U-19 Việt Nam (áo đỏ) trong trận thua Úc 1-2 - Ảnh: The-afc.com
Trước khi thất bại ở Giải U-19 châu Á 2018, đội U-19 VN đã liên tục bị loại ở vòng bảng Giải vô địch Đông Nam Á 2017 và 2018. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Giải U-19 Đông Nam Á, U-19 VN không thể vượt qua vòng bảng 2 năm liên tiếp.
Gây thất vọng không kém U-19 VN là đội U-16. Năm 2017, U-16 VN đoạt chức vô địch Giải U-16 Đông Nam Á (thời điểm đó là Giải U-15 Đông Nam Á) sau khi thắng Thái Lan ở loạt sút luân lưu. Những tưởng ngôi vương ở đấu trường khu vực sẽ trở thành bệ phóng cho U-16 VN trong tương lai nhưng các học trò của HLV Vũ Hồng Việt lại có dấu hiệu chững lại đáng tiếc khi không vượt qua vòng bảng Giải U-16 Đông Nam Á 2018.
Tại Giải U-16 châu Á vừa diễn ra tháng trước, U-16 VN bị loại ở vòng đấu bảng (gồm Indonesia, Ấn Độ và Iran) với chỉ 1 điểm sau 3 trận. Thành tích này có thể xem là bước lùi với U-16 VN bởi cách đây 2 năm, đội U-16 VN đã chơi rất hay và lọt vào tứ kết Giải U-16 châu Á 2016.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về thất bại của các đội bóng trẻ VN, cựu tuyển thủ Nguyễn Văn Dũng (HLV phó đội Nam Định) cho biết: "Thất bại của U-16 rồi U-19 VN có điểm chung nhất là các tài năng trẻ có quá ít cơ hội để thi đấu. Mỗi năm, một cầu thủ trẻ đá không quá chục trận trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia tùy theo lứa tuổi. Ngần ấy trận đấu là quá ít, còn lại là chuỗi thời gian quá dài chỉ gói gọn với quy trình ăn và tập".
Đồng tình với nhận định của ông Dũng, cựu tuyển thủ Trần Công Minh (HLV trưởng CLB Đồng Tháp) nói thêm: "Quanh đi quẩn lại trong nhiều năm qua, thành phần cầu thủ được gọi vào U-16 hay U-19 VN đều đến từ những trung tâm hay lò đào tạo trẻ quen thuộc như: Viettel, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tháp, PVF... Trong khi đó, nhiều CLB chuyên nghiệp vẫn phải chạy ngược chạy xuôi để thuê, mượn cầu thủ trẻ rồi gom thành đội đại diện địa phương hay CLB đi dự giải quốc gia. Chân đế không rộng và mạnh thì HLV trưởng các đội tuyển trẻ quốc gia làm sao có cơ hội để quan sát, tuyển chọn nhân tài...".
Trong khi đó, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho biết: "Chúng ta chưa có hệ thống tuyển chọn, đào tạo thống nhất trên bình diện cả nước một cách quy củ và bài bản. Do vậy khi gọi cầu thủ tập trung vào đội tuyển, ban huấn luyện quá mất thời gian cho việc lắp ráp, uốn nắn các em vào một cách chơi chung nhất. Hệ thống thi đấu vừa ít lại vừa mỏng, cầu thủ trẻ khó có cơ hội lẫn động lực để chứng minh năng lực chuyên môn".
Đó là chưa kể những lý do ngoài chuyên môn khác khiến các đội bóng trẻ thất bại. Tiêu biểu như việc sau khi vô địch Giải U-16 Đông Nam Á, một số cầu thủ U-15 VN chây lười tập luyện, liên tục vướng vào các quy định sinh hoạt của đội tuyển. Khi được ban huấn luyện nhắc nhở, họ phản ứng, thậm chí còn kết nhóm với nhau lên mạng xã hội để chỉ trích, mạt sát HLV của mình... Đó là lý do khiến một số cầu thủ vô địch U-15 Đông Nam Á không được khoác áo đại diện cho U-16 VN dự vòng chung kết châu Á vào tháng 9 vừa qua ở Malaysia.
Không nên chỉ trích các cầu thủ
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng người hâm mộ VN ngộ nhận bóng đá trẻ VN đang có bước tiến thần tốc. Sự thành công ấy không thể phủ nhận, nhưng đó là thành quả đào tạo trẻ của một số ít CLB hay lò đào tạo trẻ mà thôi. Trong khi đó vẫn còn rất nhiều CLB chuyên nghiệp bỏ trắng công tác đào tạo cầu thủ trẻ.
Ông Xương khuyên: "Xét về góc cạnh chuyên môn, xin đừng quá nặng lời chỉ trích về việc thi đấu chưa như ý của U-19 VN ở vòng chung kết châu Á lần này. Quan trọng nhất là làm sao vực dậy tinh thần, giúp các em đứng dậy mạnh mẽ, tạo cơ hội cho các em được cọ xát, thi đấu nhiều hơn trong tương lai bởi lứa U-19 hiện tại sẽ là thành phần trụ cột của đội tuyển U-22 VN ở SEA Games 2021 mà chúng ta là nước chủ nhà...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận