25/04/2011 23:26 GMT+7

Bởi đó là nguồn cội

VŨ KHÔI
VŨ KHÔI

AT - Người ta thường nói về Hoa Kỳ với những tên gọi như “giấc mơ”, “thiên đường”… Đó là cách mà đa số Việt kiều khi về nước sử dụng những mỹ từ ấy để nói đến đất nước mà họ đã và đang sinh sống. Hay những người Việt có ước mơ, mong muốn, nguyện vọng được sống, sinh hoạt và học tập tại nơi này. Nhưng đối với gia đình họ ngoại tôi thì khác.

f41zBXep.jpgPhóng to
Minh họa: Duy Nguyên

“Giấc mơ Mỹ” chỉ là cụm mỹ từ để nói lên những bề nổi, sự hào nhoáng mà nó có được, còn với gia đình họ ngoại nhà tôi, “giấc mơ” chỉ ở mức “thường thường bậc trung”. Cả gia đình nhà ngoại tôi xuất cảnh qua Hoa Kỳ cách đây 20 năm theo diện đoàn tụ gia đình. Mẹ tôi là chị lớn, đã lấy chồng nên xin phép được ở lại Việt Nam. Thế là xa cách… Nửa vòng Trái đất xa xôi, biết bao cách trở buộc mẹ và gia đình phải liên lạc với nhau qua thư từ vì ngày đó email và điện thoại còn khá mới mẻ và xa xỉ.

Thời gian đầu, mọi người trong gia đình phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội và đi học tiếng Anh tại trung tâm ngôn ngữ của cộng đồng tôn giáo. Cuộc sống khó khăn, chật vật khi phải bắt đầu làm lại từ con số 0. Gần 20 năm lao động, làm việc bền bỉ, “giấc mơ Mỹ” ngày nào cũng dần dần chìm vào quên lãng trong biết bao lo âu, muộn phiền về cuộc sống hằng ngày. Thư qua, tin lại, nước mắt của mẹ tôi không biết bao lần rơi vì lo cho cả gia đình bên ấy. Mấy năm trở lại đây, công nghệ phát triển nên phần nào việc liên lạc cũng dễ dàng, thuận tiện hơn.

Ông và bà đã lớn tuổi rồi, hom hem, nước mắt ngắn dài nhớ con, nhớ cháu, nhớ quê hương, đất nước. Ông và bà thay phiên nhau kể chuyện ngày xưa vì chuyện bây giờ không biết lấy đâu mà kể. Tuổi già nên ít ra ngoài đường, lại hạn chế về ngôn ngữ nên cũng ít giao tiếp.

Có những khi tôi nghe được ông kể lại ngày xưa, thời còn ở miền Bắc, rồi di cư vào miền Nam và đẻ ra “mẹ chúng mày”. Bà thì nhớ lại đất Bắc Ninh, nơi có làng Phượng Mao, nơi ông và bà sinh ra, lớn lên và “se duyên kết tóc”. Những hình ảnh xa xưa của ngày nào tưởng như đã chìm vào quên lãng nay trở về, mới tinh khôi như câu chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua.

Ông bà mong lắm được trở về Việt Nam sinh sống. “Giấc mơ Mỹ” không ít thì nhiều đã lấy đi biết bao suy nghĩ, trăn trở của đời người. Giờ đây giấc mơ quê hương là giấc mơ lớn nhất mà ông bà nghĩ đến. Dường như điều đó quá xa vời khi sức khỏe hạn chế nên khó có thể chịu đựng được quãng đường xa xôi ấy mà trở về đất mẹ. Tôi thấy mẹ buồn, khóc rưng rức. Đầu dây bên kia chắc hai ông bà già cũng đang lủi thủi chờ dì Út đi làm về mà hâm nóng đồ ăn tối. Phận người Việt già bên ấy hầu như là vậy, chỉ suốt ngày ăn uống đồ lạnh làm sẵn, ngồi nhà và chờ con cháu đi làm về.

Cái mong muốn “lá rụng về cội” ấy có lẽ giờ đây cũng chẳng ai nỡ ngăn cản…

Việt Nam, hai tiếng thiêng liêng đó dường như luôn được những người con xa quê giữ nơi đáy lòng để mỗi khi nhớ đến thì nó lại làm nhoi nhói, âm ỉ mãi không nguôi, thổn thức mãi không ngừng. Bởi đó là quê hương, là nguồn cội…

hCRvjM70.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 37(số 92 bộ mới) ra ngày 15/04/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

VŨ KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên