19/09/2010 07:24 GMT+7

Bỏ HĐND quận, huyện, phường: Quốc hội thận trọng

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Sau hơn một năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành trên toàn quốc, Chính phủ trình ra hai phương án để Quốc hội lựa chọn. Theo đó, phương án 1 là không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên cả nước từ tháng 5-2011, phương án 2 là mở rộng thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thêm 20 tỉnh thành.

Tuy nhiên, qua thảo luận tại ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-9 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau...

KCFtEZPo.jpgPhóng to

Một người dân trao đổi trực tiếp những bức xúc của mình với ông Phan Dũng - chủ tịch P.Hải Châu 1, TP Đà Nẵng - Ảnh: Đăng Nam

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh thành thực hiện thí điểm, tính đại diện và quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn được bảo đảm thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, của Ủy ban MTTQ VN, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

“Kết quả bước đầu cơ bản là tốt”

Ông Tuấn nói: “Để thực hiện quyền dân chủ của người dân, định kỳ hằng tháng các quận huyện của TP.HCM và Hải Phòng tổ chức hội nghị giao ban dư luận xã hội, đối thoại giữa chính quyền với nhân dân, giữa chính quyền với doanh nghiệp; các phường đã phân công lãnh đạo UBND, cán bộ, công chức phường tham dự các cuộc họp của tổ dân phố... để thông tin kịp thời các hoạt động của chính quyền cho nhân dân biết, đồng thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, phản ảnh của nhân dân. Những hoạt động này đã tạo nên sự gần gũi giữa chính quyền với nhân dân”.

Ông Trần Văn Tuấn cũng khẳng định hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp đảm bảo ổn định, không gây xáo trộn... Bước đầu đã tinh gọn bộ máy, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong khâu phê duyệt quyết toán, quyết định và phân bổ, điều hành ngân sách; giảm chi cho tổ chức và hoạt động của HĐND quận, huyện, phường (bình quân tại một huyện giảm 370 triệu đồng, quận giảm 445 triệu đồng, phường giảm 95 triệu đồng).

Do không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, 10 tỉnh thành thực hiện thí điểm đã tiết kiệm 85 tỉ đồng/năm. Việc thực hiện thí điểm đã bước đầu phân biệt về bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Theo đó, ở đô thị tổ chức HĐND theo mô hình một cấp đã phát huy và bảo đảm sự tập trung, thống nhất, không bị chia cắt trong quản lý đô thị...

Theo chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, trong hơn một năm qua công tác tổ chức thực hiện thí điểm về cơ bản là tốt, tuy nhiên những kết quả đó mới là bước đầu.

Ông Thuận nói: “Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy còn một số vấn đề cần được quan tâm xem xét, cụ thể: 1. Ở các địa phương nơi thực hiện thí điểm còn lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân để thay thế vai trò của HĐND trước đây. 2. Chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra hữu hiệu để thay thế chức năng giám sát của HĐND đối với hoạt động của UBND và các cơ quan tư pháp, nhất là giám sát việc chi tiêu ngân sách nhà nước ở địa phương...”.

Cần lấy ý kiến nhân dân

Để tiếp tục thực hiện chủ trương thí điểm nêu trên, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Phương án 1 là đề nghị tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (tháng 10-2010) xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 liên quan đến HĐND để thực hiện không tổ chức HĐND quận huyện, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5-2011. Nếu lựa chọn phương án này, tháng 5-2011 chỉ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh thành, thị xã, thị trấn; không bầu cử đại biểu HĐND quận, huyện, phường trên phạm vi cả nước.

Phương án 2 là ngoài việc tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh thành như hơn một năm qua, đề nghị tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội ban hành nghị quyết mở rộng phạm vi thí điểm tại 20 tỉnh thành khác đại diện cho các vùng, miền của cả nước. Thời gian thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 30 tỉnh thành này kéo dài đến khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi. Trên cơ sở phân tích những ưu điểm cũng như hạn chế của từng phương án, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét lựa chọn thực hiện theo phương án 1. Trong trường hợp không thực hiện được theo phương án 1 thì đề nghị thực hiện phương án 2.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng phương án 1 là phương án tích cực, tuy nhiên để thực hiện được thì việc tổng kết phải đạt được sự đồng thuận cao và bảo đảm tính thuyết phục.

“Trường hợp cần sửa đổi hiến pháp và các đạo luật có liên quan để làm cơ sở cho việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình đã thí điểm trên phạm vi cả nước thì công việc này cần phải hoàn thành trong năm 2010. Đây là một công việc không hề đơn giản và chỉ xét riêng về quỹ thời gian thì đây là một thách thức. Hơn nữa, HĐND là một thiết chế dân chủ nên việc sửa đổi hiến pháp liên quan đến việc không tổ chức HĐND ở một số cấp cần được nghiên cứu kỹ và cần được tổ chức lấy ý kiến của nhân dân” - ông Nguyễn Văn Thuận nói.

Thường trực Ủy ban Pháp luật khẳng định tán thành với phương án tiếp tục thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh thành mà không cần mở rộng thêm như đề xuất của Chính phủ.

Ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba có chung băn khoăn: “Chưa thể nói được nghiêng theo phương án nào”. Bà Thu Ba phát biểu: “Một số nơi như TP.HCM đồng ý không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng, dân trí ở thành phố khác với cấp huyện... Vì vậy cần thí điểm thêm”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề khó, phức tạp, nên ý kiến khác nhau là bình thường, do vậy cần phải hết sức thận trọng. Ông nói: “Hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới dừng lại ở bước góp ý kiến, sắp tới Bộ Chính trị còn nghe, rồi trình ra trung ương, trình ra Quốc hội xem xét, quyết định”.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND cùng ngày

Ngày 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND. Ban soạn thảo dự án luật này cho biết năm 2011, chúng ta sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (khoảng tháng 1-2011); tiếp theo sẽ tiến hành bầu cử đồng thời đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016. Để thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, cần phải có sự thống nhất một số quy định giữa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND, đồng thời sửa đổi một số vướng mắc về tổ chức thực hiện bầu cử.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước và trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng ủng hộ việc tăng số lượng đại biểu HĐND cho cả TP Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói lần sửa đổi, bổ sung này chỉ tập trung vào các vấn đề phục vụ việc thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên