![]() |
1. Đã ở tuổi "băm vài nhát" rồi mà chưa có một mảnh tình vắt vai, Quy có tâm trạng... cuống.
Quy thuộc loại nhan sắc trung bình yếu, cô rất biết thân biết phận, thế nên gặp người đàn ông độc thân nào cô cũng tranh thủ triệt để (làm quen, tỏ ra thân thiện, có thiện cảm...). Cô thường xuyên ăn chay niệm Phật để cầu có một tấm chồng, một tấm chồng thế nào cũng được, vì "có còn hơn không". Cầu được, ước thấy, bước qua tuổi 40, cô đã toại nguyện "trên mức mơ ước", không những gặp được một người yêu cô thực lòng, anh còn khá bảnh trai, khiến bạn bè của cô phải tròn mắt ngạc nhiên và... ganh tỵ. Quy hạnh phúc và hãnh diện lắm.
Những năm đầu cô sống đúng như lời cô thề nguyền. Một lòng thương yêu,chiều chồng. Nhưng khi sinh được hai đứa con thì cô bắt đầu coi chồng không ra gì. Lý do cũng đơn giản, anh bị tinh giản biên chế, chưa tìm ra việc, tối ngày anh phải quanh quẩn trong nhà. Có nên vì thế mà khi bạn bè hỏi thăm đến chồng thì cô phải khinh bỉ nói: "Ôi, hỏi đến... "thằng chó" ấy làm gì"!? Ai nấy đều kinh hoàng vì sự thay đổi ấy ở cô.
2. Phiên tòa xử ly hôn hôm ấy, ai cũng ngạc nhiên khi người chồng đưa ra lý do để ly hôn vợ chỉ vì "cô ta là người sống không biết điều". Vợ chồng họ lấy nhau khi cả hai đều không có công ăn việc làm, con cái đẻ ra ba mẹ chồng cũng bao nuôi hết. Khi anh đã có việc làm thì chị vẫn ở nhà, tối ngày ăn chơi, mua sắm. Đã phải sống phụ thuộc nhưng càng ngày chị càng hỗn hào, chửi chồng và cả cha mẹ chồng. Chị nói: "Tại cha mẹ chồng bắt ne bắt nẹt quá nên không chịu được. Tôi muốn ở riêng thì không ai chịu". Anh chồng lắc đầu ngán ngẩm: "Tôi xin cô, đuểnh đoảng và không biết điều như cô, ở riêng có mà tôi chết sớm!".
Kết thúc phiên tòa, anh còn phân bua: có phụ nữ khi chưa kết hôn thì dịu dàng thùy mị, nết na, có chồng rồi lại thay đổi... 180 "độ": dữ dằn, lắm điều, ngoa ngoắt, coi thường chồng. Đến một độ nào đó thì gia đình ắt tan vỡ, bởi đàn ông dù vị tha đến đâu cũng không chịu được sự quá quắt ấy.
Đa số đàn ông đều thích vợ mình công dung ngôn hạnh vẹn toàn; giỏi việc nước, đảm việc nhà... mà không hề nghĩ rằng mình cũng phải sống, cư xử như thế nào cho tương xứng. Phụ nữ thường có sức chịu đựng, dù ông chồng không biết điều, nhưng nếu người phụ nữ biết điều thì gia đình vẫn tồn tại và... êm ấm.
3. Gia đình chị Thúy là một ví dụ. Chị tốt nghiệp ĐH Sư phạm toán, ĐH Bách khoa về tin học, trong khi anh chỉ là thuyền viên và cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng mình cần phải có một tấm bằng đại học. Tiền bạc có được thậm chí lương anh cũng không đưa cho vợ. Anh nghĩ vợ vừa giỏi vừa giàu, cần gì đến bạc cắc của anh.
Thời kỳ đầu anh còn gia trưởng, vợ muốn làm điều gì phải hỏi ý kiến anh, anh đồng ý thì mới được làm. Chị răm rắp tuân lệnh. Trong khi đó, anh làm gì cũng không hề tham khảo ý kiến vợ. Nhưng "vật chất quyết định ý thức", dần dần anh bị mất vai trò gia trưởng trong chính ngôi nhà của mình. Nhưng chị vẫn không coi thường, không xúc phạm anh. Chị khéo léo quyết định những việc mà chị thấy là cần và có lợi cho gia đình.
Giờ đây, các con chị Thúy đã thành tài, ngoan ngoãn, đời sống vật chất gia đình chẳng thiếu gì, nhưng nhìn lại đời mình chị thấy... chưa vui. Thế là chị dẫn anh đến... chuyên viên tư vấn tâm lý. Để mối quan hệ vợ chồng chị "chuyển biến" theo chiều hướng tích cực là cả một quá trình "gian khổ lâu dài". Ngày 8-3 vừa qua, lần đầu tiên chị được anh chở đi mua quà, "thích món nào thì em chọn"...
Theo thói quen, chị móc tiền ra trả, nhưng lần nay anh nói: "để anh..." thật trìu mến, khiến chị suýt bật khóc giữa chốn đông người vì cảm động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận