Bảy người này là các ông Phạm Bá Ri, Phạm Đông Thanh, Phạm Danh, Phạm Sử, Phạm Đông Nghiệp, Nguyễn Hồng Xuân và Nguyễn Tấn Quang. Gia đình bảy ông này cùng 16 hộ dân khác được giao hơn 7ha đất rừng trồng keo, bạch đàn tại rừng Trũng Cỏ Lá.
Theo lời kể của ông Phạm Bá Ri, 23 hộ dân đã bỏ công sức mở một con đường khoảng 3km để người và ôtô vào làm rừng và chở keo, bạch đàn. Ngày 29-5-2012, ông Lê Văn Hoa và ông Nguyễn Trưng mua gỗ rừng kế bên, thuê xe chở gỗ qua con đường trên và làm hỏng một số cây con của 23 hộ dân. Bảy người trên có mặt và dừng xe lại, yêu cầu đi đường khác nên ông Hoa, ông Trưng thỏa thuận hỗ trợ 500.000 đồng để sửa đường và cây bị hư.
Sau đó, cả chín người cùng đi ăn thịt chó và uống rượu hết 380.000 đồng, còn 120.000 đồng để lại cho ông Nguyễn Hồng Xuân để đổ xăng đi lại chăm sóc rừng. Bẵng đi sáu tháng sau, bảy người được Công an huyện Sơn Tịnh mời đến làm việc. Nhiều tháng sau đó, bảy người đã bị công an huyện mời thêm ba lần nữa. Cho đến hơn một năm kể từ khi sự việc xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Tịnh đã ra quyết định ký ngày 3-7-2013 khởi tố vụ án hình sự cưỡng đoạt tài sản (chặn xe chở gỗ lấy tiền) và khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với bảy người.
Ngày 19-9, chúng tôi làm việc với thượng tá Nguyễn Hoàng Anh - phó đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội và ma túy Công an huyện Sơn Tịnh cùng thượng úy Nguyễn Thanh Dân - cán bộ điều tra vụ án. Đặt câu hỏi bảy người nhận 380.000 đồng để đi nhậu chung, có cả “bị hại” cùng đi mà bị khởi tố vụ án, bị can có đáng không? Thượng tá Nguyễn Hoàng Anh cho biết tội này không phụ thuộc số tiền mà căn cứ vào hành vi.
Ông Phạm Vinh - chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh - xác nhận vụ việc này các cơ quan nội chính của huyện có báo cáo và thường vụ Huyện ủy thống nhất khởi tố vụ án. Ông Vinh cũng nói hành vi cưỡng đoạt tài sản không phụ thuộc vào giá trị vật chất. Ông nói thêm từ khi keo, bạch đàn có giá thì tình hình tranh chấp đất trồng rừng ở Tịnh Hiệp phức tạp, vì thế phải xử lý để răn đe!
Không đáng để khởi tố Tội “cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 135 Bộ luật hình sự. Đây là tội danh có thể khởi tố mà không cần phải có đơn tố cáo hay yêu cầu của người bị hại. Mặt khác, đây cũng là tội danh có cấu thành tội phạm hình thức. Tức là hành vi phạm tội được xác định dựa vào dấu hiệu của hành vi, không phụ thuộc vào hậu quả hay giá trị tài sản. Chẳng hạn hành vi cướp tài sản, dù chỉ cướp một cái nón trị giá 20.000 đồng vẫn có thể bị truy tố về tội cướp tài sản. Tuy nhiên, dấu hiệu đặc trưng của tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”. Về mặt chủ quan phải là sự “cố ý”, có tính toán nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Ở đây, dấu hiệu chặn xe có thể phần nào xem là có biểu hiện của sự “đe dọa” hay “uy hiếp tinh thần”. Tuy nhiên, việc này xuất phát từ việc người lái xe (do ông Hoa và ông Trưng thuê) đã có hành vi làm hư hại cây trồng. Do vậy, có thể hiểu bảy người chặn xe là nhằm mục đích bảo vệ tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại chứ hoàn toàn không phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, chính ông Hoa và ông Trưng cũng thừa nhận mình có lỗi nên đã vui vẻ đồng ý bồi thường. Do vậy, theo tôi, không có hành vi phạm tội ở đây. Cũng cần nói thêm là nếu chỉ nhìn vào cuộc nhậu thì thấy số tiền bồi thường tuy là của chung 23 hộ, nhưng lại bị bảy người chiếm cho riêng mình phần lớn (để nhậu). Nên có chăng cũng chỉ có thể xem là có lỗi. Lỗi này thuần túy là vấn đề dân sự, tư cách đạo đức, hoàn toàn không phải là dấu hiệu của hành vi phạm tội. Hơn nữa, bất luận thế nào thì số tiền trên cũng rất nhỏ, hậu quả không đáng kể và xuất phát từ việc có lỗi của bên kia. Do vậy, theo tôi, việc khởi tố hình sự trong trường hợp này là không đúng luật, không cần thiết. Có dấu hiệu “hình sự hóa” vấn đề. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận