19/11/2018 11:49 GMT+7

Bờ biển “thủ đô” resort Phan Thiết sạt lở nặng

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Bờ biển phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết, Bình Thuận) – nơi mệnh danh là “thủ đô” resort - thời gian gần đây đang sạt lở nặng khiến các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa bởi không biết tài sản bị đánh trôi lúc nào.

Bờ biển “thủ đô” resort Phan Thiết sạt lở nặng - Ảnh 1.

Biển xâm thực, “nuốt” trôi nhiều tài sản của một số khu du lịch tại phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết – Bình Thuận) - Ảnh: ĐỨC TRONG

Điều đáng nói, một số doanh nghiệp đã tự "chữa cháy" bằng cách làm kè không phép khiến bờ biển nham nhở hơn…

"Nuốt" trôi nhiều tài sản

Những ngày qua, dọc bờ biển phường Hàm Tiến đoạn từ khách sạn Kim Ngân đến khu du lịch Làng Tre (khoảng 2km) nhan nhãn cảnh sạt lở. 

Biển xâm thực vào sâu trong bờ khoảng 25-35m. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nơi đây đang ra sức gia cố phần còn lại của bờ biển cho du khách vui chơi. 

Nhiều nơi bờ biển đã bị xâm thực sát mép tường rào, "nuốt" trôi hết dải bờ cát, nhà hàng tạo ra các vực sâu.

Nơi sạt lở nặng nhất thuộc khu vực resort Rạch Dừa. Tại đây, biển đã "nuốt" trôi một nhà hàng, tường rào và tiếp tục "hăm dọa" hồ bơi cùng nhiều tài sản khác. Hiện resort này đã ngưng hoạt động để sửa chữa lại. 

Trong khi đó, một nhân viên bảo vệ resort cho biết khu vực này trước kia là bờ cát để du khách nằm nghỉ dưỡng và tắm biển. Kể từ đầu năm, biển bắt đầu xâm thực và ngày càng nặng. Các khối bêtông đang được doanh nghiệp tập kết sẵn để gia cố lại bờ biển.

Bờ biển “thủ đô” resort Phan Thiết sạt lở nặng - Ảnh 2.

Biển "nuốt" nhiều tài sản tại khu resort Rạch Dừa, phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG

Mặc dù chưa thiệt hại về tài sản, nhưng tại resort Blue Ocean biển cũng đang "nuốt" dần bãi tắm. Các nhân viên nơi đây phải dùng bao cát gia cố, giữ lại bờ để tránh biển xâm thực sâu gần sát tường rào.

Đứng nhìn bờ resort mình đang bị uy hiếp, bà Phạm Thị Hồng Phương – chủ FullMoon Resort – cho biết chưa bao giờ tình trạng biển xâm thực nặng như lúc này. 

Hiện tường rào resort trên đang hằng ngày "gồng" mình chống chọi lại sóng biển. Từng mảng bêtông bắt đầu nứt toát. Mặc dù các nhân viên đã gia cố nhưng vẫn thấp thỏm lo sợ không biết trôi lúc nào.

Bờ biển “thủ đô” resort Phan Thiết sạt lở nặng - Ảnh 3.

Các resort đang gia cố, níu kéo phần còn lại của bờ biển - Ảnh: ĐỨC TRONG

Sạt lở ngày càng nặng

Cũng tại bờ biển trên, báo Tuổi Trẻ từng phản ánh tình trạng biển xâm thực, sạt lở kể từ sau Tết Nguyên đán vừa qua. Nhưng thời điểm ấy số doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít hơn so với bây giờ.

 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận cũng thừa nhận tình trạng biển xâm thực, sạt lở khu vực này ngày càng nặng.

Bờ biển “thủ đô” resort Phan Thiết sạt lở nặng - Ảnh 4.

Biển ngày đêm uy hiếp các khu du lịch ở phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG

Theo sở, nếu đợt xâm thực thời điểm trước (từ ngày 9 đến 13-3) chỉ dài hơn 1km thì phạm vi đợt này đã ảnh hưởng gấp đôi. 

Một số cơ sở bị thiệt hại nặng như Lâm Tòng quán, khu du lịch Rạch Dừa, Joe's Cafe Mũi Né, FullMoon Beach Resort,… 

Các cơ sở trên trước đây cũng đã làm kè nhưng do giải pháp chưa hợp lý (chân kè đặt nông, cát nền bị xói trôi) nên bây giờ nứt gãy và hiện chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Hiện tình trạng biển xâm thực vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Nói về nguyên nhân, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết do thời gian qua ảnh hưởng của đợt triều cường dâng cao kết hợp với sóng to và gió lớn. 

Để bảo vệ khẩn cấp tài sản, các cơ sở du lịch đã dồn dập làm kè tự phát nhô ra biển. Các cơ sở khu du lịch như Tia Nắng, Sunny Beach, Sunrise Beach, Tiến Đạt, Coco Beach làm kè dọc bờ biển theo kiểu hình chữ T và L nhô ra biển để chắn sóng với chiều dài từ 30-50m. Một số khu du lịch như: Sài Gòn –Mũi Né, Biển Xanh hiện đang làm thủ tục xin phép xây dựng kè.

Mặc dù hạn chế được tình trạng xâm thực, nhưng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận cảnh báo việc xây dựng các loại kè mỏ hàn như trên không có thiết kế chuyên ngành, không qua thẩm định nên hiệu quả thấp. 

Ngoài ra, việc xây dựng kè tự phát của doanh nghiệp sẽ không tạo được cung bờ hoàn chỉnh, khép kín, đồng thời không thể thực hiện kè chuyển tiếp về hai phía và gây sạt lở khu vực lân cận. Việc tác động do xây dựng các kè mỏ hàn khó đánh giá do hiện nay không có số liệu quan trắc về dòng chảy ven bờ.

Bờ biển “thủ đô” resort Phan Thiết sạt lở nặng - Ảnh 5.

Nhiều resort ở phường Hàm Tiến xây dựng kè mềm trái phép khiến bờ biển nham nhở - Ảnh: ĐỨC TRONG

Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ về tình trạng sạt lở hồi tháng 3 vừa qua, một số resort chưa làm kè tự phát như Suối Tiên  - Mũi Né, Coco Beach đã bị sạt lở nặng. Gần các resort này là những resort làm kè tự phát, sau đó UBND Bình Thuận yêu cầu khắc phục lại hiện trạng ban đầu. 

Sau vài tháng trở lại, hiện khu vực resort Coco Beach đã xây dựng xong loại kè chui như trên. Việc làm kè đã hạn chế sạt lở và biển bồi thêm cát nơi đây nhưng xung quanh đó như resort Sài Gòn – Mũi Né lại sạt lở nặng trong khi trước đó không có tình trạng này.

Ông Ngô Ngọc Dũng – chủ tịch UBND phường Hàm Tiến - cho biết việc các doanh nghiệp dồn dập làm kè như vậy đã làm mất mỹ quan tự nhiên, gây mất an toàn cho du khách tắm biển. 

"Khi phát hiện, phường đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên nhưng hiện nay vẫn chưa thay đổi" – ông Dũng nói.

Khu vực resort Coco Beach tại phường Hàm Tiến trước và sau khi làm kè mềm - Ảnh: ĐỨC TRONG

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên