24/01/2006 14:39 GMT+7

Bộ Tư pháp yêu cầu Hà Nội bỏ quy định tạm giữ xe máy

Theo VnExpress
Theo VnExpress

Theo Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, việc Hà Nội áp dụng biện pháp xử phạt tạm giữ phương tiện vi phạm từ 15 đến 60 ngày hoặc tịch thu là không phù hợp với quy định pháp luật.

SoF6YcFU.jpgPhóng to

Phương tiện bị tạm giữ không được bảo quản cẩn thận. Ảnh: VnExpress

Đây là một trong 3 vấn đề được xác định là Hà Nội đã làm vượt quá thẩm quyền.

Tại điều 3 quyết định số 26/2006/QĐ-UB ngày 30-1-2003 của UBND Hà Nội về việc quy định hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố đã nêu: "Tất cả các phương tiện giao thông vi phạm quy định tại quyết định này và Luật giao thông đường bộ thì bị xử lý: Với ôtô - môtô - xe máy bị phạt theo quy định của pháp luật và tạm giữ phương tiện từ 15 đến 60 ngày tùy mức độ vi phạm. Với xe thô sơ, xích lô thì tịch thu".

Ngoài nội dung trên, ngày 3-1, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp thông báo cho UBND Hà Nội biết 2 quyết định khác cũng có một phần nội dung được ban hành trái thẩm quyền. Đó là Quyết định số 167/2003/QĐ-UB ngày 3-12-2003 về việc tịch thu xe thô sơ, xích lô vi phạm Luật giao thông quá thời hạn không đến giải quyết và xe lambro, xe bông sen, xe bê tông tự hành, xe ba bánh... có giấy tờ hợp lệ nhưng tái phạm lần 2 trở lên; không có đăng ký hoặc không có giấy tờ hợp hợp lệ.

Còn tại quyết định số 02/2005/QĐ-UB ngày 10-1-2005 về việc thực hiện các biện pháp làm giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội, có quy định phạt người vi phạm số tiền 100.000 đồng, hoặc còn có thể bị áp dụng mức phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện 15 ngày (lần đầu vi phạm) hoặc 30 ngày (tái phạm).

Theo Bộ Tư pháp, việc xử lý vi phạm hành chính có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì lẽ đó, nó phải đảm bảo nguyên tắc pháp chế, chặt chẽ. Chỉ có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Chính phủ mới có quyền quy định về hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt với hành vi đó.

Đối chiếu với các pháp lệnh, và nghị định khác, 3 quyết định trên của Hà Nội đã có một phần nội dung trái thẩm quyền. Nghị định 134/2003 đã nêu rõ: "Các văn bản do... Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân ban hành để chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền, không được quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt".

Trao đổi với PV, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết, về nguyên tắc, cơ quan ban hành văn bản sai, gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường. Người dân có quyền kiện và đòi việc này. Sở tư pháp các địa phương với nhiệm vụ tham mưu, thẩm định văn bản trái luật của do UBND ban hành cũng phải chịu trách nhiệm.

Cục kiểm tra văn bản quy pháp pháp luật yêu cầu trước 10-2, UBND Hà Nội phải thông báo kết quả tự kiểm tra, xử lý cho Cục.

Ngày 11-1, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Đỗ Hoàng Ân đã có văn bản phúc đáp. Ông Ân giải trình, Quyết định 26/2003 ra đời trong bối cảnh tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang gia tăng, cần có giải pháp khắc phục. Người dân có tâm lý sẵn sàng nộp tiền phạt để tiếp tục vi phạm.

Do vậy cần có có biện pháp "mạnh tay" là tạm giữ phương tiện. Nhưng sau gần 1 năm thực hiện, số lượng các phương tiện vi phạm chờ xử lý (chủ yếu là xe thô sơ) tồn đọng lớn do người vi phạm không đến nhận vì chúng có giá trị thấp, không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu... Vì lẽ đó, UBND thành phố đã ban hành quyết định 167/2003 về việc tịch thu những phương tiện này.

Theo ông Đỗ Hoàng Ân, khi vận dụng các quy định này trong thực tiễn quản lý nhà nước tại địa phương, thành phố không có ý định tạm giữ toàn bộ các phương tiện vi phạm - do không đủ bãi chứa cũng như nhân lực để quản lý, bảo quản - mà muốn sử dụng quy định này như một công cụ răn đe, giáo dục người vi phạm, đồng thời hạn chế tiêu cực có thể phát sinh. Ông Ân cho rằng, thực tiễn đã cho thấy chủ trương trên là đúng.

Theo VnExpress
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên