28/01/2018 11:56 GMT+7

Biệt động Sài Gòn: anh là ai?

MAI HƯƠNG – MAI HOA
MAI HƯƠNG – MAI HOA

TTO - Biệt động Sài Gòn - cụm từ nhiều người đã nghe, đã nhắc nhưng không phải ai cũng hiểu hết: Họ là ai, họ từ đâu tới, bây giờ họ ở đâu?

Biệt động Sài Gòn: anh là ai? - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi các nhân chứng lịch sử tham gia Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 - Ảnh: HỮU KHOA

Sáng 28-1, Bộ tư lệnh TP, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm. 

Tham dự hội thảo có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, các nhân chứng trực tiếp chiến đấu, đại diện các gia đình từng tham gia chiến đấu…

Anh là ai?

PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nói đây là cuộc hội thảo khoa học đầu tiên ở TP.HCM cũng như trong phạm vi cả nước về lực lượng biệt động - một lực lượng võ trang đặc biệt hoạt động trên chiến trường đô thị, tiêu biểu là Sài Gòn - Gia Định.

Biệt động Sài Gòn: anh là ai? - Ảnh 2.

Hội thảo với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo, nhân chứng lịch sử. Ảnh: HỮU KHOA

Theo ông Biên, khác với bộ đội đặc công là lực lượng võ trang thoát ly hoàn toàn, chỉ gồm các thanh niên tác chiến trên mọi chiến trường, "biệt động" là lực lượng võ trang tại chỗ, chiến đấu trong lòng địch ở các đô thị bị tạm chiếm. Biệt động có từ thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ đầu kháng chiến Nam bộ và phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Họ có cả trai lẫn gái, cả thiếu niên lẫn người cao tuổi ở mọi thành phần xã hội của đô thị. Tham gia biệt động có công nhân, nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị, học sinh, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, tư sản yêu nước…

Biệt động có thể hoạt động cả ngày cả đêm, nhưng chủ yếu ban ngày, thường trà trộn trong dân hoặc lọt vào hàng ngũ địch để tiếp cận mục tiêu, rồi lên kế hoạch hành động cực nhanh, dứt khoát, quyết liệt và nhanh chóng rút khỏi khu vực chiến đấu, tìm nơi ẩn náu, thoát thân.

Theo phương thức đó thì cách sử dụng, bố trí biệt động đánh giữ mục tiêu với thời gian quá dài như trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mâu Thận 1968 không phải là sở trường mà là sở đoản của biệt động nên thiệt hại lớn.

Biệt động Sài Gòn: anh là ai? - Ảnh 3.

Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trình bày tham luận Biệt động Sài Gòn, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh lòng dân. Ảnh: HỮU KHOA

Món nợ Mậu Thân

Ra đời sớm, nhưng biệt động cũng là lực lượng sớm giải thể sau ngày đất nước thống nhất. Trở về sau cuộc chiến, những chiến sĩ biệt động mang theo nhiều trăn trở. Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động ngậm ngùi: Năm mươi năm qua, điều trăn trở và cũng là món nợ chưa trả đối với đồng chí, đồng đội là 64 người hy sinh trong trận Tổng tiến công Tết Mậu Thân vào 5 mục tiêu, nhưng đến nay chỉ tìm được duy nhất một hài cốt. Còn 63 hài cốt qua nhiều năm và bằng rất nhiều nguồn thông tin vẫn chưa thể tìm được.

"Chúng tôi tha thiết mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước và quân đội trong việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hy sinh, để qui tập về nghĩa trang thành phố", ông Độ nói.

PGS.TS Phan Xuân Biên lấy dẫn chứng về sự hi sinh của đội biệt động tấn công vào Đại sứ quán Mỹ. Dù hi sinh ngay trong khuôn viên sứ quán, nằm ngay trong lòng TP nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Một số ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết chế độ chính sách cho các chiến sĩ biệt động. Do công tác bảo đảm bí mật, đến nay nhiều người đã hi sinh nhưng không xác định được tên tuổi thật, quê quán ở đâu.

Biệt động Sài Gòn: anh là ai? - Ảnh 4.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: HỮU KHOA

Ban tổ chức hội thảo cho biết đã nhận được gần 70 tham luận cùng nhiều ý kiến của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP, Quân khu 7, các vị lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử.

Các tham luận đã nêu bật vai trò của lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không chỉ là lực lượng biệt động trực tiếp chiến đấu, mà còn cả các lực lượng bảo đảm, những người dân đã hết lòng cưu mang che chở…

Ghi nhận những ý kiến này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói biệt động những chiến sĩ không có quân hàm, số hiệu, không có đơn vị, không có kinh phí trợ cấp mà tự làm tự nuôi, dựa vào dân mà chiến đấu.

"Chính sách đã làm được nhiều, nhưng có lẽ còn phải làm nhiều hơn nữa. Nếu chưa biết thì không nói, nhưng đã biết thì phải tìm cách tri ân", ông Nhân nhấn mạnh.

Ông gửi lời cảm ơn chân thành đến những người đã sẵn sàng đổ máu hi sinh cho độc lập và cho biết sẽ bàn với thường vụ thành ủy để gìn giữ phát huy truyền thống cách mạng và tri ân thiết thực nhất.

MAI HƯƠNG – MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên