20/06/2005 02:23 GMT+7

Bỏng cháy đam mê viết báo

HOÀI LINH
HOÀI LINH

TT - Với chúng tôi, mỗi khó khăn là một thử thách. Nhưng với niềm đam mê nghề báo, chúng tôi luôn tin rằng ước mơ trở thành phóng viên của tờ báo do chính mình thực hiện sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa...

nyopQMVY.jpgPhóng to
Phút thư giãn của các bạn: Hoàn, Cung và Lý (từ trái sang)
TT - Với chúng tôi, mỗi khó khăn là một thử thách. Nhưng với niềm đam mê nghề báo, chúng tôi luôn tin rằng ước mơ trở thành phóng viên của tờ báo do chính mình thực hiện sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa...

Ước mơ tuổi thơ

Từ ngày còn bé, Đài Tiếng nói VN đã là người bạn rất thân của chúng tôi. Do bị khiếm thị từ nhỏ nên việc tiếp xúc với xã hội bị rất nhiều hạn chế. Có rất nhiều điều muốn giải đáp nhưng chúng tôi không biết hỏi ai hoặc nếu có hỏi cũng chỉ nhận được những câu trả lời không rõ ràng. Do vậy, đài chính là người bạn đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về môi trường xung quanh.

Từ ấy, trong trái tim chúng tôi đã nhóm lên niềm khát khao: bài của mình được phát sóng để chúng tôi nói lên những ý nghĩ, khát khao của mình cho mọi người cùng chia sẻ và phần nào hiểu được những thiệt thòi của chúng tôi. Đồng thời với sự hiểu biết của mình, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ những bạn cùng hoàn cảnh để các bạn tự tin và vững bước đi vào cuộc sống.

Tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, không chỉ đi học như các bạn bình thường, chúng tôi còn được học thêm các môn về âm nhạc, nghề xoa bóp, bấm huyệt...

Vào những dịp hè hằng năm, tập thể hàng trăm học sinh khiếm thị của trường được giao lưu với các bạn học sinh và sinh viên tình nguyện đến từ các trường phổ thông và đại học. Với sự gợi ý của nhiều phóng viên đài, báo tâm huyết cùng tập thể giáo viên nhà trường, ngày 25-3-2001 nội san Hoa Nắng ra số đầu tiên. Bạn Hoàng Văn Lý là người biên tập chính. Lý tâm sự: “Tôi cảm thấy rất vui khi được làm biên tập cho Hoa Nắng, công việc mà tôi thích. Tôi tin rằng qua sân chơi bổ ích này, con đường đi tới nghề báo sẽ rộng mở hơn”.

Bạn Trần Quốc Hoàn, đang học môn đàn bầu tại khoa âm nhạc truyền thống của Nhạc viện Hà Nội, cũng rất muốn viết lên báo những suy nghĩ của mình về các tác phẩm âm nhạc. Còn bạn Nguyễn Huy Việt và tôi, Phan Ngọc Cung (đều đi làm xoa bóp, bấm huyệt)... tìm đến báo chí với hi vọng qua đó truyền tới mọi người chút kiến thức giúp họ tự chăm sóc bản thân.

Bốn người chúng tôi tuy xuất phát điểm khác nhau nhưng cùng hoàn cảnh và trong lòng mỗi người đều ước mơ trở thành nhà báo...

Nan giải

Biết được Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) là nơi đào tạo ra những nhà báo nên chúng tôi đã tìm đến nộp đơn. Khi biết được niềm khao khát muốn trở thành nhà báo của chúng tôi, phòng tuyển sinh của nhà trường đã nhận đơn sau nhiều lần đến gặp.

TS Nguyễn Thị Minh Thái, giáo viên chủ nhiệm lớp có bốn bạn sinh viên khiếm thị, nói: “Báo chí là một nghề vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, nguy hiểm. Với người bình thường đã là cả một thử thách, vậy mà các em vẫn lựa chọn, vẫn say mê và hào hứng lắm. Có khi các em học gấp đôi, gấp ba người thường”.

Bạn Trần Huyền Trang - sinh viên lớp báo tại chức K48 - ĐH KHXH&NV Hà Nội - cho biết: “Ngoài việc học, các bạn luôn tích cực tham gia vào việc làm tờ báo của lớp cũng như các chương trình văn nghệ. Được tận mắt chứng kiến các bạn sống và học tập, say mê với con đường mình đã chọn, bản thân tôi và các bạn trong lớp cảm thấy rất bất ngờ. Nhờ nghị lực vượt lên số phận của các bạn mà ý thức vươn lên trong chúng tôi cũng trỗi dậy”.

Nỗi lo nhiều hơn niềm vui bởi chỉ một tháng nữa là thi, trong khi tài liệu ít (chỉ có vở chép ở lớp), không có sách giáo khoa, dụng cụ vẽ hình (cho việc vẽ biểu đồ môn địa lý). Chúng tôi thật sự lo lắng. Và cái gì đến đã đến...

Sau hơn một tháng chờ đợi trong hồi hộp và hi vọng: 8-12-2003, bốn chúng tôi hết sức vui mừng khi trở thành sinh viên khoa báo chí Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội.

Niềm vui nhanh qua, nỗi lo nhanh tới. Được đi học rồi nhưng phải làm sao để học tốt? Trong khi giáo trình không có, bốn chúng tôi vẫn phải đi làm. Chúng tôi nhớ có nhà báo đã nói với chúng tôi: đam mê nghề nghiệp, sắc sảo trong giao tiếp, sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại khi tác nghiệp và đặc biệt có tri thức sâu rộng, đó cũng chính là tiêu chí của các tòa báo khi tuyển phóng viên.

Không chỉ thế, các phóng viên còn phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh trí, đồng thời phải có bộ óc phân tích và tổng hợp tốt. “Chứ mắt mờ, chân chậm như các cậu thì suốt đời chỉ uống nước đục thay (trâu) thôi”. Nghe tới đó, hai tai tôi ù đi. Trong đầu chỉ nghĩ được một điều là phải học và chỉ có học thật giỏi thì mới có cơ hội trở thành nhà báo. Để chúng tôi chứng minh mình cũng có khả năng làm việc như những người bình thường khác.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày 29-4-2004 tờ nội san Sống của lớp báo tại chức K48HN-K9 ra số đầu tiên. Tôi nghĩ: “Đây là cơ hội, chúng tôi sẽ cố viết nhiều để các anh chị đã làm báo và cô chủ nhiệm sửa bài cho”.

Sau một năm cân nhắc, nhà trường đã cho chúng tôi cài phần mềm đọc màn hình bằng giọng nói: NĐC và Java. Qua hai phần mềm này, việc tiếp cận tin học và báo điện tử sẽ mở ra cánh cửa tương lai cho chúng tôi.

Tới bây giờ khi đã là sinh viên năm 2 của khoa báo chí, tôi và Lý vẫn không thể quên được cảm giác khi lần đầu tiên bài viết của mình được đăng báo. Với Lý, đó là một bài thơ viết về tình cảm bạn bè, thầy cô được đăng ở báo Nhi Đồng (2-1998). “Khi biết tin bài thơ của mình được đăng, cảm xúc của tôi thật khó tả - Lý nói - Toàn bộ tiền nhuận bút tôi đều dành khoản đãi bạn bè một chầu nước”.

Lý cho biết thêm bài thơ đầu tiên là động lực để mình làm hàng chục bài thơ gửi đăng các báo từ dạo đó đến nay. Còn bài đầu tiên của tôi viết chung cùng một người bạn về gương một em bé khuyết tật biết vượt lên số phận đăng trên báo Giáo Dục Thời Đại năm 2004. Bé bị bệnh xương thủy tinh (giòn xương), tay bị dị tật nhưng vẫn cố học chữ, đan lát giỏi. Sau khi có bài báo đầu tiên đó, một người bạn thân đã động viên: “Anh cứ viết đi, em sẽ tìm cách gửi các báo để đăng”.

Từ đó, ngoài việc gửi bài đăng trên báo, chúng tôi còn làm thơ, viết bài cho nội san Hoa Nắng (Trường Nguyễn Đình Chiểu) và nội san Sống của lớp đại học. Sự đón nhận và giúp đỡ của bạn bè trong việc làm những cuốn nội san này khiến chúng tôi có thêm nghị lực, niềm tin để cố gắng viết bài gửi cho các tờ báo khác.

Với sự giúp đỡ nhiều mặt của xã hội, gia đình, nhà trường và đặc biệt là cô chủ nhiệm - tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - cùng tập thể lớp, tin chắc rằng niềm đam mê sẽ giúp chúng tôi đạt được ước mơ trở thành phóng viên của tờ báo do chính chúng tôi thực hiện - tờ báo dành cho những người khuyết tật...

HOÀI LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên