04/03/2016 11:22 GMT+7

Bình Nhưỡng đáp trả lệnh trừng phạt mới

THU ANH
THU ANH

TT - Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa thông qua lệnh trừng phạt hà khắc mới, Bình Nhưỡng đã cho bắn nhiều vật thể tầm ngắn ra biển như một cách phản ứng.

Các vật thể kim loại được cho là từ tên lửa Triều Tiên được trưng bày tại căn cứ hải quân Pyeongtaek, Hàn Quốc ngày 11-2 - Ảnh: Reuters
Các vật thể kim loại được cho là từ tên lửa Triều Tiên được trưng bày tại căn cứ hải quân Pyeongtaek, Hàn Quốc ngày 11-2 - Ảnh: Reuters

Giới quan sát đánh giá động thái này làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vốn đã bị làm nóng bởi vụ thử bom của Bình Nhưỡng hồi tháng 1 và vụ phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 2.

Những vụ việc này khiến quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao. Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói đang tìm cách xác định xem các vật thể tầm ngắn mà Bình Nhưỡng bắn ra biển là tên lửa hay đạn pháo.

Trong khi đó, hôm qua Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã lên tiếng hoan nghênh việc thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng Bảo an.

Bà khẳng định: “Chúng tôi sẽ hợp tác với thế giới để buộc CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân của mình”.

Trung Quốc gánh trọng trách

Gánh nặng của việc thực thi lệnh cấm vận Bình Nhưỡng mới, từ việc kiểm tra tàu đi/đến Triều Tiên cho đến việc cắt giảm nhập khẩu than, chủ yếu rơi vào Trung Quốc - nước đang muốn trừng phạt người láng giềng vì vi phạm các nghị quyết về hạt nhân.

Sau gần hai tháng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh đã nhất trí thông qua dự thảo do Mỹ đề xuất nhằm siết vòng cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

Nghị quyết yêu cầu các nước thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện kiểm tra bắt buộc đối với tất cả các tàu hàng đi và đến từ Triều Tiên ngang qua lãnh thổ của các nước, cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu vàng và than nếu lợi nhuận từ đó được dùng để phục vụ cho chương trình vũ khí.

Năm ngoái, Trung Quốc nhập than trị giá 938 triệu USD và 73 triệu USD quặng sắt từ Triều Tiên.

Đối với Trung Quốc, nước chiếm đến 90% giao thương của Triều Tiên, điều này đồng nghĩa với việc phải tăng cường kiểm tra tại các cảng biển như Đại Liên hay tại thành phố biên giới Đan Đông, nơi hầu hết thông thương giữa hai nước đi qua.

Tuy nhiên, khoáng sản xuất khẩu dùng cho các mục đích đời sống lại được miễn trừ trong nghị quyết. Giới phân tích nói điều này không thể theo dõi được.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Triều Tiên Choi Kyung Soo nhận định: “Anh không thể xác định phần nào của giao thương khoáng sản liên quan tới mục đích đời sống hay không”.

Bề nổi của vấn đề

Dù ngày càng chỉ trích nhiều hơn đối với chương trình hạt nhân và vũ khí của Bình Nhưỡng, Trung Quốc cũng muốn có sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Reuters dẫn lời chuyên gia Kim Dong Yub thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông, Trường đại học Kyungnam (Hàn Quốc): “Có vẻ như Trung Quốc đang chung tay giải quyết vấn đề, nhưng đó chỉ là bề nổi”.

Hai nước chia sẻ đường biên giới dài khoảng 1.400km và các hoạt động giao thương, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đã tăng trưởng trong những năm qua.

Theo Reuters, những giao thương bí mật chiếm phần đáng kể trong thương mại giữa hai bên. Chuyên gia Kim Dong Yub nhận định: “Rất khó để lệnh cấm vận phát huy hiệu quả cho đến khi nào những tuyến thông thương này bị chặn đứng”.

Vấn đề nhân đạo lại là một khía cạnh khác. Chuyên gia Jin Qiangyi, thuộc Trường đại học Yanbian (Trung Quốc), gần biên giới với CHDCND Triều Tiên, nói có một khả năng thực tế rằng các vòng cấm vận mới đè lên nền kinh tế vốn đã kiệt quệ có thể tạo ra vấn đề về nhân đạo và tác động đến khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi an toàn lệnh cấm vận.

Những người chỉ trích lệnh cấm vận nói điều này bóp nghẹt nền kinh tế khó khăn của CHDCND Triều Tiên và làm tổn thương người dân nước này.

Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây ở Bắc Kinh từ chối nêu danh tính nói rằng Trung Quốc lo ngại việc cắt đứt hoàn toàn với CHDCND Triều Tiên và khẳng định rằng thường dân nước này không đáng bị trừng phạt bởi những hành động của giới lãnh đạo.

Nghị quyết trừng phạt mới cũng cấm xuất xăng dầu hàng không đến Triều Tiên, trừ trong trường hợp cần thiết và nhân đạo.

Hiện hầu hết xăng dầu hàng không cho Triều Tiên đến từ Trung Quốc. Năm ngoái, Bình Nhưỡng chi 876.627 USD để nhập 1.414 tấn nhiên liệu máy bay từ Trung Quốc, đủ để nước này vận hành đội bay cũ kỹ.

Phản ứng của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh tin rằng lệnh cấm vận mới sẽ nhằm vào việc kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên và không ảnh hưởng đến thường dân.

Ông Hồng nhấn mạnh điều cần thiết nhất là đưa Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán. Khi được hỏi về các chỉ trích nói rằng Trung Quốc không thực thi đầy đủ các lệnh cấm vận trước đây đối với Bình Nhưỡng, ông Hồng bác bỏ điều này.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên