![]() |
Một bánh uranium làm giàu cấp độ vũ khí - Ảnh: Ask.com |
Năm 1993, một thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ và Nga đã ký một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng. Theo Hiệp định mua lại uranium làm giàu mức cao (HEU), Nga tháo dỡ hàng ngàn đầu đạn hạt nhân, chuyển đổi uranium làm giàu ở mức độ vũ khí trong các quả bom thành nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân Mỹ.
Ngày nay, cứ 10 bóng đèn đang cháy trong các ngôi nhà, siêu thị, sân vận động ở Mỹ thì một được thắp sáng bằng năng lượng hạt nhân ban đầu được thiết kế với mục tiêu hủy diệt.
Vũ khí hạt nhân thành... điện năng
Ngày 10-9, Cơ quan An ninh năng lượng hạt nhân Mỹ (NNSA), cơ quan thay mặt Chính phủ Mỹ giám sát hoạt động tháo dỡ đầu đạn hạt nhân Nga, công bố Hiệp định HEU đã đạt một cột mốc quan trọng. Khoảng 400 tấn uranium làm giàu mức độ cao của Nga, tương đương 16.000 vũ khí nguyên tử, đã được chuyển đổi thành uranium làm giàu mức độ thấp.
“Đây là chương trình lưỡi kiếm biến thành lưỡi cày - lãnh đạo NNSA Thomas D’Agostino tuyên bố - Cột mốc này đưa chúng ta thêm một bước tới gần hơn mục tiêu hủy bỏ toàn bộ nguyên liệu hạt nhân dùng làm vũ khí trên toàn thế giới”.
Mỗi năm chương trình minh bạch HEU của NNSA thực hiện 24 cuộc thanh sát đối với các cơ sở chuyển đổi uranium của Nga. Các cơ sở này chuyển đổi 30 tấn uranium làm giàu mức độ vũ khí, đủ để chế tạo 1.200 quả bom hạt nhân thành uranium làm giàu mức độ thấp mỗi năm. Đến nay NNSA đã thực hiện 290 cuộc thanh sát.
Phía Nga cũng thanh sát các cơ sở Mỹ để đảm bảo nguyên liệu hạt nhân xuất sang Mỹ chỉ phục vụ mục đích dân sự.
“Đây là một trong những chương trình thành công nhất, dựa trên một ý tưởng cực kỳ đơn giản - ông William Potter, giám đốc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin, nhận định - Khi người Mỹ bật đèn vào ban đêm, họ tiếp sức cho các nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân”.
Hiệp định HEU có lợi cho cả hai bên Mỹ và Nga. Khi nó hết hiệu lực vào năm 2013, Nga sẽ thu được 8 tỉ USD từ công ty năng lượng Mỹ USEC Inc. Tổng cộng, USEC sẽ nhận được nguồn năng lượng tương đương 3 tỉ tấn than hoặc 10 tỉ thùng dầu. Nguồn năng lượng này đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của cả nước Mỹ trong hai năm liên tục.
Áp dụng được ở nhiều nơi
Tuy nhiên, nhiều khả năng Washington và Matxcơva sẽ phải thương lượng lại khi Hiệp định HEU vốn sẽ hết hiệu lực trong ba năm tới. Phía Nga cho rằng số tiền Matxcơva nhận được từ USEC là quá thấp so với giá thị trường.
Nga đã tính đến khả năng tiếp tục tháo dỡ vũ khí hạt nhân và bán uranium ra thị trường thế giới. Một số quan chức Washington cũng cho biết họ sẵn sàng điều chỉnh hợp đồng với Nga, đặc biệt là nếu Matxcơva tiếp tục cho phép các thanh sát viên NNSA giám sát hoạt động tháo dỡ vũ khí để đảm bảo uranium Nga bán được lấy từ đầu đạn hạt nhân.
Việc Nga sẵn sàng tháo dỡ thêm bao nhiêu vũ khí hạt nhân còn tùy thuộc Matxcơva thừa bao nhiêu quả bom so với nhu cầu quân sự nước này, cũng như vào các sáng kiến kiểm soát vũ khí, ví dụ như START 2.
Hơn nữa, Hiệp định HEU chỉ áp dụng đối với vũ khí uranium, không bao gồm vũ khí plutonium. Nguyên nhân là do chuyển đổi plutonium làm giàu cấp độ vũ khí thành cấp độ năng lượng không rẻ như chuyển đổi uranium.
Chuyên gia Matthew Bunn thuộc Trung tâm Khoa học và vấn đề quốc tế Belfer (ĐH Harvard) cho rằng cả Mỹ và Nga nên rao bán lò phản ứng hạt nhân cho các nước muốn phát triển năng lượng điện hạt nhân. Đi kèm theo đó là một khoản “hoa hồng” hậu hĩnh: vài năm sử dụng uranium làm giàu quy mô thấp miễn phí, lấy từ các đầu đạn hạt nhân.
Hợp đồng làm ăn kiểu này cũng giúp tránh được tình trạng các quốc gia đòi quyền tự làm giàu uranium tương tự Iran.
Và một khi Mỹ - Nga còn thực hiện được chương trình biến vũ khí hạt nhân thành năng lượng thì mô hình này không thể không được áp dụng ở bất cứ đâu. Cả Ấn Độ và Pakistan mới đây đều tuyên bố muốn tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân. Khả năng nhà máy điện hạt nhân Ấn Độ sử dụng năng lượng lấy từ vũ khí ở Pakistan là một viễn cảnh lý tưởng.
Mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân có vẻ như quá xa vời, nhưng các quốc gia trên thế giới không cần phải đi tìm những ý tưởng xa xôi ở mãi đâu đâu. Chỉ đơn giản là bật công tắc đèn điện sáng lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận