Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là dự luật được xây dựng trên cơ sở Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Không mất kinh phí đầu tư cơ sở vật chất
Theo Bộ Công an, quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hiện nay cả nước có 78 trại tạm giam, 720 nhà tạm giữ, 247 buồng tạm giữ (Bộ Công an đang quản lý 69 trại tạm giam, 703 nhà tạm giữ; Bộ Quốc phòng quản lý 9 trại tạm giam, 17 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ của đồn biên phòng).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 6 năm triển khai thi hành, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập.
Từ đó, Bộ Công an đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Trong đó, bổ sung quy định khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam cần thực hiện hoạt động thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, tạm giam gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công an nêu rõ hiện nay việc thu thập sinh trắc học gồm khuôn mặt, vân tay, mống mắt, giọng nói, bộ đang triển khai đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư.
Do đó việc bổ sung quy định này chỉ tổ chức thực hiện, không mất kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên riêng hoạt động thu thập sinh trắc học ADN sẽ cần chi phí vật tư tiêu hao (mẫu thử) để thực hiện.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 - 2023, các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã tiếp nhận và quản lý 423.982 người bị tạm giữ và 486.234 người bị tạm giam.
Như vậy, nếu tính số người đã được lấy ADN (trong thời gian tạm giữ) thì số người phải lấy ADN trong thời gian tạm giam là 62.252 người.
Vậy tổng số người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần phải lấy AND là 486.234 người (trung bình có khoảng 81.000 người bị tạm giam, bị tạm giam/năm) với 1 triệu đồng/mẫu thử.
Theo đó, nếu bổ sung quy định này, Nhà nước sẽ chi khoảng 81 tỉ đồng/năm để thực hiện.
Đề xuất bổ sung chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, tạm giam
Cùng với đó, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định về tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam trong trường hợp bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam, gồm bỏ quy định trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ hoạt động thi hành án.
Bổ sung quy định trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác giam giữ, tham gia thực hiện giao dịch dân sự...
Sửa đổi, bổ sung về định lượng quà là đồ ăn, đồ uống của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi nhận quà của thân nhân. Bổ sung quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, tạm giam (số lần được cấp báo).
Về bổ sung quy định số lần được cấp báo cho người bị tạm giữ, tạm giam, báo cáo đánh giá tác động nêu rõ nếu tính trung bình một nhóm (20 người tạm giữ) một lần tạm giữ (cả các lần được gia hạn) được cấp một tờ báo.
Một nhóm (20 người tạm giam) mỗi tháng tạm giam (bao gồm thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam tối đa 1 năm là 12 lượt cấp báo) được cấp một tờ báo trung ương hoặc địa phương thì Nhà nước sẽ chi khoảng hơn 260 triệu đồng/năm để thực hiện các chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam (tăng hơn 182 triệu đồng so với giải pháp giữ nguyên quy định như hiện nay).
Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ thăm gặp, tiếp xúc luật sư, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Sửa đổi, bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm phục vụ quản lý chặt chẽ đối với người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận