29/02/2008 12:09 GMT+7

"Biến tấu" với trang phục giảng đường

YÊN THẢO - TRUNG UYÊN
YÊN THẢO - TRUNG UYÊN

TTO - Thoải mái, năng động và cá tính là những ưu điểm của trang phục giảng đường, nhưng với những trang phục được biến tấu một cách thừa thoải mái thiếu nghiêm túc như hiện nay, các bạn SV vô tình làm giảm thiện cảm trong mắt người xung quanh.

vdWBKWps.jpgPhóng to
Sự thoải mái trong trang phục có giúp SV sáng tạo hơn...? - Ảnh Yên Thảo
TTO - Thoải mái, năng động và cá tính là những ưu điểm của trang phục giảng đường, nhưng với những trang phục được biến tấu một cách thừa thoải mái thiếu nghiêm túc như hiện nay, các bạn SV vô tình làm giảm thiện cảm trong mắt người xung quanh.

Thi thoảng báo chí vẫn lên tiếng trước cách ăn mặc quá thoải mái của SV khi đến giảng đường. Nhưng “luật bất thành văn”, SV lại tự do trình làng những “khúc biến tấu” mới lạ của mình.

Tiện, tiện và tiện

Dép lê, quần lửng, áo sát nách, ipod lủng lẳng trên tai, X. nhanh nhẹn di chuyển trong phòng vẽ của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ngay tầng dưới, phòng điêu khắc cũng không kém “xì tin” với những cô gái nhí nhảnh trong đôi dép lê yên vị bên chiếc quần lửng quá gối và chiếc áo pull cổ trễ, hay những anh chàng tóc uốn nhuộm đủ kiểu, khoen tai lủng lẳng.

Không riêng gì cư dân “kiến” nổi tiếng “lập dị”, đến nhiều trường ĐH, CĐ tại TP.HCM, bạn sẽ không hiếm thấy hình ảnh các SV (cả nam lẫn nữ) mặc quần lửng (đến đầu gối hoặc qua đầu gối chút ít), áo thun (có tay hoặc không tay) và mang dép lê lẹp xẹp. Không biết từ bao giờ, kiểu trang phục ưa thích của bạn trẻ khi đi du lịch bụi, picnic cùng bạn bè, dạo phố hay… ở nhà đã “du nhập” chốn giảng đường. V.Trinh (ĐH Huflit) cho biết: “Lúc đầu mặc quần lửng đến lớp cũng ngại lắm. Bạn bè thấy lạ cũng nhìn quá trời. Nhưng mặc vài lần thấy thoải mái nên “kết môđen” luôn”.

Muốn thu hút các ánh nhìn khi đến giảng đường suy cho cùng cũng không khó khăn lắm. Minh Châu - SV năm 3 ĐH KHXH&NV TP.HCM - kể: “Không ít lần tôi nhìn thấy các SV đến lớp mà mặc quần đùi, quần soọc, quần jean thủng lỗ chỗ, váy quá ngắn,… Cách ăn mặc như thế thật sự rất gây phản cảm cho những người xung quanh!”.

Có những SV ăn mặc cầu kỳ như ca sĩ sắp biểu diễn, dây nhợ, khoen đeo đầy người… khi đến giảng đường cũng rất dễ gây “hiệu ứng ngược”.

“Luật thành văn”, có nên chăng?

Với biệt danh “cô nàng xấu lạ”, T.Nhân (Trường ĐH Văn Lang TP.HCM) được coi là "trùm" “nghịch ngợm” trang phục giảng đường. Mỗi ngày Nhân xuất hiện với một khúc “ngẫu hứng” mới không đụng hàng với ai. “Cô nàng xấu lạ” chia sẻ: “Mình không biết nội qui của trường có mục nào đề cập đến trang phục SV hay không.

Từ ngày nhập học đến giờ chưa nghe ai nhắc đến. Mình thấy cứ ăn mặc thoải mái, nhưng đẹp là được. Thời trang, cá tính nhưng không hở hang, phản cảm thì có gì là xấu”. Không riêng gì Nhân mà hầu hết những SV được hỏi đều không hề biết trường mình có nội qui gì cho trang phục của SV hay không.

“Luật thành văn” về trang phục giảng đường của Trường ĐH Bách khoa vừa đưa ra gần đây lập tức gây xôn xao trong giới SV khắp thành phố. Minh Châu (ĐH KHXH&NVTP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Tôi đồng ý với qui định này của Trường ĐHBK TP.HCM ở chỗ nó sẽ góp phần tạo cho SV có ý thức ăn mặc lịch sự, trang nhã khi đến trường - nơi chúng ta học tập, trau dồi kiến thức, chứ không phải là sàn diễn thời trang.

Nhưng bên cạnh đó, có nhiều chi tiết quá khắt khe và không cần thiết, như cấm mặc áo thun không cổ, hạn chế quần jeans, cấm mang giày cao gót,… Tôi nghĩ tinh thần nội qui là đúng đắn nhưng cần điều chỉnh lại sao cho phù hợp với nhịp sống năng động, hiện đại của SV ngày nay”.

Trao đổi xung quanh vấn đề trang phục SV và qui định về trang phục SV khi đến trường của ĐH Bách khoa TP.HCM đang tạo nên nhiều ý kiến trong SV, TS tâm lýHuỳnh Văn Sơn, trưởng bộ môn Tâm lý học ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết:

Thực tế cho thấy không phải ngày nay mới có qui định về trang phục của SV. Trong những năm 1980-2000, khá nhiều trường đã có qui định này. Cụ thể những trường kỹ thuật thì SV học lý thuyết phải mặc trang phục trắng, SV học thực hành nghề nghiệp thì phải mặc trang phục công nhân (màu xanh đậm), SV học thể thao thì phải mặc trang phục thể thao...

Nhiều trường sư phạm cũng có qui định về đồng phục áo dài theo mẫu khi đi học, điều này phù hợp vì tôn vinh nét đẹp nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp, cuộc sống… Tuy nhiên, khi thực tế có quá nhiều biến đổi thì từ những năm 2000 trở đi, qui định của những trường này cũng có phần đơn giản hóa. Cụ thể như các trường du lịch thì SV nữ chỉ mặc áo dài xanh vào thứ hai, các trường sư phạm mầm non hay cao đẳng có thể mặc áo dài chào cờ vào đầu tuần… Cũng từ đây, thực tế bắt đầu xuất hiện việc mặc không hợp lắm của các SV khi lên giảng đường: áo ngắn bằng một gang tay rưỡi, quần bằng hai gang tay, dép lê kéo nghe phát sợ…

Một trong những vấn đề trọng tâm cần chú ý trong vấn đề trang phục SV đến giảng đường phải là định hướng cái đẹp chứ không chỉ là cấm đoán. Ngày nay, khi SV nhuộm tóc (màu hạt dẻ hay màu nâu nhẹ) mặc quần jean, đeo khuyên tai khi các bạn đã tròn 18 tuổi là chuyện không phải không chấp nhận được nếu chính các bạn đó cảm thấy đã suy nghĩ thật kỹ, cũng như thấy mình thật sự tự tin hơn và đẹp hơn… Vấn đề còn lại là đừng nên làm xấu mình thông qua việc tạo cho mình một hình thức quá kỳ dị…

Xét nghĩ, bất cứ qui định nào cũng nên cần có sự tương hợp với ý kiến SV (thông qua một cuộc trao đổi thẳng thắn). Thế nhưng, những gì mà chúng tôi có dịp tiếp xúc và nghiên cứu về SV thì với những yêu cầu cứng nhắc thì không phải SV nào cũng có thể chấp nhận được.

YÊN THẢO - TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên