![]() |
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh |
Tảng đá cạnh bụi tre trước ngõ, đúng chóc rồi! Bạn và tôi cà kê dê ngỗng. Tôi hỏi bạn có nhìn thấy dãy núi cao trước mặt không. Bạn nói có, tên là chi vậy? Tôi kể cho bạn rằng, từ nhỏ tới lớn, tôi ra ngồi đó lúc chiều xuống, khi đêm về. Ánh hoàng hôn phía dãy Hòn Ngang với ráng mây nhiều màu sắc sặc sỡ. Lúc nhỏ tôi thường ngóng má và anh chị đi làm ngoài đồng hay lên núi cắt lá hái củi về. Nhiều lúc trời nhá nhem tối, bóng người ở xa tít, tôi phải vòng các ngón tay lại làm ống nhòm đặt trước mắt để nhìn cho được rõ.
Mặt trời lặn sau dãy núi cả đêm dài, sáng hôm sau lộn ngược mọc ở phía lưng nhà. Lúc nhỏ không có đồng hồ, tôi coi giờ bằng cách nhìn bóng mát mái tranh rọi xuống sân. Lớn lên chút nữa, nhìn mặt trời tôi có thể đoán được thời tiết cho những ngày sắp đến. Cũng rất dễ thôi. Nếu chịu khó để ý sẽ thấy xuân hạ thu đông, bốn mùa tám tiết xoay vần theo chu kỳ. Vạn vật cỏ cây có đời sống theo từng mùa khác biệt. Mỗi loài đều có mùa riêng của nó. Mùa sa nhân, mùa sim, mùa ve, mùa cá…
Tôi lủi thủi một mình nên thường nghĩ vẩn nghĩ vơ. Những ngày gió Lào về, trời nóng hầm hập. Thuở ấy chưa có điện. Dầu lửa phải để dành thắp lúc cần và vặn tim đèn nhỏ xíu. Đêm đêm tôi lót bẹ chuối sứ ngồi hóng mát đến gần khuya cho trời dịu bớt mới vào nhà ngủ được. Ngồi hóng gió, nhìn phía núi thử chừng nào có sấm chớp chuyển mưa. Có khi cây giang khô trên đỉnh núi cọ vào đá tự cháy hay ráng trời vàng khè thì nắng, nóng, gió sẽ còn kéo dài. Nắng nóng, nhiều đêm ròng thức trắng đi đắp nước đập bổi ra mương về tưới ruộng lúa sắp trổ bông. Thiếu nước, lúa sẽ háp không còn một hột.
Cánh đồng trước nhà nuôi lớn tuổi thơ bọn trẻ chúng tôi. Ngoài buổi đi học, hầu như suốt ngày chúng tôi ở ngoài đồng. Bẫy chim bẫy cò bẫy cuốc, thả lờ thả đó thả câu. Mùa hè, mùa đông là hai mùa bắt cá. Mùa hè bắt cá nhét, đào lươn. Mùa đông bắt cá ruộng chứa, ruộng bừa. Trước mùa cá chúng tôi đan rổ bắt cá, đan giỏ đựng cá. Đứa giỏi mới bện được nơm.
Mùa đông, tờ mờ bọn tôi đã cắp rổ ra đồng. Trời lạnh như cắt da. Lúc ấy cá còn vùi mình trong bùn ngủ nướng nên rất dễ bắt. Nhìn tổ cá quây trong bùn đã biết loại cá gì, cá lớn hay nhỏ. “Nhất chạng vạng nhì rạng đông”. Đi bắt cá dễ nhất là nhằm lúc cá đi ăn và lúc cá đi… tìm bạn. “Cá tràu ở khô, cá rô ở nước”, “Siêng đi tát, nhác đi câu, muốn mau đầy bầu về nhà vác nhủi”. Lâu ngày bọn tôi rút ra cho mình nhiều bí quyết về việc bắt cá. Đứa nào có óc phán đoán giỏi sẽ bắt cá giỏi. Đứa bắt giỏi sẽ được (hay bị) gọi là “rái cá”.
Có đứa bạn đi học trễ, tóc tai dính đầy bùn tanh nồng. Ai cũng nghĩ nó nhác tắm trước lúc đi học hoặc đi ngang ruộng mới đắp bờ bị dép bắn lên. Nào ngờ, giờ ra chơi, nó chạy ra ngoài đầu hè thăm thử xâu cá có bị kiến bu không. Thì ra trên đường đi học, gặp cá, cu cậu mê bắt cá hơn mê học.
Chợt bạn hỏi, có bao giờ tôi lên dãy núi vắt ngang phía trước không? Với bạn, dãy núi ấy xa và cao quá. Mây trắng đang trôi bồng bềnh ngang núi. Tôi phì cười, có gì đâu. Lúc chín, mười tuổi, bọn trẻ chúng tôi đã thường xuyên lên dãy núi ấy. Mùa hè lên chân núi đốn củi tươi về phơi, không cần đi xa. Mùa đông phải qua khỏi đỉnh núi mới kiếm được củi khô. Thích nhất lúc lên đỉnh núi, nhìn sang phía bên kia xa tít. Bên ấy cũng có nhà cửa, ruộng đồng… Bên ấy thuộc một huyện khác nên bao nhiêu câu hỏi cứ nảy ra. Người bên ấy có giống với người bên mình không? Sau này lớn lên vượt đèo sang tận nơi bằng xe máy, nhưng cái cảm giác đứng trên ngọn núi lộng gió nhìn sang phía bên kia không thể nào quên được. Người ta nói tuổi nhỏ nhớ lâu, thật chẳng sai.
Lên núi rồi khi quay về mới mệt. Đường xa, củi nặng, bụng đói cồn cào. Nhìn về nhà thăm thẳm. Xuống suối vốc nước uống đỡ đói. Khi đi, nước trong bụng cứ kêu ong óc. Đôi chân mỏi rơ mỏi rớt nhưng cũng phải ráng vác củi về đến nhà chứ không được bỏ bớt đi giữa đường. Người khác sẽ cười chê. Nếu “bỏ củi giữa đường” lần sau cũng sẽ bỏ nữa thôi.
Bạn đến quê tôi đang vào mùa gặt. Lúa vụ Đông Xuân dài ngày nên thường trúng. Ngày trước chờ cho lúa chín dài cả cổ. “Lúa tháng giêng, tiền tháng chạp”. Chịu thêm tháng hai tháng ba, cái đói vàng mắt. Không chỉ bọn trẻ thèm cơm mà người lớn cũng trông lúa chín từng ngày. Trước bữa ăn, bao giờ người lớn cũng khuyên, ráng ăn khoai sắn thêm vài bữa nữa, lúa trên đồng đang chín rồi kìa.
Qua giọng nói, bạn tôi thích cảnh nhộn nhịp vụ mùa. Không thích sao được, lúa vàng óng ả. Én lượn đầy trời. Mùi rơm rạ tươi ngai ngái. Nhà ai đó cúng cơm lúa mới thơm lừng. Vụ mùa, hầu như tất cả lớn nhỏ bé choai đều có mặt trên đồng ruộng. Phụ nữ gặt lúa, đàn ông bó lúa gánh về nhà, trẻ con chăn trâu bò, bắt cào cào châu chấu, bắt cá.
Ngày trước, thuận trời được mùa lúa bao giờ cũng được mùa cá. Bây giờ thủy điện khắp nơi. Không còn đập bổi, cá chẳng còn nơi cư ngụ khi đồng ruộng khô hạn. Để rồi mưa dông, không có từng đàn cá mang bụng trứng căng tròn vàng ươm theo con nước lên ruộng cao đẻ trứng. Chẳng còn có ai đan đó thả lờ, chẳng còn ai cắm câu, cần thỏ. Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt bọ xít, thêm chích điện bằng sò biến áp, không còn lấy một con cá nhỏ.
Bạn nói, đứng trước cánh đồng, gió hiu hiu. Nghe tôi nói chuyện bạn chợt nhớ về tuổi thơ của mình. Giọng bạn trở nên vui vẻ và trong vắt.
Ai cũng có tuổi thơ. Có bạn lớn lên trong sự sung túc, ngập tràn hạnh phúc. Có bạn không được gặp nhiều may mắn. Có bạn lại gặp bất hạnh… Chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra. Tuổi thơ bắt đầu cho sự hình thành nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn. Tính tình người già lộn lại con nít kia mà. Có người nói, hãy kể về những ước mơ thời thơ ấu của bạn, tôi sẽ đoán được tính cách của bạn.
Thuở nhỏ bọn trẻ chúng tôi từng mơ được cơm ba bữa no, mùa đông không còn chịu rét… Những ngày tháng thiếu ăn thiếu mặc ấy, bây giờ chúng tôi biết trong cuộc sống, thế nào là tạm đủ.
Nếu bạn không được may mắn, lớn lên trong một gia đình không đầy đủ hay bất hạnh, điều đó không hẳn là không tốt. Bạn sẽ có nhiều va chạm với cuộc sống đầy khó khăn và bất trắc. Tuổi thơ khó nhọc biết đâu lại là may mắn cho bạn. Cái khó ló cái khôn. Gặp hàng rào lớn đầy gai nhọn hoắt, chỉ có hai cách: quay lại hoặc trèo qua nó. Nếu vượt hàng rào gai, bạn mới tiến được về phía trước.
Bụi tre bạn tôi đang đứng cạnh, xum xuê. Mỗi mùa, măng cứ đâm đất mọc tua tủa. Canh măng tầm vông ngon lắm nhưng nhà tôi không bẻ. Không bẻ măng sẽ có được tre.
Bụi tre cũ cũng xum xuê nhưng đã bị cơn bão Chanchu đánh bật gốc. Trồng tre làm cho đất xấu đi nhưng tôi phải trồng lại vì ngày xưa ông ngoại đã trồng bụi tre chỗ ấy. Không gì thích bằng lúc ngồi trên tảng đá cạnh bụi tre trước ngõ hóng gió, lúc ấy mới thấm thía rằng, có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về…
Áo Trắng số 10 ra ngày 01/06/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận