15/06/2008 17:41 GMT+7

Biệt điện Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt

NGUYỄN HUY KHUYẾN
NGUYỄN HUY KHUYẾN

TTCT - Những ngôi biệt thự nằm len lỏi trên những đồi thông của thành phố Đà Lạt đã trở nên rất quen thuộc nhưng cũng thật lạ lùng với nhiều du khách.

qYO2tP2D.jpgPhóng to
Khu vườn Nhật Bản
TTCT - Những ngôi biệt thự nằm len lỏi trên những đồi thông của thành phố Đà Lạt đã trở nên rất quen thuộc nhưng cũng thật lạ lùng với nhiều du khách.

Chắc hẳn nhiều người đến Đà Lạt đã từng được nghe những cái tên như “ngôi nhà ma” hay “biệt thự hoang vu” không người ở với biết bao câu chuyện được kể với độ rùng rợn và ly kỳ cao; nhưng có lẽ nhiều người chưa biết nhiều về ngôi biệt điện của Trần Lệ Xuân tại Đà Lạt, một ngôi biệt điện không kém phần xa hoa lộng lẫy nhưng cũng đầy bí ẩn. Theo nhiều người dân sống xung quanh khu biệt điện đó kể lại thì nó rất nổi tiếng, nổi tiếng đến độ sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì người dân đã đổ xô đến để xem. Vậy điều gì đã khiến ngôi biệt điện này nổi tiếng đến thế?

Trước hết chủ nhân của ngôi biệt điện này không ai khác là Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân (em trai và em dâu của Ngô Đình Diệm - tổng thống chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955-1963), đôi vợ chồng giàu có và đầy quyền lực thời bấy giờ. Sự giàu có ấy chỉ được tiết lộ khi báo chí nước ngoài thời ấy cho biết tài sản của Lệ Xuân lên đến 18 tỉ USD, ám chỉ số tiền gửi trong các ngân hàng nước ngoài từ năm 1956, khi gia đình họ Ngô bắt đầu lên nắm quyền tại miền Nam.

Trong Việt Nam nhân chứng, Trần Văn Đôn viết về khu biệt thự lộng lẫy này như sau: “Họ (ông bà Nhu) có xây một khu nhà ở trên Đà Lạt, gồm ba ngôi nhà có hồ tắm, sân đánh tennis. Xây mãi không xong vì bà Nhu đổi ý kiến hoài nên đến ngày đảo chính 1-11-1963 vẫn chưa hoàn thành”.

eNnjD7AW.jpgPhóng to
Biệt thự Bạch Ngọc
Đỗ Mậu - một tướng quân đội Sài Gòn - viết qua hồi ký như sau: “Tướng Đôn và bà Nhu là đôi bạn chí thân từ năm 1948. Tướng Đôn biết rõ sự nghiệp và cuộc đời của bà Nhu cũng như ngôi nhà của bà ta tại Đà Lạt. Tướng Đôn quên kể cái vườn hoa rộng lớn có thể được gọi là bát ngát trong sân trước, quên cả rừng thông trên ngọn đồi của lâu đài được sắp đặt và vun xới công phu, quên cả cái hồ sen hình địa đồ Việt Nam mà bà Nhu đã mời kỹ sư Nhật Bản đến Việt Nam hai lần để thiết kế và xây cất cái hồ đặc biệt đó”.

Trên thực tế, bây giờ người ta vẫn gọi khu biệt thự ở số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt là khu biệt điện Trần Lệ Xuân. Khu này được xây dựng trên một quả đồi có tên là Lam Sơn với diện tích hơn 13.000m2 đất, với các hạng mục chính như sau:

Biệt thự Bạch Ngọc và hồ bơi nước nóng, nơi giải trí của gia đình Lệ Xuân. Tọa lạc ngay trên một quả đồi, khu biệt điện hiện lên lộng lẫy hơn khi có một hồ bơi nước nóng với sức chứa hơn 300m3 nước để xua đi cái lạnh của thành phố cao nguyên này. Nơi đây còn là một không gian đầy lãng mạn, từ vọng lâu của biệt điện có thể phóng tầm mắt ngắm những đồi thông xanh ngắt chập chùng.

iy9J5kAL.jpgPhóng to
Biệt thự Lam Ngọc
Biệt thự Lam Ngọc được trang bị hiện đại bậc nhất thời đó. Có phòng làm việc, hội họp, phòng nhảy, phòng trang điểm của Lệ Xuân, nhà được trang bị lò sưởi kiểu Pháp. Trong biệt thự này có đường hầm thoát hiểm nội bộ và hầm trú ẩn với nắp hầm được làm bằng một loại thép đặc biệt đạn bắn không thủng, bên dưới hầm được thiết kế rộng rãi, đủ chỗ cho hơn mười người trú ẩn.

Biệt thự Hồng Ngọc thường gọi là biệt thự Trần Văn Chương. Ngôi biệt thự này Trần Lệ Xuân xây cho bố đẻ là Trần Văn Chương khi ấy đang làm đại sứ của chính quyền Diệm ở Mỹ. Công trình chưa hoàn thành thì chế độ Diệm bị lật đổ.

Vườn hoa Nhật Bản nằm phía sau biệt thự Lam Ngọc (do kỹ sư Nhật thiết kế nên gọi là vườn hoa Nhật Bản). Trong vườn hoa Nhật Bản có hồ nước, khi bơm nước đầy hiện rõ hình bản đồ Việt Nam. Và hai khu nhà dành cho đơn vị bảo vệ, canh gác. Vườn hoa Nhật Bản có thác nước, nhiều loài hoa đẹp và được chăm sóc rất công phu.

3nsDuHkg.jpgPhóng to
Biệt thự Hồng Ngọc
Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, tài sản gia đình họ Ngô bị tịch thu, khu biệt điện Trần Lệ Xuân được chế độ Sài Gòn dùng làm khu bảo tàng sắc tộc Tây nguyên. Sau 30-4-1975, khu biệt điện này được giao cho Sở Du lịch Lâm Đồng quản lý. Năm 1984, tỉnh Lâm Đồng giao lại cho Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước) quản lý để làm nơi bảo quản khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn.

Kể từ tháng 8-2006, khu biệt thự Trần Lệ Xuân trở thành trụ sở chính của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Ngày nay, biệt điện Trần Lệ Xuân không còn bí ẩn nữa khi được trùng tu, tôn tạo để giữ lại vẻ đẹp diễm lệ xưa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, cơ quan chủ quản khu biệt điện, đã khai trương khu trưng bày triển lãm tài liệu lưu trữ quốc gia ngay trong khuôn viên biệt điện, mở cửa đón các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước, những người quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.

NGUYỄN HUY KHUYẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên