Chương trình này góp phần củng cố và phát triển hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa và năng lực dạy học tiếng Thái và tiếng M’Nông cho đội ngũ giáo viên dạy 2 thứ tiếng này trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Đối tượng bồi dưỡng là các giáo viên dạy học tiếng Thái, tiếng M’Nông trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; giáo viên sử dụng thông thạo tiếng M’Nông, tiếng Thái (nghe, nói, đọc, viết), có nguyện vọng dạy học bằng hai thứ tiếng này nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng dạy học tiếng Thái, tiếng M’Nông.
Để thực hiện chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái, tiếng M’Nông có hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về phẩm chất và năng lực bồi dưỡng tiếng Thái và tiếng M’Nông, vừa có kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, văn học Thái, M’Nông sâu rộng; có trình độ sư phạm lành nghề, biết ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học.
Cơ sở đào tạo phải có đủ các điều kiện để thực hiện biên soạn tài liệu bồi dưỡng, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình như có đội ngũ tác giả là các trí thức dân tộc Thái, M’Nông; các tài liệu công cụ, tài liệu tham khảo về tiếng Thái, M’Nông về văn hóa, văn học Thái.
Cơ sở đào tạo cũng cần đảm bảo kinh phí biên soạn và in ấn tài liệu, cơ sở vật chất phòng học, các phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ cho hoạt động dạy học và bố trí thời gian học tập hợp lý cho học viên...
Hình thức bồi dưỡng cần linh hoạt, phù hợp với đối tượng người học và điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Có thể tổ chức bồi dưỡng tập trung một đợt hay nhiều đợt; bồi dưỡng qua mạng kết hợp với bồi dưỡng tập trung trên tinh thần phát huy vai trò tự học, tự bồi dưỡng của học viên nhưng phải đảm bảo thời lượng quy định của chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận