23/07/2009 19:00 GMT+7

Bói toán và bạn trẻ

HUỲNH VĂN SƠN
HUỲNH VĂN SƠN

TTO - Có lẽ, chẳng lạ gì khi ngày nay các bạn trẻ rỉ tai nhau sau giờ học và giờ làm những câu như “ê, chiều nay đi coi bói hông?”; “Thầy X, cô Y bói đâu trúng đó mày ạ, chuyện của tao mà bà cứ kể vanh vách, nghe mà muốn rụng rời tay chân”.

h3BckmWg.jpgPhóng to

Đi núi Sam - Châu Đốc chơi là lời rủ rê ngọt đến tê lòng nên không ít sinh viên đã “hẹn lòng” với nhau sẽ nhất quyết đi, không phải là tham quan một địa danh tín ngưỡng mà quyết tâm “coi cái thằng chồng tương lai nghề nghiệp gì và học kỳ 2 bọn mình rớt mấy môn”. Đúng là một kiểu “xem bói với mục đích rất sinh viên”.

Ngày nay, các hiện tượng mê tín dị đoan theo kiểu “văn hóa” truyền miệng hình như cũng xưa rồi. Mạng Internet phát triển rộng đã hỗ trợ cho những dân 8X, 9X có nhu cầu khám phá tương lai mà không cần thông qua “hiện thực” cuộc sống. Đêm đầu đón tiếp mấy em tân sinh viên vào phòng, mấy đàn anh, đàn chị sinh viên năm trên kính cẩn bê cả cái hộp chứa những câu thần chú ra khoe như: “Thần chú cầu cơ”; “thần chú chơi ma lon”; “thần chú trò Rinh thây ma”; “thần chú gọi ma gió” và rất nhiều kiểu gọi hồn, lên đồng kỳ bí khác.

Hỏi kỹ ra thì các sư huynh, sư tỉ sau những ngày đêm cày xới các website sặc mùi tâm linh trên mạng đã “download” về, photo và phát tán theo cách “có cái mới cho bạn bè xem”. Không ít nhóm bạn sinh viên còn đặt cử một bạn thường xuyên chiều chủ nhật lên các web kiểu “biết quá khứ, thông tương lai” để coi tình hình tuần này nhóm có nên đi chơi, hay ăn nhậu không?

Hoặc không lạ gì khi trong một nhóm bạn trẻ công nhân, một nhóm sinh viên thường hay xuất hiện một bà bói mà tay nghề chỉ khoảng 5 năm (chú thích là bà xuống núi hành nghề từ năm lớp 10) và tuổi đời của bà thường chỉ độ 20-21 tuổi nhưng cũng đắt hàng vì coi với giá rẻ hoặc miễn phí mà thôi.

Không ít người coi bói và người được coi bói cũng chẳng hiểu vì sao mình lại thích. Tâm sự lê thê và mênh mông của người trong cuộc nghe cũng lắm điều thú vị. Bạn H., sinh viên Khoa tiếng Nga năm thứ 5 tâm sự: “Lúc đầu đi cắm trại, đi mùa hè xanh, buồn buồn lấy bài tây ra bói cho mấy đứa bạn trong nhóm, riết rồi quen.

Giờ thì tuần nào cũng có thân chủ trong lớp hoặc do bạn bè giới thiệu qua gặp mình ‛làm một quẻ cho chắc ăn’.” Chính vì sự đắt hàng đó mà H. trở nên quan trọng trong mắt nhiều bạn, và để đáp ứng nhu cầu của các thân chủ, từ vài kiểu bói bài đơn thuần chẳng hạn như tuần sau có may mắn hay không, giờ H. đã “tu luyện” khoảng 20 cách bói khác nhau về tình duyên, thi cử, tiền bạc, sức khỏe…

Kiểu bói toán như thế cực kỳ sinh viên, vô cùng tuổi trẻ vì không phải tốn tiền cúng vườn, tiền tạ lễ, tiền giải hạn… những món mà các bạn trẻ nếu đi ở một số thầy cao cấp và có bảo kê ở ngoài thì cũng tốn kha khá. Không vì vậy mà lời phán của các thầy bói này giảm áp lực bạn ạ. Cái kiểu hù dọa như: “Đâu phải tui muốn nói vậy đâu, bài nói sao tui nói vậy, tui có ăn đồng xu, cắc bạc nào đâu mà nói xạo làm gì”. Thế là các “tín đồ” vì yếu tố “không vụ lợi” đó càng tin vào lời phán của các thầy – bà là bạn đồng trang lứa với mình.

Xem bói có lợi gì mà các bạn trẻ lại háo hức đến như vậy? Ai trong chúng ta chẳng tò mò về tương lai của mình, muốn biết trước điều sắp xảy ra với mình, nghe cũng hay hay lại còn có thể phòng tránh. Theo kiểu “một đồn trăm, trăm đồn ngàn”, các thầy cứ như là đoán trúng vanh vách tương lai của từng thân chủ. Thầy K., sau nhiều năm lương tâm cắn rứt vì đã ôm một số tiền kha khá của mấy thân chủ, trong đó có không ít tiền của các bạn công nhân, sinh viên, học sinh đã giải nghệ về lại chốn hồng trần.

Thầy tiết lộ bí quyết nghề nghiệp của đời mình như sau: “Thì cứ phán là tháng sau nó gặp nạn, gặp hạn, gặp xui gì đó là chắc cú nhất. Vì sao ư? Có dân nào đến coi bói mà không sợ nhất là nghe hạn của mình sắp tới rồi. Nếu mà sắp tới nó không bị gì hay bị nhẹ thì là do mình giải hạn tốt, năng lực mình cao. Nếu nó bị xui nặng thì chứng tỏ hai điều, một là mình đoán đúng, hai là lòng thành giải hạn của nó chưa đạt nên thế là vẹn cả đôi đường”.

Bạn H. - thầy bói sinh viên thì nói mang màu sắc hơn: “Cứ đọc trên mạng mấy câu phán con này hên, con này xui, rồi tự chế ra thêm cho có vần, có điệu. Thế nhưng chủ yếu là căn cứ vào thần sắc của bạn mình mà phán, riết làm thầy bói mà giờ nhìn sơ là em biết bạn mình có bị thất tình hay không”.

Ai cũng nhận thấy rằng để biết được tương lai của mình, của mọi người là một điều mà các nhà khoa học cũng đang hết sức tìm hiểu. Thế nhưng đó là việc làm trên những cơ sở nghiên cứu một cách nghiêm túc và có trách nhiệm về nhận định của mình. Có nhiều bạn trẻ lại tìm cách thay đổi vận mệnh mà không dựa trên chính sự nỗ lực bản thân, bằng trí tuệ, nghị lực, mà lại cầu cạnh đến vòng quay số phận, đến một thế lực thần thánh. Nghe tương lai của mình để làm gì, khi người nghe nhận ra tương lai mình tốt thì trở nên tự mãn, không cố gắng.

Ngược lại, người nghe số mệnh sắp tới u tối thì buồn rầu, lo lắng, chẳng thiết tha gì nữa trong cuộc sống. Điều này không chỉ làm bản thân mất hết ý chí, nghị lực mà ngay cả một chút tình cảm với cuộc sống cũng bị đánh rơi. Bói ra ma, quét nhà ra rác nghe sao đầy thấm thía với cả người “coi”, người “bói”. Bạn H. đã giải nghệ tâm sự: “Mình phán là hai đứa bạn không hợp nhau, ai ngờ nó về cãi lộn với người yêu rồi chia tay thật. Một lần khác, đứa bạn mình phán nó thi rớt, nó ủ dột cả tuần, thế là đợt đó dính ba môn với số tín chỉ khá lớn. Giờ mới thấy kiểu phán vô trách nhiệm của mình có lỗi quá, bỏ nghề thôi”.

Có một câu bói rất khoa học và lý thú là:

Gieo hành vi sẽ gặt thói quen.

Gieo thói quen sẽ gặt được tính cách.

Gieo tính cách sẽ gặt được số phận.

Bạn là ai, bạn muốn gì, bạn có khả năng đến đâu, bạn sẽ đạt được gì... Chính bạn là người quyết định cuộc đời của mình mà không phải là “bói toán” hay “xù quẻ” cầu may hoặc hôn tay xem chỉ.

HUỲNH VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên