngữ vẫn không chịu rời dân công, ông xung phong đi đào kênh, làm các công trình thủy lợi ở khắp các huyện vùng xa của tỉnh Nghệ An.
Nghị lực phi thường của người thanh niên khiếm thị đã làm cô gái dễ thương nhất đội dân công nhưng bị tật điếc bẩm sinh Bùi Thị Thắng đem lòng cảm mến, yêu thương. Đám cưới của đôi vợ chồng khuyết tật ấy được đồng đội tổ chức ngay trên bờ kênh thủy lợi vừa hoàn thành.
Những đứa con kháu khỉnh lần lượt chào đời. Nhưng đôi vợ chồng trẻ chưa kịp nở cụ cười trọn vẹn thì bi kịch khủng khiếp ập đến: hai người con trai Nguyễn Hữu Nhâm, Nguyễn Hữu Ất lần lượt mắc căn bệnh giống như cha - tắt dần ánh sáng!
Quyết không để các con phải sống trong bóng tối như mình, ông Ngữ bán tất cả những gì có được để chạy thuốc cho hai con nhưng bệnh tình ngày càng nặng và cả hai cậu con trai đều mù hẳn khi mới tập tễnh biết đi.
Người dân Quỳnh Giang cho đến giờ vẫn không quên hình ảnh cay đắng tột cùng: ngày ngày người cha mù bỏ hai đứa con mù lòa vào thúng để gánh ra cửa hàng lương thực của thị trấn để chúng mò mẫm lăn lê quanh thúng, còn ông xin vào bốc vác thuê tự mưu sinh chứ quyết không chịu đi ăn xin...
![]() |
Từ trái sang: Hai anh em Ất, Nhâm luyện tập đàn organ |
Năm 10 tuổi, Nguyễn Hữu Nhâm đã biết chống gậy dò đường dẫn em trai đến trường dành cho người khiếm thị tỉnh Nghệ An cách nhà đến 60km.
Với tính cách mạnh mẽ như người cha mù lòa, hai anh em Nhâm, Ất đều là những học sinh xuất sắc nhất của trường khiếm thị và thông thạo đến chín loại nhạc cụ như mandolin, guitar, đàn bầu, organ, trống... Không chỉ học giỏi, hai anh em còn biết tự mưu sinh.
Cứ hết giờ học, hai anh em lại tay đàn, tay gậy lần dò đến các cơ quan, trường học, đám cưới, đám tiệc phục vụ văn nghệ. Kiếm được chút đỉnh tiền là họ đều gửi ngay về quê nhà phụ cha mẹ lo cho gia đình. Nhâm bảo: “Bố, mẹ em đều tật nguyền, cả đời cơ cực vì chúng em, em luôn bảo Ất phải ráng học, tự lập để còn phụ cha mẹ...”.
Sau khi tốt nghiệp trường khiếm thị của tỉnh, Nhâm tình nguyện đi làm thầy giáo ở Quỳ Hợp, cách xa nhà gần 100km. Ngày ấy Nhâm tự nhủ: “Không chỉ đi làm tự lập, tôi còn muốn đi xa vùng đất mà người ta cho rằng bị nhiễm chất độc do bom Mỹ - nguyên nhân làm cha và hai anh em bị mù”.
Năm 2002 Nhâm kết hôn với một thôn nữ thuần hậu ở Quỳ Hợp. Tưởng chừng như sự oan nghiệt đã kết thúc khi cậu con trai đầu lòng của Nhâm ra đời. Nhưng rồi điều khủng khiếp nhất ám ảnh cả cuộc đời cha con ông Ngữ lại giáng xuống đầu gia đình này: đứa bé chấp chới trước ánh sáng ban ngày và rồi chìm sâu vào bóng tối đen kịt.
Vị bác sĩ lắc đầu buồn bã: “Cháu mù thật rồi!”. Đứa bé chỉ mới 2 tuổi nằm lăn trên sàn, hai tay cứ đưa về phía trước như muốn tìm một chút ánh sáng...
Chưa nguôi với nỗi đau tột cùng thì Nhâm nghe tin em Ất đã thôi học ở trường khiếm thị vì người ta không mở lớp cao hơn. Tức tốc đón xe đò trở về quê, Nhâm nắm tay em và hỏi trong nước mắt giàn giụa: “Nếu anh xin cho em đi học với các bạn sáng mắt, em có học được không? Tại sao anh em mình cứ bị cái bóng tối khủng khiếp bao quanh, cứ tự tin xem như mù là một cơn mê thôi em ạ, rồi em cũng sẽ vượt qua số phận này”. Ất không nói, chỉ khóc và gật đầu.
Chỉ sau một năm học chung với học trò sáng mắt, chú bé Ất mù lòa đã được xếp loại học sinh giỏi, đi thi học sinh giỏi cấp huyện khối lớp 9. Học càng lên cao, người ta lại càng thấy nghị lực phi thường của Nguyễn Hữu Ất.
Năm học 2004-2005, Ất lại tiếp tục đạt danh hiệu học sinh giỏi với nhiều môn như văn, toán, tiếng Anh... đều đứng nhất, nhì lớp. Cô Lê Thị Thanh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 của Ất, rất tự hào về cậu học trò khiếm thị của mình: “Chúng tôi không thể hiểu, tất cả các môn học Ất không thể nhìn trên bảng, không thể tham khảo sách vở mà chủ yếu chỉ ghi chép bằng trí nhớ và trí nhớ thật tuyệt vời.
Những bài kiểm tra một tiết Ất trả lời miệng cho thầy cô chỉ chưa đến 15 phút. Không chỉ là học sinh giỏi của trường dành cho người sáng mắt, Ất còn đoạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Thăng Long - Hà Nội”, giải nhất cuộc thi tìm hiểu “Sự ra đời và phát triển của Đài Phát thanh tiếng nói quốc tế Trung Quốc”, giải khuyến khích trong cuộc thi “An toàn thực phẩm” do Đài Tiếng nói VN tổ chức… Ất cũng là một trong mười gương mặt trẻ xuất sắc nhất huyện Quỳnh Lưu do thanh thiếu niên địa phương bình chọn.
Ước mơ của cậu học trò khiếm thị này là sẽ thi đậu vào khoa toán - tin học Trường đại học Sư phạm Hà Nội để đào sâu vào lĩnh vực tin học mà cậu rất yêu thích. Học giỏi là vậy mà mỗi khi về nhà Ất lại chống gậy tìm ra ruộng để giúp mẹ làm việc đồng áng...
Tiếng đàn organ trong ngôi nhà xiêu vẹo, tối tăm của ông Ngữ vẫn vang lên một cách điêu luyện, Ất vừa ngồi đàn vừa nói: “Em tập lại để ngày mai đi phục vụ đám tiệc, nhà cũng đang cần tiền, mẹ lại ốm nên phải đi kiếm thêm thôi ạ”.
Ông Ngữ đã thôi không rơi nước mắt với câu chuyện bi kịch của gia đình mình, ông bảo: “Thấy mấy cháu nên người tôi mừng lắm, cả thằng cháu đích tôn nữa, mù mà khôn lắm, ít khi nào đi bị đụng đầu, nó có sự phán đoán giống cha nó vậy. Cứ tưởng đời mình phải lầm lũi đi mãi trong đêm đen, vậy mà bây giờ tôi đã thấy ánh sáng rồi đấy anh ạ!”...
Kỳ sau: Người tiên phong xóa đêm đen
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận