27/03/2016 09:15 GMT+7

Bóng đá Gia Lai, chuyện bây giờ mới kể

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Ông Phạm Văn Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên giám đốc Sở TDTT Gia Lai - kể lại những câu chuyện của cái thời chuyển bóng đá nhà nước sang tư nhân đầy vất vả...

Xuân Trường (áo đỏ) đã làm dậy sóng sân Mỹ Đình với hai đường chuyền giúp Văn Toàn và Công Vinh trong trận thắng 4-1 trước Đài Loan hôm 24-3 - Ảnh: Nam Khánh
Xuân Trường (áo đỏ) đã làm dậy sóng sân Mỹ Đình với hai đường chuyền giúp Văn Toàn và Công Vinh trong trận thắng 4-1 trước Đài Loan hôm 24-3 - Ảnh: Nam Khánh

Đã nhiều lần đề nghị được viết về ông, về những câu chuyện của ông với bóng đá Gia Lai nhưng ông một mực từ chối vì sợ “người ta nói háo danh”. Phải đến dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thể thao VN (27-3-2016), trong một phút cao hứng, ông đã đồng ý.

Quyết định chuyển giao đội bóng cho tư nhân quản lý là quyết định khó khăn nhưng đó là xu thế không thể đảo ngược

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT PHẠM VĂN TUẤN

Thấm thía phận quân xanh

Ông Tuấn chia sẻ trong các cuộc họp với chính quyền địa phương ở xã An Phú, TP Pleiku, ông quen với ba ruột của ông Đoàn Nguyên Đức, lúc đó là trạm trưởng trạm y tế xã An Phú. Khi ông Tuấn lên làm giám đốc Sở TDTT, đội bóng Gia Lai đang thi đấu ở Giải hạng nhì và gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí eo hẹp. Biết được doanh nhân Đoàn Nguyên Đức là con người quen, ông Tuấn đã tìm đến với hi vọng có thể nhờ hỗ trợ đội bóng quê hương.

Ông Tuấn kể: “Lúc đầu tôi nhờ anh Đức giúp đỡ đội nhi đồng Gia Lai - đội bóng mà người hâm mộ Gia Lai quan tâm nhất và sau đó là đội tuyển Gia Lai. Anh Đức hỏi tôi: Anh muốn tôi giúp gì cho đội bóng? Thời điểm đó, cầu thủ Gia Lai ăn lương của Sở TDTT nên rất nghèo (chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/tháng), nên tôi nói với anh Đức rằng lương cầu thủ thấp lắm, anh làm sao giúp cho họ có được thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng. Anh Đức gật đầu ngay, và thế là hằng tháng anh mang tiền hỗ trợ đội bóng, cầu thủ, ban huấn luyện. Từ sự giúp đỡ vô điều kiện này, tôi và anh Đức có cùng quan điểm làm bóng đá vì lòng tự ái trong sáng và quyết tâm để mọi người biết đến Gia Lai ở đâu”.

Ông Nguyễn Tấn Anh - trưởng đoàn bóng đá HAGL - kể: “Ở cương vị người đứng đầu ngành thể thao một tỉnh lẻ, ông Tuấn thấm thía nỗi niềm của một CLB suốt đời làm “quân xanh” cho các đội bóng lớn. Vì vậy, dù chưa được sự đồng thuận cao của các cơ quan chức năng trong tỉnh, ông đã có một quyết định hết sức táo bạo: đổi tên đội Gia Lai thành đội HAGL đăng ký với LĐBĐVN (VFF) tham dự Giải hạng nhất 2001 - 2002. Theo thỏa thuận, Sở TDTT Gia Lai chịu trách nhiệm về phần chuyên môn, pháp lý và phần trả lương cứng, Công ty Hoàng Anh Pleiku trả phần lương chênh lệch cho cầu thủ, tiền thưởng, tiền thuê cầu thủ ngoại... Đúng một năm sau, tháng 8-2002, từ đề xuất của Sở Thể thao, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Vỹ Hà ký quyết định thành lập CLB bóng đá HAGL và giao cho doanh nghiệp Hoàng Anh Pleiku quản lý. Sở TDTT chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước”.

Cái bắt tay làm thay đổi diện mạo bóng đá Gia Lai của ông Phạm Văn Tuấn và bầu Đức - Ảnh: S.H.
Cái bắt tay làm thay đổi diện mạo bóng đá Gia Lai của ông Phạm Văn Tuấn và bầu Đức - Ảnh: S.H.

Lên bờ xuống ruộng

Năm 2001, việc xã hội hóa bóng đá bằng cách gắn tên doanh nghiệp vào tên đội bóng địa phương vẫn còn mới mẻ ở VN. Thời điểm đó, ngoài HAGL mới chỉ có ông Võ Quốc Thắng gắn tên Đồng Tâm vào đội Long An. Không nói ra nhưng ai cũng biết, tư duy và cách làm đột phá để cho doanh nghiệp tư nhân gắn tên vào đội bóng nhà nước của ông giám đốc sở Phạm Văn Tuấn khi đó đã gặp phải những trở ngại rất lớn.

Việc gắn tên mới cho đội bóng Gia Lai đã khiến ông Tuấn nhiều phen lên bờ xuống ruộng vì bị dư luận, lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp, ngành phản đối. Người phản đối kịch liệt, người ủng hộ, cũng có dư luận không đồng ý mang tên CLB Hoàng Anh Gia Lai mà phải là Gia Lai Hoàng Anh. Vì thế ông Tuấn cũng không ít lần bị gọi lên yêu cầu giải trình, kiểm điểm về cách làm không giống ai của mình, thiếu chút nữa bị kỷ luật vì chưa có chủ trương. Ông Tuấn chia sẻ: “Sau hơn 40 năm gắn bó với thể thao, tôi đã cống hiến hết mình cho nghề nghiệp mà tôi đã chọn. Điều khiến tôi tự hào nhất trong đời mình là dám đối đầu với khó khăn của thời kỳ mà hầu hết đều còn lạ lẫm với việc giao thể thao cho tư nhân, để rồi hôm nay bóng đá Gia Lai mới có CLB HAGL; mới có những ngôi sao trẻ được nhiều người yêu mến như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh...”.

Bị kiểm điểm vì... Kiatisak

Muốn phát triển đội bóng cần có những HLV, cầu thủ giỏi, qua giới thiệu của HLV Lê Đình Chính, ông Tuấn đã hai lần vào TP.HCM mời chuyên gia Nguyễn Văn Vinh về làm giám đốc kỹ thuật cho CLB HAGL. Do ông Vinh cũng đã tuyên bố sẽ không hoạt động bóng đá nữa nên ông Tuấn không dễ dàng thuyết phục ông Vinh. Chỉ sau khi có cuộc gặp giữa ông Tuấn, ông Vinh và bầu Đức tại quán Nice trên đường Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM và nghe những tâm sự thật lòng của ông Tuấn, ông Vinh mới bị thuyết phục và nhận lời về HAGL. Đây cũng là lần đầu tiên một CLB ở VN có chức danh giám đốc kỹ thuật.

Sau đó, ông Tuấn còn mời một loạt cầu thủ giỏi nữa về cho HAGL như Văn Sỹ Hùng, Ngô Quang Trường, Nguyễn Hữu Đang... Thế nhưng, phi vụ Kiatisak mới chính là “cú đánh” ấn tượng của ông Tuấn và bầu Đức. Và ít ai biết rằng ông Phạm Văn Tuấn cùng ông Nguyễn Tấn Anh là người đề xuất và thực hiện các công việc và cũng là người ký giấy mời cho đại diện của HAGL tại Singapore để mời Kiatisak sau khi bàn bạc với bầu Đức.

Ông Nguyễn Tấn Anh kể: “Kết thúc giai đoạn 1 Giải hạng nhất 2001 - 2002, HAGL đứng vị trí thứ 3 và cơ hội thăng hạng lên V-League rất lớn. Lúc đó, giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh đề nghị tăng cường tiền đạo và thủ môn để nắm cơ hội thăng hạng. Tình cờ biết tin Kiatisak sẽ chia tay CLB Armed Force (Singapore), ông Tuấn đã bàn bạc cùng bầu Đức đi đến quyết định phải mua bằng được Kiatisak về HAGL.

Sau khi liên hệ với Kiatisak, anh ấy trả lời rằng cơ hội anh ấy đến HAGL là có. Tuy nhiên, lần đầu đưa ra mức lương, bầu Đức chỉ nhận được sự im lặng của phía Kiatisak. Thấy tình hình không ổn, bầu Đức quyết định tăng gấp đôi lương, khi đó đại diện của Kiatisak mời HAGL sang Thái Lan thương thảo hợp đồng. Sau cuộc đàm phán bốn giờ, bầu Đức đã chuyển toàn bộ tiền chuyển nhượng và số tiền lương ứng trước vào tài khoản của CLB Rajpracha và Kiatisak từ tài khoản của công ty đại diện tại Singapore”.

Nhớ về ngày đón Kiatisak ở sân bay Pleiku, ông Tuấn kể: “Hôm đó là thứ hai, sau khi chào cờ đầu tuần xong tôi cùng anh Đức ra sân bay để đón Kiatisak từ Thái Lan sang. Ai ngờ đến sân bay, hàng ngàn người dân đi xe máy đã phục sẵn để gặp Kiatisak và sau đó còn về tận trụ sở doanh nghiệp Hoàng Anh. Tại đây chúng tôi bất đắc dĩ phải tổ chức họp báo với rất nhiều phóng viên trong nước và quốc tế có mặt đưa tin về sự kiện. Sau việc này tôi cũng bị gọi lên kiểm điểm do thời điểm đó UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo quốc tế về một số vấn đề căng thẳng tại Gia Lai mà tôi không biết. Các phóng viên báo chí quốc tế thấy rất đông người dân đi đón Kiatisak thì họ theo luôn dòng người đó đến tận xí nghiệp Hoàng Anh khiến cuộc họp báo của UBND tỉnh bất thành”.

Từ cầu thủ đến phó tổng cục trưởng

Gốc là dân Bình Định, nhưng ông Tuấn sinh ra và lớn lên tại Gia Lai. Thời trai trẻ, ông khoác áo đội tuyển bóng đá Gia Lai từ năm 1973 cho đến năm 1985. Trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, ông Tuấn vừa là cầu thủ vừa là cán bộ nghiệp vụ của Ty TDTT Gia Lai - Kon Tum. Cho đến thời điểm này, có thể nói ông Phạm Văn Tuấn là cầu thủ bóng đá hiếm hoi ở VN lên đến chức giám đốc sở thể thao một tỉnh (năm 1997) và đảm nhiệm vị trí này suốt 12 năm. Rồi tiếp đến, năm 2009, ông ra Hà Nội giữ chức phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đến nay.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên