18/08/2004 05:00 GMT+7

Bờ sông Thanh Đa: nhà lại đổ vì sạt lở

ĐẶNG ĐẠI - TRẦN CHÁNH NGHĨA
ĐẶNG ĐẠI - TRẦN CHÁNH NGHĨA

TT - Khoảng 0g sáng 17-8, những căn nhà ở chân cầu Kinh (bờ sông Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) đột ngột vặn vẹo... Hàng chục người dân nháo nhào bồng bế lao nhanh ra ngoài. Những căn nhà từ từ đổ ập xuống sông...

rdN6VSez.jpgPhóng to
Không chấp nhận bố trí tạm cư tại Trường Tầm Vu, bà con sống tạm bợ nhờ những nhà lân cận
TT - Khoảng 0g sáng 17-8, những căn nhà ở chân cầu Kinh (bờ sông Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) đột ngột vặn vẹo... Hàng chục người dân nháo nhào bồng bế lao nhanh ra ngoài. Những căn nhà từ từ đổ ập xuống sông...

Nhà đổ ập, điều đã được cảnh báo

Bà Lê Thị Chói kể trong thảng thốt: “Đang ngủ thì nhà đổ sụp. Cả nhà tui chạy nháo nhào...”. Tám nhân khẩu trong nhà bà, kể cả một em bé mới sinh, rất may đều thoát được.

Hai căn nhà đổ ụp hoàn toàn đều là loại nửa gá trên bờ, nửa chênh vênh dưới nước. Ba căn khác bị sụp một phần. Theo ông Lê Văn Ngọc, phó chủ tịch UBND P.26, Q.Bình Thạnh, 21 căn nhà khác có dấu hiệu rạn nứt trong vụ lở đất này, trong đó có mười căn ở tình trạng hư hỏng. Rất may không ai thiệt mạng nhưng hàng trăm cư dân cư ngụ ven bờ sông đều... rung rinh !

Ngay trong đêm, ông Quốc Hùng, chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cùng các cán bộ phường, công an, dân phòng đã có mặt để thị sát và tính phương án ổn định đời sống cho dân. Theo đó, bố trí cho năm hộ mất nhà trú ngụ tạm Trường tiểu học Tầm Vu. Song người dân cũng tự lo được.

Trao đổi với chúng tôi, một số hộ dân cho rằng họ đã được cảnh báo trước đó, nhưng chính quyền không có biện pháp, giải pháp nào tích cực hoặc khả thi lo cho dân. Cụ thể phương án phường đề xuất hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng để di dời khỏi nơi sạt lở trong ba tháng là không khả thi, bởi “500.000 đồng thì không thể đi đâu thuê nhà được!” - bà Chói nói. Đồng thời bà cho biết khi lên lĩnh tiền thì lúc có lúc không. Vì vậy có nhiều người không nhận.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Ngọc phản hồi: “Phường đã làm hết sức, vận động bà con tạm lánh ban đêm trong mùa mưa nhưng bà con không nghe”.

Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở ở bán đảo Thanh Đa rất nghiêm trọng.

Năm 1992, khu vực nhà thờ Mai Thôn sạt lở đã làm sập một ngôi nhà ba tầng, làm năm người chết.

Đợt sạt lở tại nhà hàng Hoàng Ty ngày 6-7-2001 làm chết hai người. Tháng 6-2003, nhà số 687C Xô Viết Nghệ Tĩnh, sân tennis cũng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Ngày 26-5-2004, sạt lở 300m2 thuộc khu biệt thự Lý Hoàng... Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được triển khai trên 14km đường sông với mức kinh phí lên tới 500 tỉ đồng.

Cảnh báo của Cục Quản lý đường sông cho biết trong ba tháng (sáu, bảy, tám), dự báo sẽ có sạt lở ở khu vực này vào ban đêm. Do đó UBND quận lập phương án vận động bà con lánh nạn vào ban đêm! Theo đó, hỗ trợ 500.000 đồng để thuê nhà ở trọ ban đêm trong ba tháng đối với hộ năm người. Mỗi người dôi thêm được hỗ trợ tiếp 150.000 đồng/người. Ông Ngọc than: “Có hộ lĩnh nhưng có hộ không thèm lĩnh, kiên quyết bám trụ dù phường và các đoàn thể đã vận động”. Ông chìa ra tờ biên bản làm việc với một hộ để chứng minh: hộ bà Lê Thị Lượng từ chối không nhận tiền hỗ trợ! Số hộ khác mặc dù nhận tiền nhưng khi đêm đến phường đi kiểm tra thì... tất cả đều có mặt và thản nhiên.

Ông Ngọc còn cho biết thêm: “Toàn tuyến bờ sông Thanh Đa thuộc phường 26 có 151 căn nhà ven sông. Trong đó có bốn điểm được xác định nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Có 51 căn nhà sống trên bốn điểm đen được cảnh báo là “thủy thần” đang chờn vờn bên dưới.

Giải pháp nào chống “thủy thần”?

Chiều 17-8, UBND TP.HCM đã có cuộc làm việc với các quận, huyện, sở, ngành cùng về nội dung thực trạng xói lở ven sông, kênh rạch và các giải pháp. Tại cuộc họp này, các điểm sạt lở nguy cơ cao không chỉ khu biệt ở khu vực phường 26 mà là toàn bán đảo Thanh Đa và dọc hai bên toàn tuyến sông Sài Gòn, tuyến rạch Tân Thuận (quận 7), sông Soài Rạp (Nhà Bè), sông Lòng Tàu (Cần Giờ)... Trong đó bán đảo Thanh Đa là điểm từng sạt lở chết người nhiều lần và vẫn là nơi nguy cơ sạt lở bất thần rập rình cao nhất.

“Tình hình xói lở ngày càng nghiêm trọng và diễn biến phức tạp” - ông Trần Minh Dũng, phó giám đốc Sở Giao thông công chánh, nói căng thẳng. Các nguyên nhân gây xói lở được cuộc họp mổ xẻ khá đầy đủ: nạn khai thác cát lậu làm thay đổi dòng chảy; tình trạng ghe, tàu chạy quá vận tốc gây sóng đánh vào bờ; tình trạng lấn chiếm mặt nước làm nước thay đổi dòng... Biết rõ nguyên nhân nhưng các địa phương và các ngành đều tỏ ra bó tay, không thể điều chỉnh các hành vi ấy được.

Nạn khai thác cát lậu được Sở Tài nguyên - môi trường báo cáo là kiểm tra không bắt được vì “khi mình đến thì họ không làm sai; mình kiểm tra ban ngày thì họ khai thác lậu ban đêm...”. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua chất vấn: “Vậy tại sao không kiểm tra ban đêm, có qui định nào cấm kiểm tra ban đêm không?”...

Sở Giao thông công chánh cho biết tám tháng đầu năm 2004 đã xử lý 15/57 vụ vi phạm lấn chiếm kênh rạch. Ông Nguyễn Văn Đua không bằng lòng: “Vì sao sai phạm nhiều mà xử lý được quá ít?”. Cảnh sát giao thông TP chỉ thêm một nguyên nhân: “Cảng sông Sài Gòn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hàng hải. Luật này không qui định xử lý hành vi phương tiện gây tạo sóng, đồng thời cho phép vận tốc lưu thông tới 80 hải lý/giờ. Vì thế trên sông Sài Gòn, cảnh sát giao thông không có lý do để điều chỉnh tốc độ phương tiện gây nguy hại cho bờ sông”... Ông Đua gỡ: “Sẽ ngồi lại với ngành hàng hải để trao đổi...”.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua cũng nhắc ngành giao thông công chánh phải nhanh chóng hoàn tất dự án chống xói lở tổng thể trên bán đảo Thanh Đa. Theo đó, phải có được đề án trong tháng tám này; giao cho Liên hiệp Các hội KHKT phản biện trước khi trình UBND TP. Vốn cho dự án là 800 triệu đồng. Trước mắt ưu tiên nạo vét mở rộng, nâng cấp kênh Thanh Đa. Đây cũng là dự án được triển khai chậm, giống như căn bệnh “chậm” của nhiều dự án khác.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua cho biết căn cơ nhất vẫn là dự án qui hoạch, chỉnh trang tổng thể bán đảo Thanh Đa. Theo đó sẽ tiến hành giải tỏa những hộ dân lấn chiếm kênh rạch một cách triệt để, cần thiết thì “làm mạnh”. Với những hộ có nhà ở hợp pháp nhưng thuộc diện điểm nguy cơ cao thì vẫn phải di dời. Các hộ sẽ được thương lượng bố trí tái định cư tùy đối tượng.

ĐẶNG ĐẠI - TRẦN CHÁNH NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên