
Các cầu thủ trẻ sẽ được giảm tải ở SEA Games nếu đề xuất của Thái Lan được AFC đồng ý - Ảnh: N.KHÔI
Cụ thể, môn bóng đá nam ở SEA Games 2025 có thể sẽ chia làm 3 bảng đấu theo đề xuất của chủ nhà Thái Lan, thay vì 2 bảng đấu như truyền thống.
Áp lực quá tải lên các cầu thủ trẻ
Trước tiên hãy nói về tính đối xứng truyền thống của làng bóng đá, đó là việc chia đôi các nhánh đấu. Trong lịch sử bóng đá, người hâm mộ vốn đã quen với công thức đối xứng ở tất cả các giải đấu, khi số lượng đội bóng và số lượng bảng đấu luôn là một bội số của 2. Ví dụ, con số đội bóng dự giải thường thấy là 4, 8, 16 hoặc 32.
Với SEA Games, vì đặc thù chỉ có 11 quốc gia và lại là một kỳ đại hội thể thao, ban tổ chức không thể tạo ra giải đấu vòng loại (để tinh gọn còn 8 đội), giai đoạn vòng bảng được chia làm 2 bảng: một bảng 5 đội và một bảng 6 đội. Trong hai kỳ SEA Games gần nhất, nhờ Brunei không dự nên số đội bóng tham dự môn bóng đá nam là 10 đội, chia làm mỗi bảng 5 đội.
Ở kỳ SEA Games 2019 tại Philippines, Việt Nam rơi vào bảng 6 đội và phải trải qua một lịch thi đấu dày đặc với 5 trận đấu trong vỏn vẹn 11 ngày. Tính đến chung kết, Việt Nam phải đá 7 trận đấu trong vòng 17 ngày.
Đó rõ ràng không phải con số phù hợp với thể trạng của các cầu thủ trẻ. Làng bóng đá thế giới nhiều năm gần đây đã đứng trước tranh cãi dữ dội về việc cầu thủ bị quá tải.
Nhiều HLV tên tuổi như Carlo Ancelotti đã tuyên bố thẳng thừng rằng đội bóng của ông sẽ không ra sân nếu ban tổ chức, các cơ quan quản lý (như UEFA, FIFA) không đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi giữa hai trận đấu là đủ 72 giờ đồng hồ (tức trọn vẹn 3 ngày).
Đối chiếu theo lịch SEA Games các kỳ gần đây, khoảng thời gian nghỉ ngơi mỗi trận của các cầu thủ trung bình chỉ vào khoảng 67 - 70 giờ đồng hồ.
Từ đó, việc chủ nhà Thái Lan đề xuất chia làm 3 bảng đấu để giảm bớt số lượng trận đấu cho mỗi đội là một đề xuất hợp lý.
Sẽ tăng tính sôi động
Vì số đội tham dự bị lẻ nên nếu chia 3 bảng sẽ có 2 bảng 4 đội và 1 bảng 3 đội (nếu số đội là 10 thì sẽ có 1 bảng 4 đội và 2 bảng 3 đội).
Tính công bằng không được đảm bảo trong trường hợp này. Lý do là những đội thi đấu ở bảng 3 đội nhìn chung sẽ có nhiều ngày nghỉ ngơi hơn. Vì vậy, họ sẽ chiếm lợi thế nhất định trước vòng bán kết.
Phép tính cũng sẽ phức tạp hơn khi chỉ có 3 đội nhất bảng, và đội nhì bảng được chọn vào bán kết sẽ phải trải qua cuộc đua về hiệu số. Tính công bằng cũng trở nên bấp bênh bởi chắc chắn sẽ có bảng đấu khó hơn, bảng dễ hơn... Để đảm bảo tính công bằng đó, làng bóng đá đã ra sức duy trì công thức đối xứng trong nhiều thập niên.
Nhưng càng về sau, FIFA và UEFA lại đang dần nghiêng về công thức "bất đối xứng". Điển hình là Euro đã tăng từ 16 đội lên 24 đội, World Cup tăng từ 32 lên 48 đội. Và Champions League cũng tăng từ 32 lên 36 đội.
Một giải đấu đỉnh cao, là trung tâm của làng bóng đá như Euro cũng áp dụng cuộc đua dành cho đội hạng ba có thành tích tốt trong bảng, tạo nên vô số cách tính phức tạp. Tính công bằng khó lòng đảm bảo, nhưng tính sôi động thì có thừa. Những trận đấu vô thưởng vô phạt gần như bị loại bỏ.
Nếu cả thế giới đều đã mạnh dạn bước ra ngoài khuôn khổ, không có lý do gì để SEA Games mãi trung thành với cách tổ chức cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận