![]() |
Lãi suất huy động giảm, lượng người gửi tiền cũng giảm. Trong khi đó, lãi suất cho vay đã “dễ thở” hơn. Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) chi nhánh Đô Thành, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.Đ. |
Ngày nào chúng ta còn “đau đầu” với lạm phát cao, phải thắt chặt tiền tệ, ngân hàng không có tiền để cho vay, lãi suất tăng chóng mặt… thì nay tình hình đã thay đổi. Hàng loạt thị trường trụ cột của nền kinh tế từ chỗ tăng nóng nay đang suy giảm. Thị trường hàng hóa - dịch vụ suy giảm sức mua, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần và tháng 10-2008 đã ở mức âm. Giá chứng khoán giảm mạnh, chỉ số Hastc của sàn Hà Nội ngấp nghé mức xuất phát 100 điểm. Thị trường bất động sản đìu hiu. Thị trường tiền tệ đã qua khó khăn nhưng đang ế ẩm. Ngân hàng đang có tới 50.000 tỉ đồng vốn khả dụng chưa cho vay được.
Không chỉ doanh nghiệp, người dân cũng đang thắt lưng buộc bụng. Sức cầu của nền kinh tế đã giảm hẳn khi tiền bị siết lại. Chín tháng đầu năm 2008, tín dụng ngân hàng chỉ tăng 18% so với cuối năm 2007, thấp hơn mức tăng 30% của cùng kỳ năm trước. Vốn huy động qua chứng khoán gần như không đáng kể. Hàng loạt doanh nghiệp phải dừng các dự án, bớt xây thêm nhà máy mới, giảm tuyển lao động. Ngân hàng thì ngại cho vay vì lo nợ quá hạn. Cả nền kinh tế có thể “tụt áp” vì thiếu hụt tiền. Các chuyên gia cũng cảnh báo quy luật giá và hoạt động sản xuất kinh doanh tăng nóng trong những tháng cuối năm có thể sẽ không lặp lại. Lo lắng này là có cơ sở khi mà tốc độ tăng tín dụng ngân hàng ở thời điểm này vẫn chậm chạp.
Kinh tế đình đốn, tình trạng thiểu phát hoặc giảm phát khó chữa hơn cả lạm phát cao. Nước Nhật từng trả giá đắt với hàng chục năm trời nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ. Nhiều nước trên thế giới cũng đang tìm “thuốc” để vực dậy nền kinh tế, tránh rơi vào suy thoái bằng cách giảm lãi suất.
Việt Nam đang thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát. Cũng cần có liều thuốc khác và đặt ra mục tiêu chống đình đốn thay vì chỉ tập trung chống lạm phát. Các chuyên gia kinh tế nói rằng muốn vực dậy các thị trường phải khai thông thị trường tiền tệ. Tiền vốn với lãi suất rẻ hơn phải được bơm nhiều hơn vào nền kinh tế để vực dậy hoạt động đầu tư - sản xuất kinh doanh, tăng sức mua. Dòng tiền từ đó sẽ lan tỏa và kích hoạt các thị trường khác. Thị trường nào cũng quan trọng nhưng lúc này khai thông thị trường tiền tệ sẽ giải quyết được các vấn đề của thị trường chứng khoán, hàng hóa dịch vụ, bất động sản... Ngân hàng Nhà nước cũng đã “nới tiền” nhưng tiền vẫn chưa ra được thị trường.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo tình hình cho vay, lãi suất cho vay - được xem là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa dám vay vốn. Có thể thuốc đã bốc nhưng chưa đủ đô. Chỉ khi thị trường có sức mua, khơi dậy lòng tin vào sức sống của thị trường, doanh nghiệp mới yên tâm vay tiền đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
![]() |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị phải có phương án dự phòng kiểm soát lạm phát - Ảnh: V.Dũng |
Mặc dù Chính phủ đã và đang quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng xem xét thực tế vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn từ năm 1990 đến nay, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) khẳng định nguồn vốn này đang ngày càng ít dần. Dù giá trị tuyệt đối có tăng nhưng theo đại biểu Kim Anh, tỉ trọng lại giảm rất mạnh: “Trước năm 1990 còn được 20%, năm 2007 chỉ còn 8%, cả khu vực nông thôn là 14% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước”.
Vì vậy, đại biểu Dương Kim Anh cho biết cơ sở vật chất, kỹ thuật nông nghiệp và hạ tầng nông thôn luôn thiếu thốn, xuống cấp, lạc hậu, nhất là cơ sở chế biến nông sản, hệ thống thủy lợi... gây lãng phí, thất thoát sau thu hoạch rất lớn.
Nông dân “nghèo kép”
Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), hiện đang tồn tại tình trạng “nghèo kép”, tức là chất nghèo đã bị nhân lên nhiều lần tại các khu công nghiệp tập trung. Theo ông Đáng, người dân nông thôn phải ra phố để tìm kế sinh nhai nhưng họ đang phải tự gánh chịu quá nhiều thiếu thốn. Ông Đáng phân tích sự “nghèo kép”: “Giường bệnh, chỗ học, nhà văn hóa được xây dành cho một người giờ phải phục vụ mười người. Cung không đủ cầu, giá tăng trong khi lương công nhân thấp, những người “nghèo kép” dễ lâm vào các tệ nạn xã hội”.
Khẳng định những người nông dân phải ly hương, thành người nhập cư khó khăn nhất, yếu nhất, ông Huỳnh Ngọc Đáng kiến nghị Nhà nước phải ưu tiên xây hạ tầng cho các khu công nghiệp như vùng núi, Chính phủ phải thật quan tâm tình trạng “nghèo kép” và giảm loại nghèo này.
Đề cập một khó khăn nổi cộm khác của nông dân, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đưa ra câu hỏi lớn của nhiều bà con: “Đền bù giải phóng mặt bằng kiểu gì mà dùng hết tiền đó không mua nổi một nửa mảnh đất của chính mình vừa bị giải tỏa?”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Thái (Ninh Thuận) cũng đánh giá bất cập của Luật đất đai là nguyên nhân trực tiếp gây khiếu kiện, bức xúc.
Cẩn trọng giảm phát
Coi giảm phát là một tình huống nghiêm trọng cần tránh trong khi nền kinh tế VN lạm phát chưa lui, giảm phát đã có dấu hiệu tới, nhiều đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc cảnh báo.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), thế giới đang lo lắng đại khủng hoảng nên áp lực tâm lý rất lớn, VN không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Ông Lịch băn khoăn trước tình hình thế giới khó khăn như thế, còn trong nước báo cáo của Thủ tướng có nêu thành công chống lạm phát nhưng nguyên nhân sâu xa gây lạm phát vẫn còn nguyên. Sắp tới dự báo đầu tư gián tiếp, FDI có thể giảm, thiểu phát có thể xảy ra, ông Lịch đề nghị phương án dự phòng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện giảm phát với bảy nhóm vấn đề: mọi tình huống phải cố tăng trưởng 2009 trên 6%, chủ động duy trì lạm phát 9-10% nếu giảm phát xảy ra, rà soát đầu tư, giảm lãi suất, kích cầu nông thôn, thực hiện tốt “tam nông”.
Đồng thời Nhà nước phải tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể chỉ để ngân hàng thương mại làm. Hỗ trợ, theo ông Lịch, phải công bằng với tiêu chí cụ thể: ưu tiên doanh nghiệp dùng nhiều lao động, chế biến nông sản và xuất khẩu.
Nếu hiện nay vẫn chỉ chạy theo con số tăng trưởng, theo ông Lịch, chất lượng tăng trưởng sẽ ngày càng kém, chưa nói các vấn đề phát sinh như môi trường, xã hội.
Với nguy cơ từ giảm phát, đại biểu Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) cho rằng Chính phủ nên kiểm soát tận gốc rễ nguyên nhân của lạm phát. Thực tế chứng minh lạm phát còn bắt nguồn từ hiệu quả đầu tư thấp của nhiều dự án đầu tư công, sự đầu tư tràn lan của các tập đoàn nên ông Lầu kiến nghị: phải rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế ngay. Nếu để doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vốn ào ạt trở lại thì bao công sức chống lạm phát trong hai quý đầu năm, theo ông Lầu, sẽ vô nghĩa.
Nên xem lại cách điều hành
Đề cập cách thức điều hành của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) băn khoăn những dự báo thiếu chiến lược, ví dụ như quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao, trên 1.200 USD/tấn. Theo ông Tiếp, dừng xuất khẩu, áp thuế xuất khẩu gạo khi gạo đang lên rồi thắt chặt tiền tệ cào bằng... đã gây ra nghịch lý xuất khẩu tăng, sản lượng tăng nhưng đời sống nông dân giảm. Với ví dụ trên, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị Chính phủ nên có tổng kết để điều hành có chiến lược hơn.
Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng bên cạnh thành công, còn nhiều bất cập chưa được nêu nghiêm túc trong báo cáo của Chính phủ. Việc bắt 70% nông dân phải gánh trách nhiệm an ninh lương thực, không được bán gạo khi giá lúa cao, ông Việt cho là không công bằng. So sánh với nông dân, ông Việt cho rằng nông dân cũng đang bơi trên biển nhưng khi khó khăn, chỉ các doanh nghiệp được Nhà nước cho phao vì “khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp tăng, giá thế giới giảm, doanh nghiệp giảm nhỏ giọt. Nông dân thì ngay khi giá vật tư tăng cao, họ vẫn đâu có thể tăng giá?”.
Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) tiếp tục phân tích: “Thiếu sót Chính phủ đã chỉ ra nhưng vẫn chung chung”. Theo ông Nhượng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ rõ thiếu sót, khuyết điểm này là của ngành nào, địa phương nào, cá nhân nào. Nên nêu rõ như thế vì như vậy “người dân tin tưởng những thiếu sót đó sẽ được khắc phục trong thời gian tới” - ông Nhượng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận