13/11/2003 09:56 GMT+7

Bộ trưởng GTVT: "Nhiều biển báo tốc độ giao thông không hợp lý"

VŨ THƯỢNG 
<P class=pBody><FONT face=Arial size=2><EM></EM></FONT> 
VŨ THƯỢNG

 

"Tai nạn giao thông (TNGT) trong những năm qua tăng liên tục, cả về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Riêng năm 2002 có tới 13.186 người chết. Sau khi có nghị quyết 13 của Chính phủ, TNGT trên cả nước trong năm nay đã giảm 27,4%". Đó là phần mở đầu trong nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Bình Bình tại Quốc hội sáng 13-11.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội

LyE9E4ny.jpgPhóng to
Ông Đào Đình Bình thừa nhận: "TNGT tuy đã giảm nhiều nhưng số người chết và bị thương vẫn còn lớn, kết quả đạt được chưa vững chắc"

Nhiều biện pháp, nhưng tai nạn vẫn nhiều

Bộ trưởng Bình cho biết đầu tư cho hạ tầng giao thông thời gian qua tuy chưa tăng đáng kể nhưng trật tự an toàn giao thông đã đạt được một số kết quả khả quan. Bên cạnh đó, một loạt biện pháp đã được Chính phủ và bộ ngành Bộ GTVT tập trung thực hiện để giảm tai nạn giao thông (TNGT). Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành 90 văn bản về vấn đề này. Các văn bản pháp luật về an toàn giao thông đã được các cơ quan từ T.Ư đến địa phương ban hành khá đồng bộ. Theo Bộ Công an, việc tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông đã được tăng cường. Mặt khác, công tác tuyên truyền về thực hiện an toàn giao thông được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng, được dư luận xã hội đồng thuận...

Tuy nhiên ông Đào Đình Bình vẫn thừa nhận: "TNGT tuy đã giảm nhiều nhưng số người chết và bị thương vẫn còn lớn, kết quả đạt được chưa vững chắc".

Mục tiêu lớn sắp tới của Bộ GTVT là tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng phát triển các phương tiện giao thông hiện đại, hệ thống vận tải công cộng có sức chuyên chở lớn (như tàu đện ngầm, đường sắt trên cao); thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn đối với trong nội bộ ngành, đặc biệt là lãnh đạo các đơn vị có sai phạm tiêu cực...

Biển báo tốc độ giao thông: "Sẽ nghiêm khắc kiểm điểm"

0mZNclv2.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội chăm chú theo dõi báo cáo của ông Đào Đình Bình
Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn là tình trạng cắm biển hạn chế tốc độ giao thông tùy tiện, bất hợp lý, gây thiệt hại cho GTVT nói riêng và kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng Bình, hạ tầng giao thông tại nước ta còn kém là nguyên nhân chính phải hạn chế tốc độ giao thông trên các quốc lộ. Bảng báo hiệu tốc độ giao thông: tốc độ tối đa trên quốc lộ 1 là 80 km/giờ, trừ một số đọan quốc lộ như Pháp Vân - Cầu Giẽ cho tối đa 100 km/giờ...

Ông Bình nói: "TNGT xảy ra chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu (chiếm 45% nguyên nhân tai nạn). Việc cắm biển báo tốc độ giao thông nhằm hạn chế tai nạn". Nhưng thiếu sót là các đơn vị quản lý giao thông đưòng bộ đã nóng vội, cắm quá nhiều biển báo không hợp lý, gây ảnh hưởng đến giao thông. Bộ đã chỉ đạo cho khắc phục ngay. Ông Bình hứa trước Quốc hội: "Sẽ nghiêm khắc kiểm điểm để không xảy ra các sai phạm tương tự".

Dự án giao thông: Sẽ cho đấu thầu rộng rãi

Về các sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông, ông Đào Đình Bình cho rằng "đây là bức xúc của dư luận và cũng là mối lo thường trực của lãnh đạo Bộ GTVT". Vì vậy, lãnh đạo bộ đã có nhiều biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm, kỷ luật các cá nhân sai phạm. Từ 10 tháng đầu năm 2003 đã kiểm tra 15 dự án giao thông. Đồng thời Bộ cũng đã tăng cường kiểm tra thanh tra để phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực.

Biện pháp khắc phục thiếu sót, tồn tại được Bộ trưởng Đào Đình Bình nêu: thực hiện cương quyết nguyên tắc công khai minh bạch; sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào công trình, dự án giao thông. Bên cạnh đó, sẽ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong xây dựng công trình giao thông. Một biện pháp khác là kéo dài thời gian bảo hành đối với các công trình cấp quốc gia có phát hiện sai phạm. Giám sát một cách khách quan và trung thực. Các đơn vị có sai phạm sẽ bị tước quyền thực hiện công trình giao thông trong một thời gian nhất định.

"Bộ GTVT luôn quan tâm đến việc đảm bảo tiến độ thi công trong các dự án". Nhưng theo Bộ trưởng Bình, việc thi công chậm trễ có một số nguyên nhân khách quan. Thứ nhất là việc giải phóng mặt bằng thường xuyên chậm trễ; một bộ phận người dân từ chối nhận tiền đền bù, không giao mặt bằng. Nguyên nhân thứ hai là thiếu vốn đầu tư. Một vấn đề đáng quan ngại là các nhà thầu bỏ vốn quá thấp. Nguyên nhân thứ ba là vướng mắc trong trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng. Sắp tới bộ sẽ có các biện pháp cụ thể để khắc phục dần các nguyên nhân nói trên để thực hiện các công trình, dự án giao thông đúng hạn định, không dây dưa, kéo dài.

"Biện pháp nhiều, nhưng chỉ mang tính chữa cháy"?

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) chưa đồng tình với bộ trưởng Bình: "Bộ trưởng còn nói chung chung, chưa đi sâu làm rõ các vấn đề một cách thật cụ thể. Ví dụ tình trạng thất thoát, tiêu cực trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành GTVT. Trách nhiệm thuộc về bộ trưởng cũ hay là ai?". Mặt khác, biện pháp nào để hạn chế xe máy cho có hiệu quả. Hà Nội sẽ áp dụng phương thức xe máy mang biển số ngoại tỉnh phải để ở ngoài nội ô, có hợp lý không?

Đại biểu Nguyễn Tấn Xuân (Tây Ninh) chất vấn: "Biện pháp hạn chế TNGT thời gian qua còn mang tính "chữa cháy" rất nhiều. Một nguyên nhân là lỗi của người tham gia giao thông, nhưng phần khác là trách nhiệm của quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém. Với tư cách "tư lệnh giao thông", bộ trưởng nghĩ sao?"

Đại biểu Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên): "Hà Nội trước đây có tàu điện, tác dụng tốt, sao lại bỏ? Nhiều nước phát triển vẫn duy trì phương tiện này".

Một số đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn: doanh nghiệp nhà nước ngành GTVT chiếm tỉ lệ lớn trong việc làm thất thoát vốn xây dựng cơ bản. Bộ đã kiểm tra, kiểm soát các đơn vị, cá nhân sai phạm và chấn chỉnh ra sao? TNGT đường sắt, đường thủy tăng cao, tại sao?

jnxTpv9o.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bình khẳng: "Phần lớn doanh nghiệp xây dựng đều mắc hai chuyện lớn: lỗ và nợ. Nhiều doanh nghiệp đầu tư không đúng mục đích, máy móc thiết bị đưa về không khai thác được, nên không thể thu hồi vốn. Do đó dẫn tới hiện tượng nợ chồng chất. Một tình trạng khác là bỏ thầu giá quá thấp nên lỗ, không hoàn vốn nổi. Khi doanh nghiệp lỗ, lại tiếp tục thi công công trình khác thì càng lỗ, nợ ngân hàng càng nhiều.

Bộ không can thiệp vào việc sản xuất kinh doanh nhưng đều có sự kiểm tra, giám sát. Sau đó thông báo cho doanh nghiệp để chấn chỉnh, kỷ luật người làm sai. Chúng tôi đã cách chức tổng giám đốc Tổng công ty công trình giao thông 5 cũng vì chuyện này. Nhiều giám đốc khác cũng bị xử lý kỷ luật. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp" - ông Bình khẳng định. Ông giải thích thêm là ngành GTVT cũng không có "rào cản" nào với việc làm ăn của các doanh nghiệp (ngòai doanh nghiệp nhà nước của ngành GTVT - PV). Bên cạnh đó, ông Bình nhắc lại thiếu sót trong việc cắm biển báo tốc độ giao thông không hợp lý: "Có sai là sửa. Chúng tôi nhận lỗi và đã sửa ngay".

Về việc hạn chế xe máy cá nhân, ông Bình cho rằng Hà Nội làm đúng qui định của pháp luật. "Đây là một giải pháp đã được Hà Nội cân nhắc kỹ". Còn qui định của Hà Nội về việc để xe máy bên ngoài thành phố là thẩm quyền của địa phương. Bộ trưởng Bình không đồng tình với đánh giá của đại biểu Nguyễn Tấn Xuân về các "giải pháp chữa cháy" và cho rằng đó là các giải pháp dài hơi, phù hợp. "Vấn đề là phải thực hiện nghiêm túc, đúng đắn thì mới mang lại hiệu quả".

Ông Bình nói ở Hà Nội và TP.HCM sẽ tập trung phát triển hệ thống tàu điện. Vào năm tới, Pháp sẽ giúp Hà Nội làm tuyến tàu điện mới... Như vậy, một thời gian nữa tàu điện sẽ trở lại để đảm nhiệm khối lượng vận chuyển hành khách lớn trong nội đô.

"Nợ của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành GTVT lớn là đúng. Vấn đề này đang được giải quyết bằng các biện pháp sát hợp. Bộ sẽ rà sóat lại danh mục các dự án ưu tiên phù hợp với nguồn vốn để tập trung thực hiện để tránh những tình trạng như đã diễn ra". Ông Bình tái khẳng định đã, đang và sẽ xử lý nghiêm các sai phạm trong họat động của doanh nghiệp thuộc ngành.

Đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) hỏi: "Thời gian vừa qua ngành GTVT đã có tiến bộ gì trong việc thiết lập hành lang an tòan giao thông?". Cũng theo ông Phú, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp trực thuộc các Cục của Bộ, bao giờ tách ra cho rạch ròi. Bộ trưởng Bình trả lời: "Chủ trương của Bộ GTVT về thiết lập hành lang an tòan giao thông là nhất quán, kiên quyết, dứt khóat không có thỏa hiệp nào trái qui định. "Chúng tôi không sợ va chạm với địa phương trong chuyện này. Các đồng chí ở địa phương phải giúp chúng tôi để cùng làm". Về doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, ông Bình cho biết đây là các doanh nghiệp công ích. Cơ cấu tổ chức này vẫn hợp lý trong tình hình hiện nay. Trong tương lai gần, việc tách doanh nghiệp khỏi bộ chủ quản sẽ làm theo chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công của Chính phủ.

Qui họach giao thông: thiếu tiền hay thiếu tầm nhìn?

wFAWT9pK.jpgPhóng to
Đại biểu Dương Trung Quốc
"Tại sao đường sắt của ta chỉ có một làn? Việc qui hoạch giao thông "có vấn đề" gì không, do thiếu tiền hay thiếu gì khác?" - một đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai hỏi. Ông Đào Đình Bình trả lời: hệ thống đường sắt của ta đã 120 tuổi, nên phải chấp nhận những bất cập hiện hữu. Ở những tuyến đường sắt mới, sẽ tính toán cho phù hợp hơn. Qui họach là có, nhưng việc thực hiện phải phù hợp với điều kiện, tình hình, tiềm lực thực tế của chúng ta.

Đại biểu Mã Điền Cư (Bình Thuận) vẫn chưa thỏa mãn với nội dung trả lời từ đầu của bộ trưởng Bình vì theo ông, "trách nhiệm chưa rõ ràng, giải pháp còn chung chung, nhiều yếu kém bất cập chưa khắc phục được". Bộ trưởng Đào Đình Bình nói để thực hiện nghị quyết 13 của Chính phủ, Bộ GTVT đã làm được nhiều việc để khắc phục yếu kém một cách có hệ thống. "Tôi đã trình bày rõ các yếu kém, còn qui định bất cập thì phải tiếp tục sửa". Qui họach chiến lược giao thông ở tất cả các lĩnh vực đưòng bộ, đường thủy, đường hàng không...đã được bộ GTVT xem xét thực hiện, một số đã trình Chính phủ" - ông Bình cho biết.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn: "Cử tri cho biết hiện có nhiều phương tiện giao thông tự tạo (phổ biến nhất là xe công nông) không đảm bảo an toàn. Cấm thì dễ, nhưng làm thế nào để không làm ách tắc giao thông vận tải ở nông thôn. Cần sớm có phương tiện thay thế. Mặt khác, nhiều công trình giao thông do không khảo sát địa hình kỹ nên hiệu quả kém. Qui trình thực hiện công trình giao thông không đảm bảo".

Đại biểu Quốc nhắc lại chuyện cắm biển giao thông và cho rằng: "Chỉ rút kinh nghiệm và xử lý nhẹ nhàng như bộ trưởng nói là không thỏa đáng. Chỉ đọc báo Tuổi Trẻ cũng thấy chuyện này gây ra nhiều tác hại lớn". Ông Quốc cũng nói nếu nhìn vào thực tế thì sẽ thấy qui họach giao thông thiếu tầm nhìn xa. Ở giữa Hà Nội thời điểm này mà phải lập cầu phao cũng là một minh chứng về thiếu tầm nhìn".

Ông Đào Đình Bình trả lời: "Về xe công nông, đã có phương án hoán đổi phương tiện phù hợp sắp được đệ trình trong thời gian tới". Về chuyện cắm biển báo giao thông, ông Bình lại thừa nhận: "Đây là thiếu sót". Nhưng ông Bình dẫn ra một bài báo thông tin về một kết quả nghiên cứu ở Anh cho thấy chỉ giảm tốc độ xe 3 km/giờ đã làm giảm hàng nghìn người người chết vì tai nạn/năm. Ông Bình cũng nói sẽ xem xét lại qui hoạch giao thông để "đảm bảo tầm nhìn xa hơn, dài hơn hơn, đảm bảo hơn".

Chủ tọa phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết vẫn còn bảy đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn tiếp nhưng đề nghị cho dừng phần chất vấn đối với bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình. Chủ tịch Nguyễn Văn An nhấn mạnh: "Quan trọng là phải đề ra và thực hiện được các giải pháp sát hợp để giải quyết hiệu quả các vấn đề giao thông. Khi nào có giải pháp tốt và có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương thì sẽ tạo được chuyển biến tích cực".

VŨ THƯỢNG

VŨ THƯỢNG

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên