![]() |
Nữ biệt động phân khu 6 Sài Gòn - Gia Định tham gia chiến dịch Mậu Thân |
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn "chiến sĩ gái" ngày ấy là nữ biệt động Lê Hồng Quân.
Tử thủ giữa Sài Gòn
Đêm 28 giáp Tết Mậu Thân, chợ Bến Thành đông nghịt người. Các gian hàng tết trưng bày đẹp mắt, tiếng rao hàng giảm giá ra rả chào mời. Đúng 21g, lá cờ quân giải phóng thật lớn (1,8mx2,4m) bất ngờ được giăng lên ở cửa Tây. Một cô gái leo lên gian hàng tết nói giữa đám đông: "Chúng tôi, lực lượng vũ trang của Mặt trận giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, xin gửi tới đồng bào lời chúc đầu xuân hạnh phúc", sau đó kêu gọi bà con sát cánh cùng quân giải phóng miền Nam.
Cùng thời khắc đó, hàng vạn thư chúc tết của Bác Hồ, truyền đơn của Mặt trận giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định được tung ra khắp nơi trong thành phố. Khoảng 3 phút, cảnh sát kéo đến cửa Tây chợ Bến Thành nhưng bị đám đông trì kéo. Chớp thời cơ, diễn giả (Lê Hồng Quân) nhảy xuống, bỏ mắt kính, cởi áo khoác đi ra theo cửa Bắc chợ.
Vào đợt hai, tiểu đoàn được lệnh "đánh quận nhì, chi viện quận 4", nhưng gần đến giờ chót lại nhận lệnh mới là "ém quân, phát động đấu tranh tại quận nhì”. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, tiểu đoàn đã tổ chức vận chuyển vũ khí vào nội thành, xây dựng các trạm trung chuyển vũ khí, tìm các điểm ém quân, chuẩn bị hậu cần đủ dùng trong hai tháng, mua sắm phương tiện đào công sự, hệ thống âm thanh, vật tư y tế, nắm tình hình địch trên địa bàn... Bà Quân nhớ lại: "Nếu không có người dân nhiệt tình giúp đỡ chắc là không chuẩn bị kịp".
Đến giờ G, ban chỉ huy tiểu đoàn phát lệnh cho các cụm, điểm tấn công. Bộ đội nhanh chóng khống chế lực lượng cảnh sát, mật vụ trên địa bàn và phát động quần chúng đấu tranh. Bà con dựng chướng ngại vật, đào công sự, lăn ống cống... Đối phương với hỏa lực mạnh tấn công từ nhiều phía, nhưng đều bị các cụm, điểm chiến đấu đánh bật trở ra. Cuộc chiến giằng co dữ dội.
Với tương quan lực lượng quá chênh lệch, chiến sĩ tiểu đoàn cố sức cầm cự chờ "đại quân" và pháo binh ta nổ súng theo hiệp đồng tác chiến. Một số chiến sĩ lần lượt hi sinh. Hồng Quân ra lệnh chị em rút chuyển địa bàn để hạn chế tổn thất, còn mình và Sáu Xuân (Lê Thị Bạch Cát) ở lại hút hỏa lực địch. Nguyễn Văn Ba (bé Quang) bị thương quay trở lại cùng hai chị chiến đấu.
Quân lính ném lựu đạn vào, họ ném hoặc đá trở ra. Một số quả vướng lại, nổ tung, miểng găm khắp người ba chiến binh cảm tử. Hồng Quân mím môi cắt đứt cánh tay bị thương cho khỏi vướng víu, máu phọt ra. Ngay lúc đó, Sáu Xuân trúng đạn gục xuống. Trên cao, trực thăng vẫn tiếp tục phát lời chiêu hàng. Đợi năm tên lính tới gần, Hồng Quân tung quả lựu đạn cuối cùng.
Thấy êm, tốp lính nhào vô đánh hai chị em bất tỉnh. Lúc tỉnh lại, một tên trêu ngươi: "Chi khổ vậy cô em, như tụi anh đây đâu thiếu cơm ăn". Quân nói: "Tao không thể bán Tổ quốc". "Ngoan cố tao bắn chết mẹ!", tên lính giơ súng lên nhưng bị một tên khác gạt đi: "Đừng làm ẩu, để khai thác!". Chúng kiếm một cái mền khiêng chị lên xe về Ty đặc biệt 2 hỏi cung, sau đó đưa vô bệnh viện.
Tiếng hát vút cao
![]() |
40 năm trước, bà Lê Hồng Quân và đồng đội thực hiện cuộc diễn thuyết gây chấn động tại cửa Tây chợ Bến Thành - Ảnh: Thái Bình |
Quang bị thương nặng, vết thương ở ngực chỉ được băng sơ sài. Tôi đang miên man tìm cách đối phó thì cửa xịch mở, bốn tên an ninh ùa vào. Mặc cho chúng dụ dỗ, Quang chỉ khai bằng giọng như đùa: "Chỉ huy tôi đang ở trận địa, đồng đội tôi đang ở nơi có tiếng súng, các ông đến đó sẽ gặp". Chúng dựng Quang dậy, đấm tới tấp vào các vết thương trên vai, sau đó quật ma trắc vào các vết thương ở hai chân Quang đến ngất lịm.
Lúc Quang vừa tỉnh, chúng lại tiếp tục đấm, nện ma trắc vào vai, ngực và hai chân. Rồi chúng chỉ về phía tôi: "Cô ta là chỉ huy của mày?". Cùng lúc, một tên khác xốc tôi dậy: "Nó là lính cô? Một sĩ quan can đảm như cô chẳng lẽ bỏ rơi lính lúc lâm nguy?". Rồi chúng nện ma trắc vào mỏm tay cụt bị thương, vào các vết thương trên khắp người khiến tôi có cảm giác đất trời như đổ sụp.
Tôi cố lấy sức trườn tới, dùng tay áo lau những vệt máu đặc quánh trên mặt đồng đội. Quang đang sốt, nói mê man: "Tôi không biết". Đợi Quang dần tỉnh, tôi lấy chai nước mà cô y tá phòng hậu phẫu lén cho ban nãy nhỏ giọt vào miệng Quang, động viên: "Một chọi bốn, Quang cừ lắm, tính mạng bao đồng đội bên ngoài phụ thuộc vào chị em mình". Quang nói: "Chiến thắng rồi chị cho em về thăm quê chị nhé?". Rồi Quang lại choáng, vết thương ở ngực theo nhịp thở phọt ra các tia máu tươi, tôi hét to gọi cấp cứu cho đến lúc lịm đi.
Ba tên an ninh lại xộc vào. Một tên phóng mũi giày vào bụng, một tên thoi vào lưng khiến Quang ngã sấp. Rồi hắn túm tóc, giằng đầu Quang ngược ra sau: "Khai không?". Một tên dang tay chặt mạnh vô sườn khiến Quang té vật vào chiếc đầu gối đón sẵn của tên kia. Chúng bứt tung vải băng ở ngực, thọc mạnh ma trắc vào vết thương: "Một, hai. Khai mau!".
Đến tiếng "năm" thì đầu cây ma trắc đã lọt thụp vào vết thương. Mặt Quang tái xanh, đôi môi mím chặt. Ơ lạ chưa, Quang hát, tiếng hát lạ thường như có lửa: Không, không thể sống chần chờ hay trông đợi. Tương lai hồng ta phải nắm về ta. Sống là đây mà chết cũng là đây! Cả ba tên an ninh đứng đờ ra. Tiếng hát đang vút cao bỗng ngừng bặt.
___________________
Mọi người ôm lấy nhau, tất cả chị em gái trong đoàn chỉ có hai chị là có chồng con, còn lại là những cô gái mới lớn. "Ba má ơi, chắc con không về được rồi!", "Con ơi, chắc má chết rồi".
Kỳ tới: 32 người ở Vĩnh Lộc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận