![]() |
Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates loan báo quyết định xin EU giải cứu tài chính tại Lisbon ngày 6-4 - Ảnh: Reuters |
Phát biểu trên truyền hình tối 6-4 (giờ địa phương), thủ tướng sắp mãn nhiệm Jose Socrates tuyên bố: “Chính phủ Bồ Đào Nha đã quyết định yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) giúp đỡ tài chính”. Yêu cầu được đưa ra sau khi quốc hội nước này mới đây từ chối thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng, dẫn đến chính phủ, bao gồm cả Thủ tướng Socrates, đã phải đệ đơn từ chức từ ngày 23-3 và kêu gọi một cuộc tổng bầu cử vào ngày 5-6. Trước đó, trong nhiều tháng, Lisbon đã kiên quyết từ chối nhận hỗ trợ quốc tế. “Tôi đã thử mọi cách, nhưng chúng ta đã chạm đến thời điểm mà nếu không thực hiện quyết định này sẽ đẩy đất nước vào những nguy hiểm không đáng có” - ông Socrates thừa nhận.
EC xác nhận đã nhận được yêu cầu từ Bồ Đào Nha và sẽ giải quyết “một cách nhanh nhất có thể”. “Đây là một hành động có trách nhiệm của Chính phủ Bồ Đào Nha” - Olli Rehn, một quan chức kinh tế cấp cao của EU, nhận xét. Các bộ trưởng tài chính EU và chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet họp về kế hoạch giải cứu này vào ngày 8-4 ở Budapest (Hungary).
Chưa rõ số tiền cụ thể mà Bồ Đào Nha sẽ yêu cầu, song giới chuyên gia ước tính gói cứu trợ này sẽ khoảng 86-114 tỉ USD, thấp hơn so với mức 121 tỉ USD trước đó của Ireland và 157 tỉ USD của Hi Lạp. Châu Âu dự kiến sẽ dễ dàng giải quyết được gói giải cứu này bằng nguồn quỹ cứu trợ 630 tỉ USD đã được lập ra trước đó. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết sẵn sàng tham gia hỗ trợ nước này vượt qua khủng hoảng, theo Reuters. Song đổi lại, Lisbon có thể cũng phải chấp nhận một số điều kiện thắt lưng buộc bụng khắt khe.
Giới đầu tư từ nhiều tháng qua đã dự đoán việc giải cứu con nợ Bồ Đào Nha là điều khó tránh khỏi.
Joao Leite, lãnh đạo bộ phận đầu tư thuộc Tổ chức Banco Carregosa (Lisbon), nhìn nhận sự hỗ trợ của quốc tế sẽ giúp giải quyết các vấn đề tài chính của Bồ Đào Nha, nhưng nước này cần phải giải quyết triệt để những vấn đề khác như các khoản thâm hụt khổng lồ, tính cạnh tranh và tăng trưởng yếu. “Giải pháp cho những vấn đề này chỉ phát huy hiệu quả trong thời gian dài. Cho đến lúc đó, Bồ Đào Nha vẫn còn một chặng đường khó khăn” - Leite nhận định.
Giới phân tích cho biết kịch bản tồi tệ hơn có thể xảy ra nếu Bồ Đào Nha rơi vào tình trạng chính phủ thiểu số khiến nền kinh tế thêm tồi tệ và ảnh hưởng tiêu cực có thể lan rộng đến Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha, nước có nguy cơ vỡ nợ cao sau Bồ Đào Nha, hôm 6-4 khẳng định sẽ không để bị rơi vào vết xe đổ của Lisbon. “Nền kinh tế của chúng tôi có tính cạnh tranh cao hơn nhiều” - Bộ trưởng kinh tế Elena Salgado tuyên bố. Cổ phiếu của Tây Ban Nha đang được theo dõi chặt chẽ, song giới đầu tư hi vọng Madrid sẽ tránh được nguy cơ sụp đổ.
ECB rục rịch tăng lãi suất Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là đang chuẩn bị nâng lãi suất cho vay trước lo ngại lạm phát có thể làm ảnh hưởng đến các nước trong khu vực. Đây là lần đầu tiên ECB điều chỉnh lãi suất kể từ năm 2008. Dẫn khảo sát đối với 57 nhà kinh tế, Bloomberg dự báo mức lãi có thể tăng từ 1% lên 1,25%. Tuy nhiên, một biện pháp như vậy có thể gây khó khăn cho nhiều con nợ trong khu vực như Bồ Đào Nha. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận