09/07/2009 08:36 GMT+7

Bức xúc chuyện bãi rác Đa Phước

Đại biểu VÕ VĂN SEN
Đại biểu VÕ VĂN SEN

TT (TP.HCM) - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và ba giám đốc sở đã đăng đàn trả lời chất vấn trong ngày làm việc thứ nhì (8-7) của kỳ họp lần 16 HĐND TP.HCM khóa VII. Điểm nóng tập trung vào những câu chuyện sát sườn với đời sống thường nhật của người dân: miếng ăn thức uống chưa an toàn, dịch bệnh, vấn đề môi trường, bêtông hóa vỉa hè...

8unwNZRq.jpgPhóng to

Đại biểu Nguyễn Minh Hương đặt vấn đề sau khi phát hiện thực phẩm không an toàn thì xử lý như thế nào - Ảnh: T.Đạm

Nhiều thực phẩm không an toàn “đi” vào dạ dày!

Đại biểu Nguyễn Minh Hương đề nghị cho biết sau khi phát hiện thực phẩm không an toàn thì xử lý như thế nào? Chúng đã “đi” vào dạ dày của người tiêu dùng?

Bà Hương nói bà hết sức lo lắng khi báo cáo giám sát của Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM cho biết trong năm 2008, kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện tỉ lệ rau củ quả có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 2,72%. Theo giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Châu, kết quả kiểm tra như vậy là có cơ sở. Với các loại rau củ hay các loại thực phẩm không thể lưu giữ lâu thì việc xử lý khi phát hiện vi phạm là hết sức khó khăn.

Theo một số đại biểu, từ khi lấy mẫu rau quả, thủy sản... để kiểm tra đến khi có kết quả mất thời gian khá lâu. Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, lô hàng hóa đó vẫn được bán cho người tiêu dùng. Như vậy, một số lô hàng sau khi có kết quả kiểm nghiệm, phát hiện không an toàn thì lô hàng đó đã “đi” vào dạ dày người tiêu dùng hết mất rồi, còn đâu mà thu hồi để tiêu hủy! “Ai cũng thấy với bộ máy hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm không tăng nhưng chưa có chiều hướng giảm” - giám đốc Châu nhìn nhận.

Đại biểu Võ Văn Sen hỏi ngay: “Giám đốc nói không đủ người, không đủ sức kiểm soát, vậy cần bao nhiêu người nữa mới kiểm soát được tình hình?”. Ông cũng đặt vấn đề cần tăng nhân lực hay phải xem xét lại cách chỉ huy, phối hợp trong quản lý ở lĩnh vực này.

Kiến nghị thanh tra hay kiểm toán dự án bãi rác Đa Phước

Các đại biểu HĐND TP.HCM đã chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đào Anh Kiệt về việc quản lý bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh). Đây là bãi rác do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (Vietnam Waste Solutions - VWS) 100% vốn nước ngoài đầu tư và vận hành. Nói đến bức xúc của cử tri về môi trường quanh bãi rác Đa Phước, đại biểu Dương Văn Nhân phản ảnh hễ lãnh đạo một số cơ quan nhà nước đi kiểm tra thì lúc nào môi trường ở đây cũng tốt, nhưng sau khi lãnh đạo rút về, chỉ một thời gian ngắn là bốc mùi hôi thối và gần đây có đợt ruồi xuất hiện còn hơn là xôi đậu. Ông Nhân cũng gửi gắm nguyện vọng của cử tri là “mong lãnh đạo thường xuyên đến bãi rác Đa Phước”!

vh0inKFD.jpgPhóng to"Yêu cầu thanh tra hay kiểm toán dự án đầu tư bãi rác Đa Phước"

Đại biểu Lê Thượng Mãn đặt vấn đề: theo các báo cáo của UBND TP.HCM cũng như Sở Tài nguyên - môi trường đều cho rằng bãi rác Đa Phước là mô hình tốt nhất, đẹp nhất, thậm chí có báo cáo nói là tốt nhất Đông Nam Á! “Nhưng khi tôi đi vào xem xét cụ thể tại bãi rác ba lần và thấy có một số vấn đề cần được giám đốc trả lời” - đại biểu Mãn cho biết.

Ông chất vấn: Theo phương án đầu tư của dự án, chi phí xử lý rác ngân sách nhà nước phải trả là 16,4 USD/tấn, tính theo công suất 3.000 tấn rác/ngày, chi phí này gần 50.000 USD/ngày hay 1,5 triệu USD/tháng. Như vậy, cần làm rõ cơ sở nào để xác định mức giá xử lý là 16,4 USD/tấn, trong khi một số dự án xử lý rác không phải chôn lấp thì giá xử lý chỉ 9 USD/tấn, thậm chí là 6 USD/tấn.

Mặt khác, dự án bãi rác Đa Phước hứa hẹn làm phân vi sinh (để giảm lượng rác chôn lấp) thì đến nay chưa thấy mà chỉ chôn lấp. Ông Mãn nói tiếp: “Tôi được biết ngân sách thành phố ứng vốn cho VWS 9 triệu USD như một sự hỗ trợ ban đầu và trừ dần qua tiền xử lý rác phải trả cho công ty, đồng thời tạo nhiều ưu tiên cho dự án. Theo số liệu của VWS, công ty đã đầu tư 51 triệu USD. Ai kiểm toán độc lập để xác định công ty đã đầu tư đúng khoản này?”. Ông Mãn cho biết ông đưa ra luận chứng này bởi vì cấu trúc của bãi rác qua đánh giá chưa có gì đặc biệt hơn so với một số bãi rác khác.

Theo giám đốc Đào Anh Kiệt, công nghệ chôn rác như VWS đang làm là tốt nhất hiện nay so với mặt bằng của thế giới và ở nước ta. Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang - người làm luận án tiến sĩ về chôn lấp rác - tranh luận: “Nếu nói công nghệ chôn rác của VWS hiện nay là tốt nhất, tôi nghĩ chưa hoàn toàn chính xác”. Theo ông, từ năm 1991 người ta đã làm, bây giờ đã tiến xa hơn rồi. Ông Quang đặt vấn đề tại sao thành phố chấp nhận giá xử lý 16,4 USD/tấn rác (xử lý chôn lấp) so với các mức giá khác như 9 USD/tấn hay thấp hơn?

“Giám đốc cần có văn bản trả lời cụ thể” - ông Quang đề nghị. Đại biểu Võ Văn Sen đồng tình, kiến nghị Thường trực HĐND TP.HCM yêu cầu thanh tra hay kiểm toán dự án đầu tư bãi rác Đa Phước để việc chất vấn đi vào hiệu lực nhà nước.

Trả lời vấn đề liệu VWS có “mượn đầu heo nấu cháo” hay không (có ý kiến đại biểu phản ảnh VWS được ngân sách ứng tiền trước), giám đốc Kiệt băn khoăn không biết trước diễn đàn HĐND có được phép công bố các số liệu liên quan đến dự án đầu tư bãi rác Đa Phước. “Chúng tôi hứa nếu UBND TP.HCM cho phép thì công bố chi tiết ngay” - giám đốc Kiệt nói và hứa sẽ có văn bản trả lời việc này vì đây là “chuyện tế nhị”, liên quan đến hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài. Ông Kiệt cũng đồng tình với kiến nghị của đại biểu Sen cho rằng cần kiểm toán dự án đầu tư bãi rác Đa Phước. Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đề nghị trước mắt cần có báo cáo cho Thường trực HĐND TP.HCM về dự án này để thông tin lại cho các đại biểu quan tâm.

“Xin tạ lỗi đồng chí Lê Văn Lương”

qf85aw1e.jpgPhóng to
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài - Ảnh: T.Đạm

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Phượng vào buổi chiều, những câu chuyện cũ như công trình “rùa”, ngập nước, kẹt xe... lại được các đại biểu tiếp tục đặt ra nóng hổi và đầy bức xúc. “Xin tạ lỗi hương hồn đồng chí Lê Văn Lương, con đường mang tên ông đã được người dân Nhà Bè gọi là con đường Thê Lương vì xuống cấp trầm trọng, lầy lội đến mức người ta phải dựng biển “Ao nuôi cá sấu” để cảnh báo nhau” - đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân nói.

Theo ông Xuân, các dự án xây lắp cống thoát nước và cấp nước trên tuyến đường dài hơn 3km này lẽ ra hoàn thành từ tháng 7-2008 nhưng đến nay đã trễ hẹn một năm và chưa biết bao giờ xong.

Đại biểu Lê Văn Trung đưa ra những con số cho thấy việc các quận trung tâm đua nhau bêtông hóa vỉa hè là phản khoa học và “tát nước theo mưa”. Theo ông Trung, hậu quả nhãn tiền của việc bêtông hóa vỉa hè là có thêm khoảng 60% lượng nước mưa dồn xuống lòng đường khiến tình trạng ngập lụt đô thị càng tồi tệ hơn. Ông Trần Quang Phượng cho rằng các vỉa hè vốn đã “cứng sẵn” nên có bêtông hóa thì cũng không ảnh hưởng đến khả năng thẩm thoát nước. Ông Phượng nói việc bêtông hóa vỉa hè là trách nhiệm của các quận và “rất may là sở đã phát hiện và điều chỉnh kịp thời”.

Không chấp nhận cách giải thích này, đại biểu Nguyễn Thế Thanh quy trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải là không hướng dẫn chuyên môn cho các quận và giám đốc sở phải nhận trách nhiệm trong chuyện này. Các đại biểu cũng đề nghị giám đốc Sở Giao thông vận tải phải có biện pháp xử lý tình trạng các công trình xây dựng hệ thống thoát nước dựng “lô cốt” tràn lan, thi công chậm trễ gây kẹt xe và khi làm xong không tái lập mặt đường gây nguy hiểm cho người đi đường.

Thay mặt UBND TP.HCM giải trình chất vấn của các đại biểu, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài cho biết những vấn đề đặt ra không thể giải quyết một lúc hết được. Về quảng cáo trên xe buýt, ông Tài khẳng định UBND TP.HCM chẳng những không cấm mà còn ủng hộ, nhưng cần hết sức thận trọng để tránh tình trạng không kiểm soát như đã xảy ra với quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên truyền hình.

Ông Tài cho biết từ năm 2008 đã giao Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính tính toán đề xuất phương án nhưng đến nay chưa thấy báo cáo, chỉ nghe người này người kia nói mỗi năm thu được 100 tỉ đồng. “Nói là nói vậy nhưng đề án thì không có, hỏi 100 tỉ đồng ở đâu ra thì không ai trả lời được” - ông Tài giải thích.

"Nhìn chung phần trả lời chất vấn của các giám đốc sở có thể hiện trách nhiệm, có tự phê bình và một số vấn đề có hướng xử lý. Tuy nhiên cũng có những vấn đề mà giám đốc sở còn trả lời lòng vòng, không làm các đại biểu hài lòng. Sắp tới các sở ngành và UBND TP.HCM cần tổ chức bộ máy và làm rõ các địa chỉ trì trệ trong phối hợp để điều hành công việc hiệu quả hơn"

Đại biểu VÕ VĂN SEN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên