01/02/2008 08:08 GMT+7

Biểu tượng tuổi 68 của mùa xuân 68

THANH GƯƠNG trích dịch
THANH GƯƠNG trích dịch

TT - Câu chuyện một người mẫu được chụp tình cờ trong một cuộc mittinh, và rồi trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng tuổi trẻ phương Tây năm 1968 đã được báo Ý Corriere Della Sera kể lại nhân 40 năm mùa xuân 68. Tuổi Trẻ trích giới thiệu.

40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

pYCpK0Vv.jpgPhóng to
Caroline de Bendern ngày nay - Ảnh: Corriere Della Sera
TT - Câu chuyện một người mẫu được chụp tình cờ trong một cuộc mittinh, và rồi trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng tuổi trẻ phương Tây năm 1968 đã được báo Ý Corriere Della Sera kể lại nhân 40 năm mùa xuân 68. Tuổi Trẻ trích giới thiệu.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hôm ấy là ngày 13-5-1968, Caroline de Bendern, một cô người mẫu trẻ đẹp thuộc một gia đình vọng tộc ở Anh (cô sinh ở Windsor), tham dự một buổi "trình diễn", nhưng không phải trình diễn thời trang như cô vẫn thường làm, mà là mittinh xuống đường của sinh viên Paris chiếm đóng đại học Sorbonne.

Trong bối cảnh của khu phố Latine, cô Caroline được một bạn trai công kênh trên vai, tóc ngắn cắt gọn trước trán, ánh mắt kiêu hùng, vẫy cao lá cờ "nửa đỏ nửa xanh" của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN.

Khởi đầu êm đềm

Thời đó Caroline de Bendern được 28 tuổi và bây giờ phải cộng thêm 40 năm nữa, con số 68 như mùa xuân năm ấy. Caroline đang sống ở Mainneville, một làng với khoảng 300 dân cư, nằm trong vùng đồng bằng đầy sương mù của vùng Normandie.

"Thời ấy tôi là một người mẫu trẻ đẹp, sinh lực tràn đầy - Caroline kể - Công việc trình diễn thời trang cho tôi cơ hội đi khắp nơi: Rome, Paris, New York và cho tôi cơ hội tiếp cận giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp, giới điện ảnh với các nghệ sĩ như Andy Warhol. Tôi cũng có một mối tình với Lou Reed. Nhưng điều quan trọng nhất, tôi là một người có quyền thừa kế một gia sản kếch sù. Ông tôi là một người giàu, có họ hàng với hoàng gia Áo. Sau khi cha mẹ tôi thôi nhau, chính ông là người đứng ra chăm lo cho tôi. Ông cho tôi học nhạc và bảo người chỉ dạy tôi những nghi thức quí phái, sau đó gửi tôi đến thành phố Vienne với hi vọng tôi sẽ kiếm được một tấm chồng quí tộc.

Khổ nỗi, tôi không cảm thấy mình sinh ra để sống cuộc sống như ông mơ tưởng. Tôi chỉ muốn được ngao du để biết đây biết đó. Và tôi bước vào giới thời trang với sự bất đồng của ông tôi. Để gây áp lực, ông quyết định cắt "viện trợ". Đó là vào mùa đông năm 1967 và tôi sống nhờ nhà một người dì. Ban ngày tôi đi làm người mẫu. Chiều tối tôi nhập hội các họa sĩ, nhạc sĩ, trí thức".

Và cuộc đời của Caroline cứ thế trôi đi bình lặng đến ngày 13-5-1968.

Tôi yêu tự do!

OA501arM.jpgPhóng to
Caroline de Bendern đang giương cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN

Hôm đó tại quảng trường Edmond Rostang, gần khu vườn Luxembourg, có một cuộc mittinh xuống đường của sinh viên. Caroline tình cờ đi theo với một vài người bạn. Sau khi theo đoàn biểu tình một quãng đường dài, chân Caroline bị đau và một anh bạn họa sĩ đã lịch sự công kênh cô lên vai. Thế là hình dáng Caroline sừng sững hiện lên cao hơn mọi người xung quanh. Bỗng ai đó trong đám đông dúi vào tay Caroline lá cờ "nửa đỏ nửa xanh" và nói "đưa lên thật cao".

Với lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN trong tay, Caroline chỉnh lại bộ thế, ưỡn người lên cao, mắt nhìn thẳng phía trước, cánh tay vươn cao ngọn cờ... Ngay chính lúc đó, Jean-Pierre Ray, nhà báo ảnh chuyên nghiệp chụp hình cho cơ quan thông tấn Gamma, đưa máy ảnh lên... Caroline "hóa thân" thành biểu tượng của tháng 5 năm ấy.

"Thật tình mà nói tôi chẳng hiểu nhiều về cách mạng, nhưng tôi chống lại chiến tranh ở Việt Nam và là một cảm tình viên của phong trào hippie ở Mỹ. Tôi yêu tự do, yêu tinh thần sáng tạo. Lúc đó tôi đã có đóng vai trong một cuốn phim với đề tài về phong trào thanh niên sinh viên ở Mỹ. Tôi luôn luôn chống lại chiến tranh và bạo lực. Và lúc được ngồi trên vai của anh bạn họa sĩ tôi cảm thấy hăng hái như mình đang "cưỡi sóng" cách mạng" - Caroline tâm sự như thế.

Tấm ảnh được truyền đi khắp hoàn cầu. Và tấm ảnh cũng đến tay người ông giàu có của Caroline, một người có dòng máu hoàng gia không thể nào chấp nhận "cách mạng" ngay trong nhà của mình. Caroline kể: "Khi cầm tấm hình trong tay, ông tôi nói rằng tôi ăn mặc theo kiểu cách mà ông chẳng ưa tí nào. Và ông gọi điện thoại nói rằng tôi sẽ hối hận vì những điều tôi làm. Và ông đã giữ đúng lời hứa: khi mất, ông chẳng để lại cho tôi một xu nào cả”.

Thế là vừa mất việc lại vừa bị tước quyền thừa kế gia tài, Caroline, với đôi mắt trong xanh và gương mặt đẹp như một thiên thần, chỉ còn lại trong tay có mỗi hành trang: vốn liếng sinh ngữ - tiếng Anh, Đức, Ý, Pháp và một chút đỉnh tiếng Trung Quốc.

Caroline làm lại cuộc đời. Cô lấy Barney Wilson, một nghệ sĩ thổi kèn saxophone mà cô quen ở Paris. Sau đó hai vợ chồng sang châu Phi cùng với đạo diễn Serge Bard với ý định quay một cuốn phim. Cả nhóm lang bạt khắp châu Phi khoảng một năm rưỡi, nhưng cuốn phim chẳng bao giờ được khởi quay. Cuối cùng tay đạo diễn "qui y" theo đạo Hồi, còn Caroline thì ly dị.

Kể từ cuối thập niên 1980, Caroline lui về sống ở Mainneville với người bạn đời hiện nay là Jacques Thollot, một cuộc sống bình dị, không cầu kỳ, xa hoa. Caroline tâm sự: "Tôi chẳng bao giờ quan tâm nhiều đến tiền bạc, nó không mang lại hạnh phúc". Điều ân hận duy nhất của Caroline là không có con.

Bà nói: "Có lẽ một phần là lo sợ. Giá như nếu cuộc cách mạng 68 đã thay đổi thật sự được thế giới, có lẽ tôi sẽ can đảm hơn và có nhiều niềm tin hơn. Còn hôm nay? Với Sarkozy (tổng thống Pháp - ND), chúng ta đang trở về thời của Marie Antoinette (hoàng hậu Pháp bị xử chết chém thời cách mạng Pháp 1789), thời của dân có tiền có bạc khoe khoang của cải trong khi dân thường khốn khó”.

THANH GƯƠNG trích dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên