![]() |
Ông Nguyễn Thành Biên dán băng keo quanh lồng bàn để ngăn bụi than bám vào thức ăn - Ảnh: Anh Thoa |
Trước vấn nạn này, nhiều gia đình đã gửi con đi ở nhà người thân, cửa đóng then cài trốn bụi than.
Ông Sỹ Tấn Xuân, chủ một điểm câu cá giải trí ở ấp Ngãi Thắng, xã Bình Thắng, bức xúc: “Hàng loạt đống than chất cao ngút, khi có gió bụi than quật ngang rải khắp khu dân cư. Tôi phải gửi hai con ở nhà bà con để không bị ảnh hưởng bụi than”. Khi bãi than rầm rộ mọc lên quanh khu dân cư này cũng là lúc điểm câu cá giải trí của ông vắng như chùa bà đanh, chẳng ai thèm câu mấy con cá ô nhiễm.
Dọc đường ĐT 743 nhiều bãi than đá mọc, có những đống than đá “đầu trần” cao ngút, không che chắn hay phủ bạt. Hằng ngày gió cuốn bụi than rải khắp các nhà dân ở xã Bình Thắng và một phần của phường Long Bình, quận 9, TP.HCM. Không chỉ có người dân, người đi trên đường ĐT 743, xa lộ Hà Nội mà ngay cả trụ sở của UBND xã Bình Thắng cũng chịu cảnh bụi than hoành hành. Khi trời nắng, gió mạnh những cơn bão than ào ạt tấn công các phòng làm việc của UBND xã. Than bay vào bám dày các cửa kính, tủ làm việc khiến cán bộ xã cũng khổ sở, bức xúc.
“Ở khu vực này do địa hình núi đá nên rất khó khoan giếng, hệ thống nước máy chưa có nên người dân chủ yếu lấy nước từ nhánh của sông Đồng Nai sử dụng. Nhưng nguồn nước rạch ô nhiễm, rồi nước mưa cũng không hứng được vì bụi than bám đầy các mái nhà. Khi có mưa, cả con rạch Bà Khâm nhuộm một màu đen đặc quánh” - ông Biên than phiền.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trước thực trạng gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch thủ công, tỉnh đã di dời chấm dứt hoạt động 237 cơ sở sản xuất gốm sứ, 184 cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công trong các đô thị, khu dân cư tập trung trong toàn tỉnh. Song tại xã Bình Thắng, từ năm 2007 sau khi lò gạch bị “đuổi đi” thì các bãi than được “rước vào”. Ban đầu là một bãi than lớn rồi hàng loạt bãi than hàng ngàn mét vuông khác ra đời.
Ông Lê Văn Hoàng, phó chủ tịch UBND huyện Dĩ An, nói: “Theo giấy tờ, các điểm kinh doanh than đá này chỉ được làm dịch vụ nhưng trên thực tế họ chế biến, xay, sàng than khiến bụi than bay vào nhà dân. Huyện đã phản ảnh thực trạng này với tỉnh để sớm có giải pháp căn cơ”.
Trong một cuộc họp gần đây bàn việc giải quyết ô nhiễm môi trường, bà Trần Thị Kim Vân, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng hết sức ngỡ ngàng về việc cấp phép cho những bãi than đá này của Sở Kế hoạch và đầu tư. Bà Vân nói có bảy bãi than đá đang đi vào hoạt động ở huyện Dĩ An, trong khi đó theo quy hoạch của huyện đây là những khu dân cư. Một lãnh đạo HĐND tỉnh yêu cầu: “UBND tỉnh phải kiểm tra lại việc cấp phép này. Thời gian qua dân kêu cứu, chúng ta không thể cứ thờ ơ để dân chịu khổ như thế được…”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận