Phóng to |
Dự thảo đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề làm việc tại các doanh nghiệp đạt 70% trở lên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Hiệp - trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - nói:
- Xuất phát từ thực tế tuyển và sử dụng người lao động tại các doanh nghiệp hiện nay, chương trình sẽ tập trung vào các dạng như sau:
Thứ nhất, tổ chức đào tạo cho những người lao động khi được tuyển vào chưa được đào tạo căn bản trước khi làm việc. Họ chỉ được hướng dẫn một số yêu cầu cần thiết để làm việc. Do đó họ thiếu chủ động trong quá trình lao động và tính thích nghi với yêu cầu phát triển công nghệ hầu như không có.
Thứ hai, đào tạo lại cho những người đã được đào tạo trước đó. Do công nghệ phát triển hoặc thay đổi quy trình công nghệ nên phải đào tạo lại cho họ để thích ứng với quy trình mới. Đây là hoạt động rất thường xuyên của doanh nghiệp.
Thứ ba, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, bậc thợ cho những công nhân đã được đào tạo và có thể làm việc ổn định. Những người này vẫn cần nâng cao tay nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất cũng như thích ứng với đổi mới của công nghệ.
Phóng toÔng Nguyễn Thành Hiệp - LẢnh: H.B.* Cơ sở, chương trình đào tạo sẽ như thế nào khi đội ngũ công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố khá đa dạng về trình độ lẫn lĩnh vực ngành nghề?
- Chúng tôi sẽ huy động hàng trăm cơ sở dạy nghề trong hệ thống dạy nghề trên địa bàn thành phố tham gia. Các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp sẽ ngồi lại với nhau trao đổi về nội dung, cách thức, thời gian... để thuận lợi cho người học và không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh xây dựng chương trình theo các nghề hiện có, cũng có thể theo hướng doanh nghiệp cần gì, yêu cầu gì cơ sở dạy nghề đào tạo cái đó. Có thể đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ để tiết kiệm được thời gian và gắn với công nghệ hiện có của doanh nghiệp. Hoặc cũng có thể linh động tổ chức từng lớp, từng khóa theo từng ngành nghề, từng thời gian phù hợp đặc thù của doanh nghiệp.
Hiện hầu hết ngành nghề trong xã hội đều có cơ sở dạy nghề, đào tạo hoặc nhập công nghệ của nước ngoài để đào tạo. Giáo viên ở các cơ sở dạy nghề hoàn toàn đáp ứng được tính đặc thù của từng doanh nghiệp cũng như từng ngành nghề.
* Ông có nghĩ rằng cơ sở dạy nghề sẽ tích cực tham gia chương trình, trong khi sẽ có doanh nghiệp chưa mặn mà lắm, bởi họ lâu nay chỉ quen sử dụng lao động?
- Một thực tế là lâu nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý tuyển dụng lao động theo kiểu “thiếu đâu quơ đó”, thậm chí “quơ” những người chưa có tay nghề vô để hướng dẫn. Doanh nghiệp vẫn còn tâm lý có công nhân đến đâu sản xuất đến đó, thiếu đến đâu tuyển đến đó mà không có chiến lược để nâng cao tay nghề công nhân của mình. Trước đây cũng có những chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người lao động nhưng chưa được cộng hưởng từ các doanh nghiệp. Chương trình lần này sẽ tổ chức đại trà hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có kế hoạch trong chiến lược nâng cao tay nghề công nhân của mình.
* Người lao động làm gì để được tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề nói trên và quyền lợi của họ sau khi học xong?
- Các doanh nghiệp sẽ phổ biến cho người lao động tham gia tùy theo nhu cầu và thực tế năng lực của bản thân. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tập hợp lại số lượng đăng ký, ngành nghề và phối hợp với cơ sở dạy nghề. Công nhân sẽ được nâng cao tay nghề, được cấp chứng chỉ và kèm theo đó là được nâng lương. Họ đảm nhận công việc tốt hơn thì chế độ đãi ngộ cũng cao hơn. Tham gia chương trình đào tạo này công nhân không phải đóng tiền. Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả và phần chi trả được trừ vào phần thuế thu nhập doanh nghiệp theo thông tư 130 của Bộ Tài chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận