27/09/2013 09:54 GMT+7

Bộ nói do trường, trường đổ tại bộ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Ngày 26-9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (VIPUA) đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

9ER9pfgG.jpgPhóng to
GS Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập VN - ôm đầu mệt mỏi và ông Trần Xuân Nhĩ, phó chủ tịch hiệp hội, khi nghe tham luận của đại biểu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Mở đầu hội nghị, GS Trần Hồng Quân - chủ tịch VIPUA - nhấn mạnh các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà với 1/5 số trường, gần 1/7 số SV cả nước, trong khi Nhà nước “không phải tốn một đồng xu nào”. Điều đáng buồn là đến nay “các trường vẫn chưa được cơ quan quản lý vui vẻ thừa nhận, xã hội chưa vui vẻ hoan nghênh”.

Cơ quan quản lý lẫn xã hội chưa vui vẻ thừa nhận

Theo GS Quân, lý do quan trọng khiến hệ thống trường ngoài công lập phát triển chưa tương xứng vị thế cần có, một số trường chưa hấp dẫn được thí sinh là do sự bất công trong đầu tư ngân sách cho trường công và trường tư. Trong khi SV học trường công được hỗ trợ phần lớn học phí thì nếu vào trường tư, SV sẽ gánh toàn bộ chi phí này khiến cả thí sinh, phụ huynh đều ngần ngại.

Trước luận điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đưa ra một loạt dẫn chứng dù tình hình tuyển sinh năm 2013 khó khăn, nhưng nhiều trường ngoài công lập lại làm tốt, khả quan hơn cả các trường công lập. “Điều đó cho thấy mấu chốt không nằm ở vấn đề học phí, mà chính ở tương lai nghề nghiệp các trường tạo ra sẽ làm nên sức hút, tăng nguồn tuyển” - ông Ga nói.

Mùa tuyển sinh 2013, báo chí và nhiều chuyên gia giáo dục đã đề cập đề thi ĐH dễ, điểm sàn ĐH thấp là cách Bộ GD-ĐT cứu trường tư, nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời cụ thể từ bộ. Tuy nhiên tại hội nghị, để chứng minh sự chia sẻ của Bộ GD-ĐT, lần đầu tiên Thứ trưởng Bùi Văn Ga diễn giải những điều chỉnh về đề thi, điểm sàn đều xuất phát từ chính vấn đề tuyển sinh của các trường ngoài công lập.

Xác định tỉ lệ sinh viên/vạn dân là sai lầm?

Bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - cho rằng các trường ngoài công lập không được hưởng bầu sữa ngân sách lại có thuận lợi “được nhìn rộng ra thế giới”, nên học cái tốt, tránh cái sai lầm của các nước. Theo bà Phượng, nếu Chính phủ, cơ quan quản lý nghiên cứu tư duy quản lý từ các nước có chính sách tốt thì các trường “biết ơn”, còn nếu không thì cũng coi như người dân nên “ráng chịu”. Do đó, việc đổi mới phải được thực hiện tự thân từ các trường.

Một số trường ngoài công lập cho rằng việc bộ đặt ra yêu cầu “siết chặt số lượng”, không mở mới các trường, không tăng quy mô đào tạo là sai lầm, không hoàn thành trách nhiệm Chính phủ đặt ra 10 năm trước là đến năm 2020 phải có 400 SV/vạn dân, trong đó có 40% SV ngoài công lập (trong quy hoạch mới, tỉ lệ này được rút xuống còn hơn 250 SV/vạn dân cho năm 2020).

Trong khi đó, GS Hoàng Xuân Sính - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long - cho rằng việc xác định tỉ lệ SV/vạn dân quá cao, chỉ để bắt kịp tỉ lệ một vài nước xung quanh là sai lầm. “Nếu biết rằng thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan gấp hơn bốn lần VN thì việc đặt mục tiêu tăng SV VN nhanh như thế là quá vội vàng, tăng các trường trong các năm 2010-2012 quá nóng, dẫn đến không có chất lượng, lãng phí, đào tạo ra mà không dùng được” - GS Sính phân tích.

Phải thay đổi cách xài tiền!

Cả hội trường bùng nổ với phần diễn thuyết dài gần một giờ của GS Trần Phương - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.

Theo GS Phương, nguyên nhân khiến người ta có cảm tưởng trường ĐH mở ồ ạt chính là hệ thống các trường ĐH ở địa phương.

Tỉnh nào cũng nghĩ mình cần có trường ĐH, bí thư, chủ tịch UBND tỉnh xin, bộ nể lại cho lập trường mới. “Tôi cứ làm phép tính đơn giản.

Thống kê vài năm trước cho thấy số thạc sĩ hiện nay chiếm đến gần 1/2 ở Hà Nội, 1/4 ở TP.HCM và 1/4 còn lại chia cho 60 tỉnh thành. Như vậy lấy đâu ra thầy giáo?” - GS Phương đặt vấn đề.

Ông Phương dẫn chứng có trường ĐH ngoài công lập ở Nam Định vừa mở ra đã có đến 20 ngành đào tạo từ nông, lâm đến kinh tế, tài chính, kỹ thuật... và buộc lòng phải đến Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội “mượn” một vài thầy để bảo đảm tiêu chí số SV/giảng viên.

“Nhưng những ông TS đó giảng ở trường tôi cũng hết hơi rồi, làm sao đi hơn 100km về Nam Định để dạy? Họ chỉ đứng tên để trường “bịp” bộ cho phép mở ngành, cho phép đào tạo mà thôi”.

GS Phương chia sẻ khi đọc bản đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mà Bộ GD-ĐT sắp trình trung ương, ông thấy “bâng khuâng” và “hoang mang” khi một loạt đổi mới to tát được đặt ra, nhưng tiền đâu để thực hiện? 20% ngân sách dành cho giáo dục không thể căng thêm được nữa, nhưng nếu không thay đổi cách tiêu tiền và quản lý tiền thì giáo dục không phát triển được.

“Giáo dục VN sai lầm vì không có nước nào đè đầu cả các cháu học mầm non, tiểu học ra đóng học phí. Nhưng nếu miễn phí cho các em thì giáo dục xoay xở thế nào khi đang bao cấp đến 70% học phí cho SV công lập? Do đó, giải pháp quan trọng cần làm ngay là phải xã hội hóa ngay trong các trường công lập, phụ huynh phải đóng góp để con em theo học. Cơ quan quản lý cứ nói lộ trình, thực tình đặt ra lộ trình là để không phải làm gì!” - GS Phương nói.

Trong khi phát biểu, thi thoảng GS Trần Phương lại quay sang đại diện Bộ GD-ĐT tham dự hội nghị - Thứ trưởng Bùi Văn Ga - để nói hai tiếng “xin lỗi” trước mỗi lần khẳng định: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT sai rồi”, “nếu bộ không thay đổi tư duy quản lý và cách tiêu tiền, giáo dục không phát triển được”.

Giáo dục VN phát triển chậm hơn các nước

Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước - khẳng định những người phụ trách giáo dục cần xem lại phải làm gì để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, nhất là khi giáo dục VN phát triển chậm hơn so với các nước xung quanh. “Các tổ chức quốc tế đều đánh giá trong chiến tranh VN là tấm gương về giáo dục. Song đến bây giờ, giáo dục VN hầu như xếp hạng chót. Có những tổ chức còn đánh giá giáo dục VN kém hơn cả Lào, Campuchia...” - bà Bình nói. Theo bà Bình, nguyên nhân dẫn đến sự thua kém đào tạo nhân lực thì chính cơ quan quản lý giáo dục biết rõ hơn ai hết. “Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy nguyên nhân trước hết là do Bộ GD-ĐT trong ban hành cơ chế, chính sách, sau đó mới nói đến trách nhiệm của các trường” - bà Bình nhấn mạnh.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên