Khoảng tối của Apple trên đất Trung QuốcTrái táo cắn dở đang thấm máu?Nổ ở nhà máy cung cấp linh kiện cho Apple
Phóng to |
Đằng sau những sản phẩm có giá cạnh tranh là máu và nước mắt của những nhân công giá rẻ - Ảnh: NYT |
Trung Quốc được biết đến như một xưởng gia công linh kiện lớn nhất trên thế giới hiện nay. Đứng sau thành công của những đại gia công nghệ Mỹ, trong đó có Apple, chính là những cái tên như Pegatron, Quanta và Foxconn - với nguồn nhân công dồi dào và rẻ mạt.
Sau những báo cáo về nạn lạm dụng sức lao động tại các nhà máy của Foxconn, đối tác sản xuất linh kiện iPhone cho Apple, Hiệp hội Bảo vệ người lao động Mỹ (FLA) sẽ có chuyến thị sát nhằm tìm hiểu điều kiện làm việc, sức khỏe, cũng như mối quan hệ giữa công nhân và đội ngũ lãnh đạo để tìm ra nguyên nhân của những vụ bê bối xảy ra gần đây.
Trước chuyến thanh tra của FLA, các phương tiện truyền thông đại chúng ở Mỹ đã có những bài viết phản ánh tình trạng lao động tồi tệ ở Foxconn. Hứng chịu nhiều chỉ trích, Apple đã phải chủ động đề xuất một thanh tra minh bạch và độc lập.
Phát biểu với tờ Guardian, Tim Cook - CEO của Apple - nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng người lao động ở khắp mọi nơi có quyền được lao động trong một môi trường an toàn và công bằng. Đó là lý do tại sao chúng tôi chủ động yêu cầu FLA độc lập thanh tra và đánh giá đối tác cung ứng linh kiện lớn nhất của chúng tôi”.
Ngoài sản xuất linh kiện cho Apple, Foxconn còn gia công linh kiện cho rất nhiều hãng công nghệ khác như Amazone, Acer, Asus, Dell, IBM, HP, Lenovo, Microsoft, Motorola, Nokia, Samsung, Sony và Toshiba.
Để cung ứng đủ linh kiện giá rẻ cho những sản phẩm công nghệ có giá cạnh tranh, Foxconn đã bóc lột tàn tệ nhân công của mình. Công ty này thậm chí đã thuê cả những đứa trẻ chỉ mới 13 tuổi, làm việc đến 16 tiếng/ngày.
Vào tháng 7-2009, một công nhân 25 tuổi đã tự sát sau khi đánh mất một mẫu iPhone của nhà máy. Đến năm 2010, hàng loạt các vụ tự sát không rõ nguyên nhân xảy ra tại Foxconn, ngoài ra có 18 trường hợp có ý định tự sát nhưng bất thành.
Tình hình tồi tệ đến mức ban lãnh đạo công ty này phải ra lệnh lắp đặt các hệ thống lưới để hạn chế công nhân nhảy từ trên cao xuống đất, đồng thời lập một đường dây nóng tư vấn tâm lý cho người lao động.
Phóng to |
Foxconn phải giăng lưới để hạn chế nạn công nhân nhảy lầu tự sát - Ảnh: Internet |
Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 5-2011, Apple lại tiếp tục nhận tai tiếng khi một vụ nổ xảy ra ở một nhà máy của Foxconn đặt tại Thành Đô làm thiệt mạng ba công nhân và khiến 15 công nhân khác bị thương.
Tuần trước, đã có hơn 200.000 người ký vào một văn bản yêu cầu Apple đảm bảo lợi ích cơ bản cho người lao động.
Tuy Apple đã chủ động đề xuất cuộc thanh tra, nhưng rõ ràng đây là một chuyến thị sát đã được báo trước. Điều này sẽ có tác động lớn đến kết quả đánh giá của FLA, vì đội ngũ giám định của tổ chức này khoảng vài tuần tới mới đến Foxconn. Rõ ràng công ty này sẽ có thời gian chỉnh đốn tình trạng sản xuất của mình.
Rất có thể đây cũng là một dụng ý của Apple khi hãng này vừa giải quyết được khủng hoảng về mặt hình ảnh, vừa không dồn đối tác lớn nhất của mình vào thế khó, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất con gà đẻ trứng vàng iPhone.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận